'Cơ hội vàng’ để Nghệ An phát triển

Anh Đặng 19/11/2021 07:49

(Baonghean.vn) - Nghị quyết lần này của Quốc hội rất cụ thể - thể hiện rõ “cơ chế, chính sách đặc thù”, trong đó quan tâm đến những vấn đề tối quan trọng: Ngân sách, đất đai,... để Nghệ An phát triển. Có thể nói, đây là một “cơ hội vàng” để Nghệ An phát triển...

Nghệ An nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ. Với diện tích gần 16.500 km2, dân số trên ba triệu người, Nghệ An là tỉnh có quy mô lớn hàng đầu cả nước. Tỉnh ta có đầy đủ các tuyến giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không. Về tự nhiên, có vùng đất đỏ quý giá, có vùng trồng cây lương thực khá rộng, có bờ biển khá dài,... Nghệ An có biên giới chung với nước bạn Lào, gần Đông bắc Thái Lan.

Tỉnh ta có nhiều di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, lợi thế cho du lịch, điển hình là Cửa Lò và Khu Di tích Kim Liên. Nghệ An là tỉnh điển hình như một Việt Nam thu nhỏ. Thời nào thì Xứ Nghệ cũng là mảnh đất đi đầu, dậy trước trong các phong trào yêu nước và cách mạng của đất nước, của dân tộc.

Anh Sơn là huyện miền núi nằm trên trục Quốc lộ 7 của Nghệ An có địa hình đa dạng và nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Ảnh: Quang Dũng.
Nghệ An có địa hình đa dạng và nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ. Trong ảnh: Một góc huyện Anh Sơn. Ảnh: Quang Dũng.

Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền Mianma - Thái Lan - Lào - Việt Nam - biển Đông theo đường 7 đến Cảng Cửa Lò. Nằm trên các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế (tuyến du lịch xuyên Việt; tuyến du lịch Vinh - Cánh đồng Chum – Luôngprabang - Viêng Chăn - Băng Cốc và ngược lại qua Quốc lộ 7 và đường 8).

Với vị trí như vậy, Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hóa với cả nước và các nước khác trong khu vực, nhất là các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc, là điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Nghệ An có thế mạnh là con người. Người Nghệ An cần cù, thông minh, hiếu học, sẵn sàng chấp nhận thử thách,... Từ xưa, Xứ Nghệ là đất khoa bảng, có nhiều danh sĩ, danh tướng, lương thần nổi tiếng như Mai Hắc Đế, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu,... Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người Nghệ đi khắp mọi miền Tổ quốc và nước ngoài nhưng vẫn luôn hướng về quê nhà với tấm lòng trân trọng.

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến Nghệ An. Chỉ hai lần về thăm quê, nhưng Người đã gửi hàng chục bức thư cho Nghệ An. Trong bức thư cuối cùng, Người viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Ngày 30/7/ 2013, Bộ Chính trị khóa XI đã có Nghị quyết 26 “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Đó là một sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị đối với Nghệ An. Bảy năm thực hiện Nghị quyết quan trọng này, do nhiều nguyên nhân mà sự chuyển biến của Nghệ An vẫn chưa được như mong muốn – Nghệ An vẫn chưa “trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” và trong cả nước.

Ngày 13/11/2021, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Nghệ An là một trong bốn tỉnh (Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế) được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Nghệ An về tài chính - ngân sách Nhà nước và phân cấp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Toàn cảnh khu vực trung tâm thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Lê Thắng
Toàn cảnh khu vực trung tâm thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh: Lê Thắng

Theo đó, về quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước, Nghệ An được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu), nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với số thu thực hiện năm trước và ngân sách Trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 45% số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách Nhà nước năm 2022 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết này.

Về quản lý rừng, đất đai, Nghị quyết quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 ha trở lên; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên của tỉnh Nghệ An và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha; đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha; đất trồng lúa 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Nghị quyết cũng chỉ rõ: Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng.

Nếu Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị là tư tưởng chỉ đạo về đường hướng chung để phát triển thì Nghị quyết lần này của Quốc hội rất cụ thể - thể hiện rõ “cơ chế, chính sách đặc thù”, trong đó quan tâm đến những vấn đề tối quan trọng: Ngân sách, đất đai,... để Nghệ An phát triển. Có thể nói, đây là một “cơ hội vàng” để Nghệ An phát triển – cơ hội để thực hiện mong ước của Bác Hồ.

***

Từ thế kỷ XIX, xứ Nghệ từng có Nguyễn Công Trứ nổi danh với công cuộc khai phá, lập nên Kim Sơn, Tiền Hải, Nguyễn Trường Tộ với hơn 50 bức thư kiến nghị triều đình với công cuộc canh tân đất nước. Nghị quyết của Quốc hội sẽ sớm đi vào cuộc sống khi toàn Đảng, toàn Dân “khơi trong, hút ngoài, đoàn kết, tiến công tăng tốc”. Trong đó, cần tạo cơ hội, gắn trách nhiệm cho kíp lãnh đạo tâm huyết, thể hiện cái tâm, cái tầm với quê hương, đất nước, không nên luân chuyển giữa chừng - “dứt mạch ý tưởng, hành động” của họ. Vì đó là một công cuộc khó khăn nhưng rất vinh dự, rất đáng tự hào.

Anh Đặng