Nhóm người nào dễ mắc viêm cơ tim sau tiêm vắc xin Covid-19?

vietnamnet.vn 03/11/2021 15:49

Dữ liệu của CDC Hoa Kỳ cho thấy, tỉ lệ viêm cơ tim sau tiêm phòng Covid-19 cao hơn đến 3-4 lần ở nhóm người trẻ tuổi. Đa số các ca bệnh được ghi nhận sau khi tiêm mũi vắc xin thứ 2.

Viêm cơ tim là một bệnh lý tim mạch nguy hiểm. Viêm cơ tim cấp gây suy giảm chức năng co bóp của cơ tim một cách nhanh chóng và hậu quả là bệnh nhân phải nhập viện với những biến chứng nguy hiểm như rối loạn nhịp tim, suy tim cấp hoặc thậm chí là tử vong.

Những phương pháp điều trị viêm cơ tim cấp hiện nay đều chưa thực sự hiệu quả và đôi khi bệnh nhân phải cần đến thiết bị hỗ trợ cơ tim cơ học hoặc ghép tim. Bệnh nhân có thể mắc viêm cơ tim do nhiễm virus Covid-19 hoặc do hậu quả của quá trình tiêm phòng bằng vắc xin.

Vắc xin nào gây viêm cơ tim cấp?

Ngày 25/6/2021, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra cảnh báo về một tác dụng phụ của hai loại vắc-xin được tiêm nhiều nhất tại Hoa Kỳ của hãng Pfizer/BioNTech và Moderna là viêm cơ tim cấp.

Điều đặc biệt là cả hai loại vắc xin này đều được bào chế dựa trên cùng một công nghệ mRNA nên có nhiều câu hỏi đặt ra là có phải chỉ có hai loại vắc xin gây viêm cơ tim cấp hay những vắc xin được bào chế theo công nghệ khác cũng có nguy cơ gây viêm cơ tim cấp?

Israel là quốc gia đầu tiên phát hiện ra mối liên hệ giữa vắc xin (của Pfizer/BioNTech và Moderna dựa trên công nghệ mRNA) và bệnh viêm cơ tim. Bộ Y tế Israel cho biết đã ghi nhận 148 trường hợp viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin Covid-19 mARN trong 30 ngày qua.

Hình ảnh minh họa viêm cơ tim
Hình ảnh minh họa viêm cơ tim

Tại Hoa Kỳ, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến tháng 5/2021, khi mới bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19, chỉ ghi nhận 148 trường hợp bị viêm cơ tim sau tiêm. Nhưng trong thời điểm các bang mở rộng chiến dịch tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân, từ tháng 4/2021 đến nay, hệ thống báo cáo tác dụng phụ của vắc xin (VAERS) đã ghi nhận đến 1.226 trường hợp viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim cấp sau tiêm được báo cáo trên tổng số 318 triệu liều vắc xin đã được tiêm, tức tỉ lệ 3.8/1.000.000 dân.

Tác dụng phụ này của các vắc xin dựa trên công nghệ DNA hoặc virut bất hoạt chưa được ghi nhận trên các y văn thế giới.

Ai có nguy cơ mắc viêm cơ tim cao hơn?

Mặc dù mô hình thống kê được xây dựng dựa trên các thử nghiệm lâm sàng của vắc xin mARN đã dự báo tỉ lệ bị viêm cơ tim, nhưng dữ liệu của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy tỉ lệ viêm cơ tim sau tiêm cao hơn đến 3-4 lần ở nhóm người trẻ tuổi.

Độ tuổi trung bình của nhóm người bị viêm cơ tim sau tiêm vắc xin từ 12-50 tuổi, đa số các ca bệnh tập trung trong độ tuổi từ 16-28 tuổi. Trong tổng số 484 ca bệnh nhỏ hơn 30 tuổi được ghi nhận, có 323 ca được xác chẩn viêm cơ tim/viêm màng ngoài tim hoặc cả hai, 309 ca nhập viện. Đến ngày 11/6/2021, có 295 ca được ra viện, 9 ca tiếp tục theo dõi tại bệnh viện, bao gồm 2 ca tại khoa hồi sức cấp cứu.

Viêm cơ tim xuất hiện sau mũi tiêm nào?

Đa số các ca bệnh được ghi nhận sau khi tiêm mũi vắc xin thứ 2. Trong đó, 80 ca được ghi nhận có triệu chứng ngay trong ngày tiêm vắc xin, khoảng 540 ca ghi nhận triệu chứng trong 4 ngày đầu sau tiêm vắc xin.

Tỉ lệ nam lớn hơn nữ, với 66% ở mũi thứ 1 và 80% ở mũi thứ 2. Tỉ lệ mắc viêm cơ tim ở mũi thứ 2 cao hơn bởi vì khi đó hệ miễn dịch đã ghi nhớ kháng nguyên virus từ mũi tiêm đầu tiên. Khi tiêm nhắc lại mũi thứ 2, tế bào lympho T trực tiếp tiêu diệt tế bào có mARN từ vắc xin, gây ra phản ứng viêm rất mạnh mẽ.

Gia đình nên bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 để có thể kịp thời phát hiện những dấu hiệu nguy hiểm sau tiêm vắc xin.

Hiện tại vẫn chưa có báo cáo chính thức nào về nguyên nhân của viêm cơ tim sau tiêm phòng vắc xin Covid-19 mRNA. Hiện nay chỉ có duy nhất nghiên cứu của Israel về mối liên quan giữa bệnh viêm cơ tim và vắc xin COVID-19 trên 500 bệnh nhân, dự kiến đến tháng 4/2022 sẽ công bố kết quả chính thức.

Người trẻ tuổi có hệ miễn dịch rất khỏe, chính vì thế sau khi tiêm phòng vắc xin, hệ miễn dịch tiết ra rất nhiều yếu tố miễn dịch và kháng viêm, các yếu tố trên giải phóng vào máu, đi đến tim, gây phù nề và viêm cơ tim. Giới nam dễ bị viêm cơ tim hơn bởi vì nam giới có nồng độ hormone testosterone trong máu cao hơn, hormone này có tác dụng làm tăng cường quá trình viêm và xơ hóa.

Biểu hiện của viêm cơ tim cấp sau tiêm vắc xin Covid-19

Các triệu chứng được ghi nhận bao gồm: đau ngực, khó thở, hồi hộp trống ngực. Một số xét nghiệm bất thường như rối loạn nhịp, đoạn ST-T ghi nhận trên điện tim đồ và men tim tăng biểu hiện của quá trình hoại tử cơ tim. Các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng trên đều điển hình của bệnh viêm cơ tim.

Những ai không nên tiêm vắc xin Covid-19?

Đây là một câu hỏi khó trả lời. Bản thân Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng không đưa ra khuyến cáo cụ thể. Họ cho rằng, tác dụng phụ này là không đáng kể so với số người dân được viêm vắc xin và phần lớn các bệnh nhân đều có triệu chứng nhẹ hoặc trung bình mà không cần điều trị gì.

Chỉ còn những người trong tiền sử đã có viêm cơ tim hoặc suy tim do viêm cơ tim thì có vẻ như không nên tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna vì nguy cơ viêm cơ tim tái phát có thể tăng cao.

Chúng ta có nên lo lắng về biến chứng viêm cơ tim này không?

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng phụ viêm cơ tim của các vắc xin khác ngoại trừ các vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna. Việt Nam vẫn sử dụng chủ yếu là vắc xin của AstraZeneca dựa trên công nghệ vector nên chưa ghi nhân các trường hợp biến chứng viêm cơ tim.

Tuy nhiên, tới đây khi vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna được nhập về với số lượng lớn và được tiêm đại trà thì những hiểu biết của chúng ta sẽ trở nên cần thiết để có thể cảnh báo và xử lý hiệu quả trong tư thế chủ động.

vietnamnet.vn