Khi đội tuyển Việt Nam 'đổi gió' ở Vũng Tàu
(Baonghean.vn) - Sau chiến dịch vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực Châu Á lần đầu tiên đầy khí thế nhưng cũng đầy gian nan, hiểm trở, ĐT Việt Nam sẽ có quãng nghỉ ngắn và “đổi gió” tại Vũng Tàu trước khi bước vào chiến dịch bảo vệ ngôi vua tại AFF Cup 2021.
Sở dĩ thầy trò ông Park Hang-seo chọn “Vũng Tàu biển hát” làm nơi xốc lại hành trang cho chặng đua mới là bởi điều kiện thời tiết ở đây khá tương đồng với nước đăng cai AFF Cup trong bối cảnh thi đấu tập trung thời đại dịch Covid-19. Nơi đây, không có mùa Đông như Hà Nội và phía Bắc đất nước như hiện tại mà là mùa gió mát, nắng vàng. Và đến nơi đây thầy trò ông Park Hang-seo có thể tạm quên đi quá trình vượt dốc không thành công vừa qua, lấy lại tinh thần, bồi đắp lại niềm tin để bảo vệ thành quả đã có được của bóng đá Việt ở khu vực.
Bàn thắng đẹp của Quang Hải tại vòng loại thứ 3 World Cup. |
Nếu nói rằng, phía trước của ĐT Việt Nam vẫn vô vàn khó khăn hay ngược lại vô cùng thuận lợi đều không đúng, không nên lúc này. Bởi khi trở về khu vực, đối thủ vừa tầm, không xa lạ gì nhau nhưng ai cũng biết dưới tay ông thầy người Hàn Quốc, ĐT Việt Nam thời gian qua dù hoàn toàn bất bại trước các đối thủ nhưng để Thái Lan hay Malaysia “tâm phục, khẩu phục” là điều chưa thể.
Đã thế, 4 năm qua, khi đối thủ bị tụt lại phía sau, họ đã có thời gian nghiền ngẫm, tìm cách để chặn đứng bước tiến của ĐT Việt Nam. Ngay cả việc so kè quá trình thi đấu ở vòng loại thứ 3 World Cup giữa ĐT Thái Lan và ĐT Việt Nam cũng dễ thấy đoàn quân áo đỏ còn thua sút người hàng xóm khi 6 trận vừa qua toàn thua và chưa có nổi 1 điểm làm lưng vốn cho các trận còn lại. Đội hình ĐT Việt Nam cũng chưa có ngôi sao nào thực sự nổi bật đang thi thố ở đấu trường châu lục, trong khi với người Thái, việc này đã trở thành “chuyện thường ngày” lâu nay.
Và đây là lúc, ĐT Việt Nam phải cố gắng làm hơn được người Thái ở chỗ không để đội tuyển sụp đổ dây chuyền sau thất bại ở vòng loại thứ 3, bằng cách gia hạn hợp đồng với ông Park Hang-seo (không phải như người Thái sa thải Kiatisuk và sau đó diễn ra điều gì chúng ta đã biết) để duy trì được vị thế hàng đầu của khu vực tại AFF Cup sắp tới.
Trong khi các đội bóng khu vực gặp khó bởi đại dịch, không có môi trường rèn luyện, thi đấu, tập huấn thì ĐT Việt Nam “được” thỏa chí thi đấu với các đội bóng hàng đầu châu lục. Dù thất bại liên tiếp, dù có được nhận thức đầy đủ về quá trình vươn tầm, dù mất mát lực lượng…nhưng những bài học thu được của bóng đá Việt là vô cùng bổ ích trước mọi dự liệu và toan tính căn cơ, dài lâu cho bóng đá Việt.
Hy vọng mọi kết quả thu được, những điều cần tránh lặp lại…đều nhanh chóng biến thành động lực cho chiến dịch chinh phục tại AFF Cup dễ mà khó, khó mà dễ sắp tới khi ông Park tiếp tục là “phù thủy” trên băng ghế chỉ đạo và các học trò tiếp tục thi đấu thăng hoa, hiệu quả như mong đợi.
Cần nhanh chóng bổ sung lực lượng khi các nhân tố chủ lực trước đây vắng mặt như Trọng Hoàng, Văn Lâm, Văn Hậu và cả Hùng Dũng. Đi kèm với đó là quá trình trẻ hóa lực lượng, làm mới các bài vở với các nhân tố trẻ như Văn Chuẩn, Văn Đạt, Văn Đô, Văn Xuân, Thanh Minh…, tiếp tục tin dùng Quang Hải, Hoàng Đức…để đối thủ dù đọc được bài cũng không dễ hóa giải, có thể vượt qua một người nhưng liên tiếp 2 người là không thể, có thể thắng một pha đấu tay đôi nhưng không thể thắng một trận đấu hay một giải đấu
AFF Cup là “mặt trận cũ” của một chặng đấu mới, nơi tài năng của mỗi cầu thủ được thỏa sức phát lộ và hơn nữa là nơi ông Park Hang-seo liệu có tiếp tục xứng danh với tên gọi “phù thủy” hay không là điều còn bỏ ngỏ. Không chỉ quá trình “đổi gió” tới đây, ông thầy người Hàn Quốc mới “mượn gió” để “ủ mưu” mà chắc hẳn những trận đấu căng sức ở vòng loại thứ 3 của ĐT Việt Nam và thi đấu vòng loại tiến tới vòng chung kết U23 Châu Á của U23 Việt Nam đã cho ông một cái nhìn toàn diện về từng nhân tố trên sân và kỹ, chiến thuật nào sẽ được ưu tiên sử dụng sắp tới./.