Giá nhiên liệu tăng, người dân lo ngại chi phí sinh hoạt 'leo thang'

Thanh Phúc 02/11/2021 15:58

(Baonghean.vn) - Liên tiếp trong những tháng gần đây, giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng và giá gas cũng tăng mạnh khiến người dân gặp không ít khó khăn khi phải đối mặt với chi phí sinh hoạt “leo thang”…

Gas tăng mạnh, người nội trợ chuyển sang dùng bếp từ

Tính lũy kế, sau 9 lần tăng giá liên tiếp, mỗi bình gas đội giá thêm 164.000 đồng/bình 12kg. Ảnh: Thanh Phúc
Tính lũy kế, sau 9 lần tăng giá liên tiếp, mỗi bình gas đội giá thêm 164.000 đồng/bình 12kg. Ảnh: Thanh Phúc

Sau 9 lần điều chỉnh tăng giá liên tục, đến ngày 1/11, mỗi bình gas loại 12 kg sẽ tăng thêm 17.000 đồng, kéo theo giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng xấp xỉ 500.000 đồng/bình. Theo khảo sát, hiện giá gas tại Nghệ An như sau: Gas Petrolimex là 485.000 - 500.000 đồng/bình 12kg, các loại gas khác như Thăng Long, Gia Định, Đất Việt có giá thấp hơn từ 50-60.000 đồng/bình.

Lý giải nguyên nhân giá gas tháng 11 tăng mạnh, các đơn vị kinh doanh gas cho biết, giá giao dịch gas trên thị trường thế giới giao theo hợp đồng tháng 11 tăng tới 52,5 USD/tấn so với tháng 10, ở mức bình quân 850 USD/tấn. Do đó, các đơn vị kinh doanh gas trong nước phải điều chỉnh tăng giá gas bán lẻ. Đây là tháng thứ 9 trong năm nay giá gas tăng, tổng mức tăng đến nay là 164.000 đồng/bình 12kg.

Giá gas tăng mạnh khiến người dân, nhất là những hộ thu nhập thấp gặp không ít khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, tác động xấu đến việc làm và thu nhập như hiện nay.

Người dân, nhất là các bếp ăn kinh doanh gặp không ít khó khăn khi giá gas liên tục tăng. Ảnh: Thanh Phúc
Người dân, nhất là các bếp ăn kinh doanh gặp không ít khó khăn khi giá gas liên tục tăng. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Phạm Thị Minh, chủ một quán ăn sáng trên đường Nguyễn Sỹ Sách (TP.Vinh) cho biết: “Với 2 bếp gas công nghiệp, trung bình mỗi tháng, quán sử dụng hết 1 bình ga 45kg. Giá gas liên tục tăng trong khi không thể tăng giá cháo, bún do dịch bệnh, lượng khách giảm và thực khách đều thắt chặt chi tiêu. Nếu tăng giá sẽ rất dễ mất khách”. Do đó, chị chuyển sang dùng nồi điện hầm xương, chỉ dùng bếp gas vào việc làm nóng nhanh các món ăn để tiết kiệm chi phí.

Nhiều người chuyển sang dùng bếp từ khi gas liên tục tăng giá. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều người chuyển sang dùng bếp từ khi gas liên tục tăng giá. Ảnh: Thanh Phúc

Còn anh Nguyễn Trọng Đại, chủ một xưởng mộc ở Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) có 10 nhân công, ăn ở làm việc tại chỗ. Trung bình, mỗi tháng xưởng sử dụng hết 1 bình gas 12kg để nấu ăn cho công nhân. Ngay sau khi có thông báo ga tăng giá lên mức 500.000 đồng/bình, anh Đại đã chuyển đổi sang dùng bếp từ. Theo tính toán của anh Đại, bếp từ không chỉ giúp tiết kiệm thời gian đun nấu mà còn tiết kiệm nhiệt năng do làm nóng trực tiếp đáy nồi và không bị tỏa nhiệt lượng ra bên ngoài như bếp gas. Tính ra, mỗi tháng cũng chỉ hết khoảng 100.000 - 150.000 đồng tiền điện, bằng 1/3 tiền gas lại an toàn hơn, nhất là với xưởng gỗ dễ cháy nổ như xưởng của anh.

Anh Hoàng Minh, chủ một đại lý kinh doanh Gas và các loại bếp ở đường Trần Cảnh Bình (TP.Vinh) cho biết: “Gas tăng giá liên tục trong thời gian qua nên rất nhiều người đã chuyển sang dùng bếp từ bằng điện. Theo đó, số lượng sản phẩm bếp từ cửa hàng bán ra tăng 10% so với trước đó và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian tới”.

Thu nhập giảm, chi phí tăng

Giá xăng tăng cao kỷ lục tác động không nhỏ đến thu nhập của nhiều người dân, nhất là các doanh nghiệp vận tải. Ảnh: Thanh Phúc
Giá xăng tăng cao kỷ lục tác động không nhỏ đến thu nhập của nhiều người dân, nhất là các doanh nghiệp vận tải. Ảnh: Thanh Phúc

Là một nhân viên shipper, liên tục di chuyển bằng xe máy, mỗi ngày, Nguyễn Thành Linh tiêu tốn khoảng 100.000 đồng tiền xăng. Linh cho biết, so với trước khi xăng tăng giá thì mỗi ngày em phải bù thêm 20.000 đồng chi phí xăng xe, đồng nghĩa với việc thu nhập cũng bị cắt giảm chừng đó.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 đã tác động xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nên việc xăng dầu “leo thang” càng tăng thêm áp lực với doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực vận tải. “Xăng tăng cao, khách ít và bố trí khách đảm bảo theo khoảng cách quy định do đó, những doanh nghiệp vận tải như chúng tôi gặp không ít khó khăn. Thời điểm này, xác định duy trì tuyến để giữ khách chứ không còn tính đến chuyện lời lãi, do đó, số chuyến/tuần cũng cắt giảm bớt để đỡ chi phí”, anh Hoàng Anh, chủ 3 xe khách đường dài Vinh - Hà Nội cho biết.

Theo nhiều ngư dân ở Nghi Thủy (TX.Cửa Lò) đánh bắt gần bờ, chi phí đội cao do dầu tăng giá nên thu nhập giảm đáng kể. Ảnh: Thanh Phúc
Theo nhiều ngư dân ở Nghi Thủy (TX.Cửa Lò) đánh bắt gần bờ, chi phí đội cao do dầu tăng giá nên thu nhập giảm đáng kể. Ảnh: Thanh Phúc

Xăng, dầu tăng giá không chỉ ảnh hưởng đến những người kinh doanh vận tải mà còn tác động trực tiếp đến những lao động nghề biển. Ông Hoàng Hoa Đào, ngư dân khối Bình Minh, phường Nghi Thủy (TX.Cửa Lò) cho biết: “Mỗi chuyến đi lưới bằng thuyền thúng tiêu tốn khoảng 4-5 lít dầu Diesel, giá dầu tăng trong khi tôm cá ngày càng khan hiếm, giá hải sản giảm nên thu nhập giảm mạnh. Nay, 2-3 ngày tôi mới đi một chuyến biển”.

Giá xăng tăng ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sinh hoạt của người dân. Ảnh: Thanh Phúc
Giá xăng tăng ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sinh hoạt của người dân. Ảnh: Thanh Phúc

Giá xăng dầu tăng trực tiếp tác động đến chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa nên hiện nhiều loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã tăng 5-7% so với trước. Hiện giá rau xanh, giá thịt lợn tại các chợ đang nhích giá, trong đó, nguyên nhân được cho là một phần do cước vận chuyển tăng.

Chị Phạm Thị Thu Hằng, một người dân ở TP.Vinh cho biết: “Xăng dầu tăng giá kéo theo thị trường hàng hóa bán lẻ tăng theo và chi phí sinh hoạt của mỗi gia đình sẽ bị đội lên, gây khó khăn trong cân đối chi tiêu khi dịch Covid-19 ít nhiều khiến thu nhập của các gia đình bị giảm sút”.

Thanh Phúc