Nghệ An: Giải quyết đầu ra cho sản phẩm gỗ nguyên liệu

Việt Hùng - Như Thủy 09/11/2021 06:56

(Baonghean.vn) - Nhận thấy lợi thế từ diện tích cây lấy gỗ, nhiều hộ dân ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã đầu tư máy móc, mở xưởng sản xuất gỗ ván bóc để giải quyết bài toán đầu ra sản phẩm cho người trồng rừng, tránh thương lái ép giá như trước đây.

Gia đình anh Nguyễn Văn Giáp ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) có 4 ha rừng trồng cây keo lấy gỗ. Đầu năm 2021, anh Giáp khai thác 1 ha rừng, thu được 130 tấn gỗ keo nguyên liệu. Với giá bán 1,3 triệu đồng/tấn, gia đình anh đã có lợi nhuận hơn 80 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Anh Giáp chia sẻ: “Trước đây, đến vụ thu hoạch, gia đình thuê nhân công lên rừng khai thác gỗ keo rồi bán cho các thương lái thu gom đi tiêu thụ các tỉnh phía Bắc. Từ khi trên địa bàn huyện có một số cơ sở chế biến gỗ bóc nên giá thu mua tăng hơn so với ngoài thị trường, bình quân 1 tấn thêm 50.000 đồng”.

4 ha rừng keo của gia đình anh Nguyễn Văn Giáp ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu).
4 ha rừng keo của gia đình anh Nguyễn Văn Giáp ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu). Ảnh: Việt Hùng

Còn gia đình ông Nguyễn Văn Thành ở xã Quỳnh Thắng có hơn 7 ha cây keo nguyên liệu trồng từ năm 2015. Từ cuối năm 2018 đến nay, gia đình ông Thành đã bán rải rác các lứa keo trồng năm thứ 3, thứ 4 với giá bao khoán 100 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí thu lãi trên 80 triệu đồng/ha.

Ông Thành chia sẻ, cây gỗ keo trồng trên đất miền núi sinh trưởng, phát triển nhanh hơn ở các vùng đất khác, thân to chắc nên trọng lượng luôn đạt trên 1 tấn/ster. Bên cạnh đó, chu kỳ khai thác tại vùng khác phải từ 5 năm trở lên mới đảm bảo sản lượng, nhưng tại địa phương chỉ cần 4 năm có thể cho thu hoạch đạt năng suất. Đặc biệt, nhờ trên địa bàn phát triển nghề bóc tách gỗ tập trung thu mua của bà con với giá cao hơn thị trường nên nông dân trồng keo rất phấn khởi.

Từ khi trên địa bàn hình thành các cơ sở chế biến gỗ bóc nên giải quyết đầu ra cho người trồng rừng.
Từ khi trên địa bàn hình thành các cơ sở chế biến gỗ bóc đã giải quyết đầu ra cho người trồng rừng. Ảnh: Như Thủy

Huyện Quỳnh Lưu có khoảng 10.000 ha đất trồng cây keo và bạch đàn tập trung ở các xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng, Quỳnh Châu, Quỳnh Tam, Tân Sơn và Quỳnh Tân. Trung bình cứ sau 5 năm trồng cây bà con tiến hành thu hoạch gỗ nguyên liệu. Tuy nhiên, cũng như nhiều sản phẩm khác, gỗ sinh khối cũng chịu chung hoàn cảnh được mùa mất giá. Vào thời điểm thu hoạch chính vụ bà con thường bị các thương lái ở các tỉnh phía Bắc ép giá, buộc phải xuất bán với giá thấp hơn so với thị trường.

Xuất phát từ thực tế đó, với mong muốn giúp bà con chủ động trong việc thu hoạch cây, từ năm 2020 đến nay, anh Hồ Văn Chiến ở xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt các loại máy móc sơ chế gỗ nguyên liệu thành gỗ ván bóc. Với 2 giàn máy trung bình một năm xưởng của anh Chiến tiêu thụ trên 10.000 tấn gỗ và tạo việc làm thường xuyên cho trên 40 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 -7 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm sau khi phơi khô, phân loại, đóng gói được các công ty sản xuất giấy ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Công nhân thu gom gỗ ván thành phẩm
Công nhân thu gom gỗ ván thành phẩm. Ảnh: Việt Hùng

Từ hiệu quả bước đầu mô hình của anh Chiến, đến nay xã Quỳnh Thắng đã phát triển thành 5 xưởng chế biến gỗ bóc. Trung bình mỗi năm, các cơ sở này thu mua hàng triệu tấn gỗ sinh khối cho bà con các xã miền núi trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu với giá bằng hoặc cao hơn thị trường. Để đảm bảo cây gỗ cho giá trị kinh tế cao khi bóc ván, các chủ xưởng còn có chính sách ký kết hợp đồng thu mua và hỗ trợ chi phí vận chuyển cho các hộ dân thu hoạch cây từ 5 năm tuổi trở lên.

Sau 2 năm phát triển các cơ sở chế biến gỗ bóc trên địa bàn xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu) đã và đang phát huy hiệu quả, không chỉ góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho hàng trăm lao động nông thôn mà còn góp phần giải quyết đầu ra ổn định, tăng giá trị kinh tế cho cây gỗ nguyên liệu.

Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu cho biết: Trên địa bàn huyện đang hình thành các ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp. Đối với sản xuất gỗ bóc thì hiện tại có 5 cơ sở, trong đó có 3 cơ sở tham gia vào HTX Lâm nghiệp ở Quỳnh Thắng.

Huyện đang có định hướng phát triển bền vững nghề chế biến gỗ bóc. Để làm được điều đó, địa phương sẽ vận động thêm các hộ mở rộng sản xuất, đồng thời hỗ trợ thủ tục pháp lý để thành lập các Hợp tác xã chế biến Lâm nghiệp; hình thành chuỗi liên kết vừa sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm tại chỗ phấn đấu đến năm 2025 sẽ tiêu thụ trên 80% khối lượng gỗ nguyên liệu trên địa bàn huyện.

Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu

Việt Hùng - Như Thủy