Nghệ An có 4 làng nghề được công nhận trong năm 2021

Nguyễn Hải 02/11/2021 17:42

(Baonghean.vn) - Theo thông tin từ Chi cục Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trên cơ sở kiểm tra, sáng 2/11, Hội đồng thẩm định làng nghề tỉnh đã họp, bỏ phiếu và thống nhất biên bản trình UBND tỉnh công nhận 4/5 làng nghề được đăng ký theo kế hoạch năm 2021.

Cụ thể, theo Chi cục Nông thôn Nghệ An, có 4 làng nghề được công nhận năm 2021 gồm: làng nghề sản xuất muối xã An Hòa; làng nghề sản xuất và chế biến rễ hương, tăm hương xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu); làng nghề dệt thổ cẩm xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn và làng nghề sản xuất rượu truyền thống men lá xã Đôn Phục (Con Cuông).

So với kế hoạch đăng ký và trình từ đầu năm, làng nghề sản xuất rượu cần truyền thống tại xã Mậu Đức phải dừng lại vì chưa đủ điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Sau làng nghề sản xuất muối Quỳnh Thuận, làng nghề sản xuất muối xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cũng được công nhận làng nghề năm 2021. Ảnh: Nguyễn Hải
Sau làng nghề sản xuất muối Quỳnh Thuận, làng nghề sản xuất muối xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cũng được công nhận làng nghề năm 2021. Ảnh: Nguyễn Hải

Như vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 177 làng nghề được UBND tỉnh công nhận tại 19/21 huyện, thành, thị của tỉnh; còn 2 huyện Tương Dương và Quỳ Hợp chưa có làng nghề nào được công nhận.

Theo điều tra, khảo sát năm 2021 của UBND tỉnh, trong số 173 làng nghề được tỉnh công nhận từ trước đến nay (chưa bao gồm 4 làng nghề năm 2021), có 62 làng nghề hoạt động tốt, chiếm 36,8%; 52 làng nghề hoạt động khá, chiếm 30,1%; 37 làng nghề hoạt động cầm chừng, chiếm 30,1%; 22 làng nghề đã dừng hoạt động, chiếm 12,9%; có 31 HTX và 28 Tổ hợp tác hoạt động trong các làng nghề.

Làng nghề bánh đa truyền thống tại Diễn Ngọc và Diễn Hồng, Diễn Châu mang lại việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh: tư liệu Báo Nghệ An
Làng nghề bánh đa truyền thống tại Diễn Ngọc và Diễn Hồng, Diễn Châu mang lại việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Phần lớn các làng nghề hoạt động tốt hoặc khá là ngành nghề chế biến bảo quản nông lâm, thủy sảnnhu cầu và đầu ra tương đối lớn như nghề làm nước mắm, chế biến cá khô, đồ hải sản đông lạnh. Bên cạnh đó là nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, ngành nghề xử lý chế biến nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất ngành nghề nông thôn, sản xuất đồ gỗ như hương trầm, tăm hương, đồ gỗ tiêu dùng hoặc mỹ nghệ, dệt may, sợi, cơ khí nhỏ; nghề sinh vật cảnh và sản xuất muối.

Làng nghề sản xuất, chế biến nước mắm là một trong những nghề truyền thống phát triển tốt do đầu ra ổn định, chất lượng cao. Trong ảnh: sản phẩm nước mắm tại một cơ sở làng nghề nước mắn Tân An, xã An Hòa, Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải
Làng nghề sản xuất, chế biến nước mắm là một trong những nghề truyền thống phát triển tốt do đầu ra ổn định, chất lượng cao. Trong ảnh: Sản phẩm nước mắm tại một cơ sở làng nghề nước mắn Tân An, xã An Hòa, Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải

Ông Trần Đức Đạt - Trưởng phòng Phát triển nông thôn và cơ giới, Chi cục Phát triển Nông thôn cho biết: trước đây làng nghề có 2 cấp độ công nhận là làng và làng có nghề nhưng nay theo Nghị định số 52/CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn chỉ còn danh hiệu làng nghề do UBND tỉnh công nhận. Do nguồn lực hỗ trợ hạn chế nên việc xem xét công nhận cũng chặt chẽ hơn. Mặc dù đóng góp của làng nghề còn khiêm tốn so với các lĩnh vực khác nhưng với 114 làng nghề đang hoạt động tốt và khá của tỉnh, mỗi năm các làng nghề vẫn tạo ra giá trị sản xuất là 2.266 tỷ đồng, đóng góp 2,67% tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Làng nghề đóng tàu Trung Kiên, Nghi Thiết, Nghi Lộc từng vang bóng cả miền Bắc nhưng nay đang đối mặt với vô vàn khó khăn do không có đơn đặt hàng. Ảnh: Tư liệu
Làng nghề đóng tàu Trung Kiên, Nghi Thiết, Nghi Lộc từng vang bóng cả miền Bắc nhưng nay đang đối mặt với vô vàn khó khăn do không có đơn đặt hàng. Ảnh: Nguyễn Hải

Vài năm trở lại đây, thống kê sơ bộ cho thấy có gần 45% làng nghề hoạt động cầm chừng hoặc ngưng hẳn khiến UBND một số huyện phải đề nghị tỉnh xem xét, thu hồi. Chính vì vậy, từ đầu năm 2021, tỉnh đã tổ chức đoàn khảo sát đánh giá lại thực trạng và căn cứ vào các cơ chế, chính sách ưu đãi do Nghị định 52/CP đề ra, cùng với tiếp tục hỗ trợ hồ sơ, thủ tục nâng cấp các sản phẩm làng nghề nông thôn đạt tiêu chuẩn OCOP, Sở Nông nghiệp & PTNT đang đề nghị sửa đổi Nghị quyết 06/NQ của HĐND tỉnh năm 2019 để tăng mức hỗ trợ, đồng thời khơi thông nguồn lực đầu tư, tìm thị trường đầu ra các làng nghề phục hồi và phát triển trở lại.

Ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh


Nguyễn Hải