Nghị quyết đặc thù cho Nghệ An: Cơ hội lớn tạo mặt bằng phục vụ dự án đầu tư

Tiến Đông 23/11/2021 07:12

(Baonghean) - Nếu so sánh với hạn mức đất đai được phép chuyển đổi tại Điều 58, Luật Đất đai 2013 thì Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An của Quốc hội là một bước chuyển lớn trong việc chuẩn bị mặt bằng, thu hút đầu tư.

BƯỚC CHUYỂN LỚN

Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với 16.490km2, Nghệ An đang trong giai đoạn chuyển mình để phát triển kinh tế - xã hội, trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của khu vực Bắc Trung bộ. Khi Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An chính thức có hiệu lực, việc chuyển đổi đất lúa, đất rừng sẽ không còn bị bó buộc như trước. Điều này sẽ giúp cho tỉnh có thể hiện thực hóa chiến lược phát triển, và đưa ra quyết định nhanh chóng trong việc thu hút những dự án đầu tư trọng điểm cần phải sử dụng quỹ đất lớn.

Hiện nay HĐND tỉnh đang dự thảo Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng 420,14ha đất trồng lúa và 29,68ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 365 công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Diện tích đất được đề xuất chuyển đổi nhằm thực hiện các nhóm công trình, dự án, như đường giao thông, điện, thủy lợi, khu tái định cư; quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất ở; các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh được thu hút hoặc mở rộng quy mô nhà máy, nhà xưởng ở một số dự án.

Trong
Hiện nay HĐND tỉnh đang dự thảo Nghị quyết chuyển mục đích sử dụng 420,14ha đất lúa, 29,68ha đất rừng phòng hộ để thực hiện 365 công trình, dự án trong toàn tỉnh. Ảnh: Tiến Đông

Theo dự thảo này, địa phương có diện tích đất cần chuyển đổi mục đích nhiều nhất là huyện Yên Thành với 65 dự án với 63,92ha đất lúa và 2,6ha đất rừng phòng hộ; Đô Lương 57 dự án với 79,23ha đất lúa và 3,89ha đất rừng phòng hộ; TP. Vinh với 35 dự án và 45,37ha đất lúa; Quỳnh Lưu 29 dự án với 36,81ha đất lúa; Nghi Lộc 25 dự án với 29,38ha đất lúa và 7,11ha đất rừng phòng hộ; Nam Đàn 24 dự án; Diễn Châu 23 dự án với 22,59ha...

Bên cạnh việc dự thảo Nghị quyết chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đang xây dựng dự thảo kế hoạch để trình HĐND tỉnh về danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất.

Theo đó, toàn tỉnh có 565 công trình, dự án với tổng diện tích 1.834,73ha cần phải thu hồi đất. Trong đó, có 620,03ha đất lúa; 23,35ha đất rừng phòng hộ và 1.189,85ha đất khác. Cụ thể, tại Yên Thành có 73 dự án với 134,32ha cần phải thu hồi; TP. Vinh có 67 dự án cần phải thu hồi đất với tổng diện tích 129,88ha cần thu hồi; Quỳnh Lưu có 49 dự án với 348,73ha phải thu hồi; Nghi Lộc có 28 dự án với 202,18ha đất cần thu hồi; Diễn Châu có 30 dự án với 73,66ha cần phải thu hồi...

Thời gian qua
Thời gian qua rất nhiều dự án đầu tư đã được xây dựng sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ảnh: Trân Châu

Với việc đẩy mạnh đầu tư thực hiện các dự án trong thời gian tới, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thu hồi đất là điều hết sức cần thiết. Cùng với việc Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã mở ra một cánh cửa lớn giúp Nghệ An có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ cho công tác kiến thiết, xây dựng hạ tầng, đón đầu các nhà đầu tư.

ĐỘNG LỰC MỚI CHO ĐỊA PHƯƠNG

Tại Diễn Châu, ngoài các dự án đang trình các cấp có thẩm quyền xem xét để chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất nhằm phục vụ cho công tác đầu tư, địa phương này cũng đã xây dựng quy hoạch sử dụng đất cho giai đoạn 2021-2030, trong đó chỉ riêng lấy vào đất rừng đã có 34 dự án, có tổng diện tích 1.542,56ha.

Trong đó có nhiều công trình, dự án có tổng diện tích đất cần chuyển đổi lớn như: Quy hoạch khu du lịch sinh thái hồ Xuân Dương với 325ha; khu đô thị kết hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại xã Diễn Trung với 300ha; hay dự án mở rộng khu sinh thái Mường Thanh với 145ha... Với những dự án có diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất lớn, nếu phải thực hiện theo Điều 58, Luật Đất đai hiện hành phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Thậm chí nhiều cơ hội thu hút nhà đầu tư có thể bị vụt qua tầm tay.

Tại Diễn Châu, giai đoạn 2021-2030 dự kiến sẽ có nhiều dự án đầu tư cần thu hồi diện tích đất lớn. Ảnh: Tiến Đông
Tại Diễn Châu, giai đoạn 2021-2030 dự kiến sẽ có nhiều dự án đầu tư cần thu hồi diện tích đất lớn. Ảnh: Tiến Đông

Ông Tăng Văn Luyện - Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho rằng: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An mà Quốc hội mới thông qua sẽ giúp rút ngắn được thời gian xử lý, tạo điều kiện giúp chính quyền các địa phương có thể chủ động trong việc thu hút đầu tư. Thậm chí, các nhà đầu tư cũng sẽ có cơ hội triển khai nhanh dự án của mình mà không phải chờ đợi trong một thời gian dài.

Tại huyện Nghi Lộc, với vai trò là một khu vực trọng điểm thu hút đầu tư xây dựng khu công nghiệp của tỉnh, mỗi năm địa phương này thu hồi từ 400-500ha đất để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội. Hiện nay, tại địa phương này nhiều dự án đang được triển khai và tiếp tục được mở rộng như dự án: KCN Hemaraj WHA; Khu A, B, C của KCN Nam Cấm...

Hiện tại, huyện Nghi Lộc cũng đã xây dựng được danh mục công trình, dự án trong kỳ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 với gần 700 công trình, và tổng diện tích đất cần sử dụng lên đến 7.757,05ha.

Khu CN Hemajai WHA tại huyện Nghi Lộc đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Tư liệu
Khu CN Hemaraj WHA tại huyện Nghi Lộc đang được đầu tư xây dựng. Ảnh: Tư liệu

Theo ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, với các địa phương có nhu cầu chuyển đổi đất và thu hồi diện tích đất lớn phục vụ cho các dự án đầu tư thì rõ ràng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Nghệ An có tác động rất lớn, giúp cho tỉnh cũng như các huyện chủ động hơn trong việc thực hiện quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên, ông Thọ cũng cho rằng, do Nghị quyết này đang trong thời gian thí điểm, vì thế bản thân các huyện, các ngành cũng cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng, phải chủ động trong việc xây dựng quy hoạch, trình tự thủ tục, để khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành thì triển khai ngay. "Phải chứng minh cho Quốc hội thấy được sự lựa chọn đúng đắn khi cho phép Nghệ An thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, qua đó tiếp tục thực hiện chính sách này dài hơi hơn" - ông Thọ nhấn mạnh.

Tiến Đông