Không thể bắt người Việt Nam từ bỏ ý chí…

Thành Duy 31/10/2021 12:30

(Baonghean.vn) - Nhà ngoại giao George Ball (1909 - 1994), từng làm Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ trong chính quyền hai đời Tổng thống Mỹ khi nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam đã thừa nhận: “Không thể bắt người Việt Nam từ bỏ ý chí chỉ bằng cách ném bom vào miền Bắc; ngược lại những cuộc không kích khốc liệt đã làm cho dân tộc Việt Nam trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết”. Nhận định này được thể hiện rõ trên các “tọa độ lửa” một thời, trong đó có Truông Bồn.

“Điểm tắc lý tưởng”

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, một trong những mục tiêu chiến lược mà Mỹ đánh phá là hệ thống giao thông, kho tàng, bến cảng của ta. Trên Quốc lộ 1A, nhiều vị trí trọng điểm như: Cầu Hàm Rồng, cầu Hoàng Mai, cầu Bùng, cầu Cấm, phà Bến Thủy hứng chịu bom đạn khốc liệt của không quân Mỹ. Các chuyến hàng liên tục bị dồn tắc do địch phong tỏa ngày đêm. Do đó, tuyến đường 15A (hay còn gọi là đường 30) lúc này được xác định là tuyến đường giao thông vận tải chiến lược quan trọng nhất.

Tuyến đường 15A xuất phát từ Vạn Mai (Thanh Hóa) đi qua Nghệ An sang La Khê, Hương Khê (Hà Tĩnh) để vào miền Nam. Đoạn đường đi qua Nghệ An dài 147km, bắt đầu từ Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) xuống Tân Kỳ qua Truông Dong, Giang Sơn đến thị trấn Đô Lương. Từ thị trấn Đô Lương, đường được chia thành hai nhánh, một nhánh vòng xuống Thanh Chương, theo đường này vào mùa mưa các phương tiện vận tải gặp không ít khó khăn do có nhiều ngầm, khe suối, cầu dã chiến. Đặc biệt, đoạn đi qua Rú Nguộc, huyện Thanh Chương khá hiểm trở, mặt đường hẹp, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, xe pháo, bộ đội hành quân nếu gặp máy bay Mỹ đánh phá, cả đường tiến và đường lùi đều nguy hiểm.

Bộ đội và Thanh niên xung phong họp bàn phương án bảo vệ Truông Bồn. Ảnh: Tư liệu
Bộ đội và Thanh niên xung phong họp bàn phương án bảo vệ Truông Bồn. Ảnh: Tư liệu

Nhánh còn lại đi về hướng Truông Bồn, Mỹ Sơn (Đô Lương) rồi xuống Nam Đàn ngắn hơn, nền đường tốt hơn và thuận lợi là con đường ẩn mình dưới tán cây xanh được các ngọn núi che chắn nên hạn chế được tầm nhìn máy bay địch. Trên nhánh đường này, Truông Bồn là nơi có vị trí chiến lược, trọng yếu.

GS.TS Nguyễn Văn Kim và TS. Hoàng Hồng Nga, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội trong bài viết: “Vị trí của Truông Bồn trong tầm nhìn chiến lược của Đảng về đường Trường Sơn huyền thoại” gửi đến Hội thảo khoa học “Truông Bồn - Giá trị lịch sử, bảo tồn và phát huy” do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức năm 2018 nhân kỷ niệm 50 chiến thắng Truông Bồn đã phân tích, Truông Bồn là nơi duy nhất nối liền các mạch máu giao thông: Mốc Km số 0 đường mòn Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1A, đường số 7, đường 34 chi viện cho chiến trường miền Nam.

Vì thế, Truông Bồn được không quân Mỹ coi là một trong những “điểm tắc lý tưởng” ở vị trí “cổ họng” vận tải mặt đất với đường độc đạo chỉ dài khoảng 5km. Mỹ đã trút “mưa bom, bão đạn”, biến Truông Bồn thành “tọa độ lửa”. Bởi nếu Truông Bồn tắc, tức là bóp nghẹt “yết hầu” giao thông, nhiều tuyến chi viện cho chiến trường bị chặn lại.

Song với quyết tâm không cho không quân Mỹ ngăn chặn các đoàn xe và đoàn quân tiến ra tiền tuyến, các lực lượng làm nhiệm vụ trên “cung đường lửa” đã thực hiện nhiều biện pháp để giao thông được thông suốt. Việc bảo vệ các đoàn xe, bảo vệ cung đường chiến lược trở thành nhiệm vụ cấp thiết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu IV đã điều động thêm nhiều đơn vị pháo phòng không của Quân khu trực tiếp xây dựng trận địa, đánh địch từ Tân Kỳ vào đến Đồng Lộc, Bến Thủy. Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương thành lập lực lượng thanh niên xung phong, các “trung đội thép”, “tiểu đội thép”… để chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ quê hương và huyết mạch giao thông.

Tiểu đội hai (Tiểu đội cảm tử), Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An đang san lấp hố bom tại Truông Bồn. Ảnh: TTXVN
Tiểu đội hai (Tiểu đội cảm tử), Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An đang san lấp hố bom tại Truông Bồn. Ảnh: Phùng Triệu/TTXVN

Ngày 26/8/1968, Ban Chỉ huy thống nhất các lực lượng đảm bảo giao thông ở Truông Bồn, Đồng Lộc, Bến Thủy, Long Đại được thành lập. Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ và Tư lệnh Binh đoàn 559 Đồng Sỹ Nguyên thay mặt Trung ương chỉ đạo: “Truông Bồn là trọng điểm giao thông ở đây, cũng như dòng máu trong một cơ thể thống nhất, quyết không thể để ngừng chảy”.

Lực lượng chính trong việc bảo đảm giao thông ở Truông Bồn là các đại đội thanh niên xung phong, chủ công là Đại đội 317 và 304, thuộc Đội 65, Tổng đội TNXP Nghệ An. Lực lượng TNXP ở đây được chia thành 18 tiểu đội, trong đó có 7 tiểu đội thuộc Đại đội 317 làm nhiệm vụ san lấp hố bom, sửa đường, bảo đảm cho các phương tiện qua lại.

“Không thể bắt người Việt Nam từ bỏ ý chí…”

Các lực lượng bám trụ chiến đấu trên “cung đường lửa” Truông Bồn là những thanh niên trai, gái tuổi mười tám, đôi mươi đã dũng cảm, ngoan cường chiến đấu suốt ngày đêm với máy bay địch, không quản ngại tổn thất, hy sinh. Tất cả đều sẵn sàng xông pha ra trận tuyến, ngụy trang hàng hóa, nghi binh đánh lạc hướng địch, san lấp hố bom, rà phá bom mìn nổ chậm, lập hệ thống biển báo sống cho xe pháo đi qua trong đêm. Các anh, các chị sẵn sàng đối diện với hy sinh, với đạn bom, lấy thân mình làm “cọc tiêu sống” dẫn đường cho xe qua. Trong một ngày đối diện với đạn bom kẻ thù như bao ngày khác để thông đường cho xe ra tiền tuyến, ngày 31/10/1968, cả 13 chiến sỹ Đại đội TNXP 317 đã anh dũng hy sinh. Máu đào của quân và dân ta đổ xuống trên “tọa độ lửa” đã đưa 94.000 lượt xe cơ giới băng qua Truông Bồn, góp phần cho ngày miền Nam toàn thắng.

Các đoàn tham quan nghe thuyết minh về sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ TNXP ở Truông Bồn. Ảnh: Thành Duy
Các đoàn tham quan nghe thuyết minh về sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ TNXP ở Truông Bồn. Ảnh: Thành Duy

Nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam, nhiều người từng một thời ở bên kia chiến tuyến đã phải thừa nhận rằng, bom đạn đã không thể khuất phục được ý chí dân tộc ta. Nếu ai đã từng xem 13 tập phim tài liệu “Việt Nam - thiên lịch sử truyền hình” do nhà sử học, nhà báo Stanley Karnow sản xuất, một tác phẩm đồ sộ nhìn lại cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam - có thể thấy rõ mục đích của Washington khi ném bom miền Bắc là sự thừa nhận thất bại của họ khi nhìn lại cuộc chiến.

Trong phim William Bundy (1917 - 2000) - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Lyndon Johnson nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ném bom sẽ sớm mang lại kết quả. Nhưng ném bom sẽ cắt đứt mọi sự xâm nhập vào miền Nam và ngăn cản các nguồn tiếp viện”. Thế nhưng bất chấp bom đạn ào ạt ném xuống, từng đoàn quân và xe vận tải vẫn nối đuôi nhau vào niềm Nam. Nhà ngoại giao George Ball (1909 - 1994) - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ từ năm 1961 đến năm 1966; từng làm Giám đốc phụ trách nghiên cứu các điểm ném bom chiến lược của Mỹ vào cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ II, đã bị thuyết phục rằng không thể bắt người Việt Nam từ bỏ ý chí của họ chỉ bằng cách ném bom vào miền Bắc. Ngược lại, “chúng tôi đã làm cho họ trở nên đoàn kết hơn bao giờ hết”, George Ball nói trong phim “Việt Nam - thiên lịch sử truyền hình”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nhìn lại lịch sử qua lăng kính của những người trong cuộc và các cứ liệu cho ta cảm nhận sâu sắc hơn những trận chiến đấu khốc liệt, những hy sinh, gian khổ ở Truông Bồn của quân và dân ta. Trên tất cả, chiến thắng Truông Bồn là kết tinh cao đẹp nhất của truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, của ý chí quyết chiến, quyết thắng chống ngoại xâm; của lòng dũng cảm, nhân phẩm, lương tri và khát vọng hòa bình.

Toàn cảnh Khu Di tích lịch sử Truông Bồn. Ảnh: Thành Cường

Thành Duy