Khó khăn trong gỡ 'thẻ vàng' thủy sản ở Nghệ An

Nguyễn Hải 11/11/2021 07:20

(Baonghean.vn) - Chưa xóa “thẻ vàng” đồng nghĩa với việc thủy sản nước ta, trong đó có Nghệ An chưa thể tiếp cận đầy đủ với thị trường quốc tế, khiến đầu ra cho nông sản đã khó lại càng khó hơn, mục tiêu hiện đại hóa nghề cá và tiến vào hội nhập gian nan hơn.

Từ những khó khăn được dự báo

Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An chia sẻ: Hơn 30 năm làm nghề, giai đoạn từ năm 2020 đến nay là giai đoạn đầy khó khăn, thách thức với thủy sản Nghệ An nói riêng và nước ta nói chung. Cùng lúc đó, việc triển khai các quy định của Luật Thủy sản khiến điều kiện tàu thuyền đi đánh bắt phải hoàn thiện nhiều thủ tục hơn, như đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải khai báo trước khi đi sản xuất, trước khi vào cập cảng từ 1 đến 2 giờ phải thông báo cho tổ công tác liên ngành... Ngư dân phải đầu tư nâng cấp phương tiện, bổ sung các trang thiết bị nhưng việc đánh bắt ngày càng khó khăn, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm.
Thực trạng trên khiến nghề cá rơi vào vòng luẩn quẩn, do đánh bắt không hiệu quả nên muốn đầu tư hiện đại hóa, nâng cấp đội tàu để đánh bắt xa bờ cũng khó. Thống kê sơ bộ cho thấy, nếu như giai đoạn 2014 - 2018, trong vòng 4 năm, đội tàu xa bờ trên 400 CV tăng gần gấp đôi, từ khoảng 700 tàu lên gần 1.800 tàu thì từ năm 2019 đến nay, số tàu đóng mới không tăng, thậm chí giảm dần. Khi chuyển sang quy ước tính theo chiều dài thì số tàu buộc phải chuyển đổi lại và hiện nay tổng số tàu đánh xa bờ có chiều dài trên 15m chỉ còn gần 1.200 chiếc. Theo quy định của Tổng cục Thủy sản, nay các tỉnh muốn cấp phép tàu đóng mới thì phải chuyển dần đội tàu nhỏ.

Lực lượng Kiểm ngư tiếp cận tàu cá không sơn ghi biển số. Ảnh: N.H
Lực lượng Kiểm ngư tiếp cận tàu cá không sơn ghi biển số. Ảnh: N.H

Do khai thác kém hiệu quả nên nghề cá không giữ được các lao động lành nghề, hiệu quả đánh bắt trên từng tàu giảm rõ rệt, số tàu đánh bắt hiệu quả hàng năm giảm dần. Vì thiếu lao động và nhiều nguyên nhân khác mà số tàu cá nằm bờ không đi đánh bắt ngày càng tăng. Vài ba năm lại đây, mặc dù sản lượng đánh bắt hải sản của tỉnh hàng năm vẫn giữ được đà tăng trưởng từ 10 đến 12%/năm, nhưng thực chất hiệu quả đánh bắt đang giảm so với trước đây nếu tính trên định mức ngư dân đầu tư cho từng tàu cá.

Để hỗ trợ ngư dân vượt khó, đồng thời chấp hành tốt các quy định của Luật Thủy sản, từ năm 2020, Chi cục Thủy sản với tư cách là cơ quan tham mưu cho Sở NN&PTNT và UBND tỉnh đã trăn trở nhiều giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân.

Cụ thể, khi ngư dân gặp khó trong thủ tục kiểm định và cấp đổi giấy tờ đánh bắt, chuyển từ đơn vị tính bằng sức ngựa (CV) sang tính theo chiều dài tàu, Chi cục tham mưu thành lập tổ liên ngành trực tại các cửa lạch, phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh giúp dân giải quyết các thủ tục giấy tờ như nhật ký đánh bắt, làm sổ danh bạ đăng ký thuyền viên; đưa các tổ công tác xuống tận địa bàn các xã để kiểm định cơ giới cho các tàu thuyền, giảm thời gian đi lại cho bà con ngư dân. Khi có chính sách hỗ trợ xăng dầu đánh bắt tại các vùng biển xa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, Chi cục Thủy sản tạo điều kiện tối đa để làm thủ tục cho các ngư dân vươn khơi. Nhờ vậy, số lượt tàu của tỉnh tham gia vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo tăng từ 99 lượt tàu lên 400 lượt tàu/năm.

Cán bộ đồn BP Quỳnh Thuận làm thủ tục xuất bến cho ngư dân xã Quỳnh Long. Ảnh: N.H
Cán bộ đồn BP Quỳnh Thuận làm thủ tục xuất bến cho ngư dân xã Quỳnh Long. Ảnh: N.H

Từ tháng 5/2020 lại đây, khi quy định về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (gọi tắt là VMS) trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên có hiệu lực, Chi cục tham mưu cho Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND tỉnh kết nối, qua đó huy động được gần 500 bộ VMS để lắp đặt cho tàu có chiều dài trên 24m, trước ngày 1/4/2020.

Từ ngày 1/5/2020 lại đây, khi bắt buộc tàu có chiều dài 15m trở lên phải lắp đặt VMS khiến ngư dân gặp khó trong làm thủ tục ra khơi, Chi cục cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh và HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết 02 về hỗ trợ 1 lần 50% thiết bị VMS trên tàu và hỗ trợ 50% cước phí duy trì thuê bao VMS hàng tháng. Tổng cộng đã có 1.184 tàu cá có chiều dài trên 15m được lắp đặt VMS, đạt tỷ lệ 95,61%; đồng thời tiếp tục hướng dẫn thủ tục hỗ trợ kinh phí duy trì VMS hàng tháng cho ngư dân.

Đến những thách thức mới phát sinh

Theo các chuyên gia pháp lý, bản chất khuyến cáo “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) đối với các nước là nhằm hạn chế các hoạt động khai thác đánh bắt bất hợp pháp, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản đại dương và nghề cá phát triển bền vững. Vì vậy EU yêu cầu các nước phải luật hóa để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, trong lộ trình hội nhập và đưa nghề cá nước ta tiến lên hiện đại, Quốc hội đã ban hành Luật Thủy sản năm 2017, kèm theo đó là các Nghị định của Chính phủ quy định về cấp phép và xử lý hành chính để quản lý hoạt động khai thác, nuôi trồng. Nói nôm na, nếu như trước đây, nghề cá truyền thống, ngư dân ra biển không cần giấy phép, chứng chỉ gì nhưng nay các tàu mỗi khi ra khơi, chủ tàu phải chuẩn bị khá nhiều quy định không những theo quy định trong nước mà còn cả quy định quốc tế (nếu ra đánh bắt ở vùng biển nước ngoài); các sản phẩm đánh bắt về phải được định vị, ghi rõ vùng biển, tọa độ đánh bắt để truy xuất nguồn gốc…
Tuy nhiên, do xuất phát điểm và hạ tầng nghề cá của nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng còn nhiều bất cập nên việc áp dụng, chuyển đổi là không hề dễ dàng. Đơn cử tại huyện Diễn Châu, do không có cửa lạch đủ sâu để tàu công suất lớn vào nên hàng trăm năm nay, ngư dân vùng bãi ngang đều đánh bắt ven bờ. Thời điểm năm 2011, toàn huyện có đến gần 1.000 chiếc, đến năm 2014, khi Nghị định 67/CP và các chính sách khuyến khích của tỉnh, hàng chục ngư dân Diễn Ngọc và Diễn Bích đã đầu tư tàu lớn hơn nhưng vẫn chưa hiệu quả, nghề cũ thì không được hỗ trợ.

Lực lượng Kiểm ngư Nghệ An tiếp cận tàu cá ngư dân tuyên truyền và kiểm tra giấy tờ tàu cá đánh ven bờ tháng. Ảnh: N.H
Lực lượng Kiểm ngư Nghệ An tiếp cận tàu cá ngư dân tuyên truyền và kiểm tra giấy tờ tàu cá đánh ven bờ tháng. Ảnh: N.H

Đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu thừa nhận: Việc các tàu đánh cá (giã cào) của ngư dân huyện liên tục bị xử phạt, huyện cũng nóng ruột; thường xuyên phối hợp với Chi cục Thủy sản, lực lượng Biên phòng và kiểm ngư để tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân nhưng với đội tàu gần 400 chiếc dưới 15m, kèm theo đó là sinh kế của hàng ngàn lao động kèm theo nên việc chuyển đổi không hề dễ.

Do không thể đóng mới tàu đánh xa bờ nên không ít ngư dân Diễn Châu đã mua lại các tàu cũ đánh vùng lộng và xa bờ kém hiệu quả tại các địa phương về. Thay vì mua về để chuyển đổi nghề để đánh xa bờ thì các tàu này chủ yếu đánh giã cào ven bờ. Đây là hành vi làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản nên bị cấm và sẽ bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện, xử phạt rất nặng.
Bên cạnh khó khăn trên, gần đây, khi bắt đầu thực hiện giám sát thiết bị VMS thì xuất hiện một khó khăn mới là tỷ lệ tàu cá ngắt kết nối ngày càng gia tăng.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 30/10/2021, sau khi 1.132/1.184 tàu cá được lắp đặt VMS, qua theo dõi trên hệ thống, chỉ có 968 thiết bị duy trì thường xuyên, còn 164 thiết bị bị ngừng dịch vụ; trong số thiết bị duy trì thì có 358 tàu cá mất kết nối VMS quá 10 ngày trong quá trình hoạt động trên biển và 9 tàu cá vi phạm vùng biển Trung Quốc.

Chủ một tàu cá ở Diễn Châu bị xử phat. Ảnh: N.H
Chủ một tàu cá ở huyện Diễn Châu bị xử phạt. Ảnh: N.H

Chi cục đang xây dựng quy trình phối hợp xử lý dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh Nghệ An khai thác thủy sản vượt qua ranh giới với vùng biển nước ngoài, các vùng biển không được phép khai thác trình Sở Nông nghiệp & PTNT ban hành. Đối với các tàu mất kết nối VMS quá 10 ngày, đoàn đã làm việc với các địa phương và lập biên bản; đồng thời nhắc nhở. 9 tàu cá vi phạm vùng biển Trung Quốc đã được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xác minh, làm việc với chủ tàu, các địa phương và trình UBND tỉnh xem xét.

Ông Trần Xuân Nhuệ - Trưởng phòng Quản lý nghề cá và Trạm bờ

Ông Nhuệ cho biết thêm: Là thành viên tham gia các chuyến kiểm tra ven biển gần đây, chúng tôi nhận thấy các vi phạm đánh bắt ngày càng phức tạp và khó lường. Trong khi năng lực và trang thiết bị các tàu cá ngư dân ngày càng lớn nhưng trang thiết bị hoạt động của lực lượng kiểm ngư khá lạc hậu. Kiểm ngư Nghệ An hiện có 2 tàu sắt tuổi đời trên 20 năm nên thực tế chỉ còn 1 chiếc chạy được, tốc độ tối đa chỉ 10 hải lý/giờ. Vì vậy, khi phát hiện tàu kiểm ngư, nhiều tàu cá vi phạm cắt ngư lưới cụ bỏ chạy mà tàu kiểm ngư khó truy đuổi. Bên cạnh đó, khi lực lượng chức năng Nghệ An kiểm tra thường xuyên thì cũng đối mặt với thách thức và nguy hiểm. Không ít lần lực lượng kiểm ngư đối mặt với nguy hiểm do các tàu cá của ngư dân tỉnh bạn vi phạm vùng đánh bắt nhưng có biểu hiện chống đối, chỉ khi có sự vào cuộc của liên ngành, trong đó có lực lượng Biên phòng thì mới bắt giữ, xử lý được.

Xử lý cắt phao và ngư lưới cụ vứt lại nhằm trả lại tự nhiên cho môi trường biển. Ảnh: N.H
Xử lý cắt phao và ngư lưới cụ vứt lại nhằm trả lại tự nhiên cho môi trường biển. Ảnh: N.H

Nghệ An được Tổng cục Thủy sản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao trong công tác triển khai Luật Thủy sản cũng như Chỉ thị của Thủ tướng về “gỡ thẻ vàng”. Không chỉ tổ chức nghiêm túc việc rà soát, kiểm tra, cấp phép cho tàu thuyền, giám sát ra khơi tại cửa lạch mà tỉnh còn tổ chức các đoàn liên ngành tuần tra, kiểm tra ven biển; kiểm tra đôn đốc trách nhiệm của các tổ công tác liên ngành trong hướng dẫn, cấp phép cho tàu thuyền của bà con ra khơi. Hy vọng tới đây, khi Kiểm ngư Nghệ An tiếp nhận xong tàu kiểm soát mới do Kiểm ngư Việt Nam bàn giao thì việc tuần tra, giám sát đánh bắt ven biển sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Chí Lương - Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An

Nguyễn Hải