Thế giới vượt 253 triệu ca mắc; 10 nước EU bùng dịch nghiêm trọng

baotintuc.vn 13/11/2021 08:00

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 467.941 trường hợp mắc COVID-19 và 6.316 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 253 triệu ca, trong đó trên 5,1 triệu người không qua khỏi.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Damascus, Syria ngày 7/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 13/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 253.131.192 ca, trong đó có 5.102.441 người tử vong. Cuộc sống bình thường mới đang đến với người dân nhiều nước trong bối cảnh tình hình dịch bệnh có chiều hướng lắng dịu. Thêm nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại, song nguy cơ dịch tái bùng phát vẫn đang đe dọa một số nước.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Anh, Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất, trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Shebaa, Liban ngày 11/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 228 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 77.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 12/11, thế giới có 121 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 97 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch, chuyển từ “zero COVID-19” sang “sống chung với COVID-19. Tuy nhiên, việc xuất hiện biến thể mới đang làm chậm quá trình “bình thường mới” ở một số nước.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 782.000 ca tử vong trong tổng số trên 47.700.000 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 462.690 ca tử vong trong số 34.414.186 ca. Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 608 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 363 người và CH Bắc Macedonia với 350 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 46,2 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 77,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,4 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 80,4 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 57,2 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 220.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.900 người.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 10/11/2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Cũng trong ngày 12/11, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA) Hàn Quốc cho biết, nước này có thêm 2.368 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 390.719 ca. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca nhiễm mới theo ngày tại Hàn Quốc tăng ở mức trên 2.300 ca.

Theo KDCA, Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 18 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 3.051 ca. Tỷ lệ tử vong hiện ở mức 0,78%. Bên cạnh việc số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc tiếp tục gia tăng, giới chức y tế nước này còn quan ngại về số ca nguy kịch cũng tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay sau khi các biện pháp hạn chế được nới lỏng.

KDCA cho biết số bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch ghi nhận ngày 12/11 đã tăng lên 475 ca. Tính đến ngày 12/11, Hàn Quốc đã tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19 cho 41,82 triệu người, tương đương 81,4 % dân số nước này, trong đó 39,84 triệu người (77,6%) đã tiêm đủ 2 liều. Hàn Quốc dự kiến sẽ tiêm chủng đầy đủ cho 80% dân số vào giữa tháng 12 tới.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại châu Âu, từ ngày 13/11, các quán rượu, nhà hàng và cửa hàng cung cấp dịch vụ, hàng hóa không thiết yếu tại Hà Lan sẽ phải đóng cửa vào lúc 19h hằng ngày. Quy định trên sẽ có hiệu lực trong ít nhất 3 tuần.

Chính phủ Hà Lan cho biết, đây là một phần biện pháp phong tỏa dự kiến được công bố vào ngày 12/11 để khống chế dịch bệnh COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng hiện nay. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên kể từ mùa Hè năm nay, Hà Lan áp đặt lệnh phong tỏa một phần để ứng phó với dịch COVID-19 trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 vào mùa Đông. Cũng theo quy định mới, người dân sẽ được khuyến nghị làm việc tại nhà trong thời gian nhiều nhất có thể, trong khi các sự kiện thể thao sẽ không được đón khán giả trong những tuần tới.

Theo báo cáo của cơ quan y tế Hà Lan, số ca nhiễm mới tại nước này đã tăng nhanh sau khi Hà Lan dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội vào cuối tháng 9/2021. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 16.300 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 17,5 triệu ca.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kreuzberg, Berlin, Đức ngày 30/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đức ghi nhận tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 có kết quả dương tính ở mức cao nhất kể từ đầu dịch tới nay, trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 4.

Số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết trong tuần từ ngày 1-7/11, tỷ lệ xét nghiệm PCR dương tính ở Đức là 16,03% - cao chưa từng thấy kể từ đầu dịch tới nay, và tăng mạnh so với tỷ lệ 12,2% ghi nhận tuần trước đó. Trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận 49.162 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại nước này từ đầu dịch lên 4,911 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 212 ca, lên tổng cộng 97.244 ca. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, RKI khuyến cáo khẩn cấp hủy hoặc tránh các sự kiện lớn có đông người tham gia, cũng như hạn chế tối đa các tiếp xúc không cần thiết.

Chính phủ Đức cũng đã đưa Áo, CH Séc và Hungary vào danh sách các nước nguy cơ cao. Theo đó, từ ngày 14/11, người từ những nước này đến Đức sẽ phải thực hiện cách ly, trừ những người đã tiêm đầy đủ hoặc người có kháng thể sau khi mắc COVID-19. Người chưa tiêm chủng phải cách ly 10 ngày, nhưng có thể không cần thực hiện hết thời gian cách ly này nếu có kết quả xét nghiệm âm tính khi tiến hành xét nghiệm sau 5 ngày cách ly đầu tiên.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 12/11, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết nước này đã lập ra giai đoạn chuyển tiếp từ nay cho tới ngày 1/2/2022 để tiêm vaccine phòng COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, trong giai đoạn chuyển tiếp này, người dân Nga có thể tham gia các sự kiện công cộng, đến nhà hàng và cửa hàng phi thực phẩm không chỉ bằng mã QR xác nhận đã tiêm phòng hoặc mắc bệnh COVID-19 trước đó, mà còn bằng các xét nghiệm PCR âm tính. Bà Golikova lưu ý: “Cho đến ngày 1/2 năm sau, ngoài mã QR trong các cửa hàng, nhà hàng và tại các sự kiện công cộng, sẽ có thể xuất trình xét nghiệm PCR âm tính hoặc giấy chứng nhận y tế, sau đó thì chỉ cần có giấy chứng nhận y tế”. Sau ngày 1/2/2022, giấy chứng nhận PCR sẽ bị bãi bỏ.

Chính phủ Nga đã đệ trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện) dự luật về việc sử dụng hệ thống mã QR trong các cửa hàng phi thực phẩm, nhà hàng, cơ sở văn hóa và tại các sự kiện công cộng. Quyết định về việc sử dụng mã QR và danh sách các cơ sở sẽ được chính quyền địa phương đưa ra. Dự kiến, hệ thống mã QR code sẽ hoạt động cho đến ngày 1/6/2022. Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 2h00 sáng 13/11 (theo giờ Việt Nam), Nga ghi nhận tổng cộng 8.992.595 người mắc COVID-19, trong đó có 252.926 ca tử vong.

Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Ventspils, Latvia, ngày 30/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cơ quan quản lý dịch bệnh châu Âu ngày 12/11 cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục xấu đi ở Liên minh châu Âu (EU), trong đó 10 quốc gia được coi là "rất đáng lo ngại".

Trong tóm tắt đánh giá rủi ro về tình hình dịch bệnh ở châu Âu, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) nhấn mạnh tình hình dịch tễ học ở EU hiện nay nổi bật là sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể các ca bệnh, tỷ lệ tử vong thấp. ECDC cho biết số lượng các ca bệnh, người nhập viện và số người chết dự kiến sẽ tăng trong hai tuần tới.

Trong số 27 quốc gia thành viên EU, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại". Bỉ, Phần Lan, Liechtenstein và Ba Lan đều có số lượng ca nhiễm cao trong tuần này.

Nằm trong danh sách “đáng lo ngại” hiện có 13 quốc gia: Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Liechtenstein, Luxembourg, Na Uy, Romania, Slovakia, Litva, Ireland và Latvia. Síp, Pháp và Bồ Đào Nha nằm trong nhóm 3, "tình hình đáng lo ngại vừa phải" và Malta, Tây Ban Nha, Italy và Thụy Điển nằm trong nhóm cuối cùng.

Phun khử khuẩn các khu vực trong trường học tại tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Trung Kiên - TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, hết ngày 12/11, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 24.358 ca mắc COVID-19 và 387 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã trên 13.520.000 ca, trong đó 283.526 người tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á sau vài tuần hạ nhiệt hiện đang có xu thế đi ngang trong mấy ngày qua. Số ca tử vong nhìn chung đang giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối, chỉ còn Philippines chứng kiến số ca tử vong vẫn ở mức trên 100 ca. Dịch bệnh có xu thế xuất hiện đều tại các nước, thay vì tập trung tại một vài điểm nóng như mấy tháng trước đây.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Malaysia, Lào và Việt Nam.

baotintuc.vn