Nghệ An giám sát, nhắc nhở các địa phương chậm xử lý hồ sơ cấp phép đầu tư

N.H 01/12/2021 08:49

(Baonghean.vn) - Thực hiện quy trình tiếp nhận thủ tục hành chính cấp phép đầu tư, trong tháng 11, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đã tiếp nhận 249 hồ sơ liên quan đến lĩnh vực cấp phép đầu tư.

Cụ thể, theo Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, (báo cáo định kỳ từ ngày 15/10-15/11) trong tổng số 249 hồ sơ tiếp nhận mới tháng 11, xử lý và trả kết quả 141 hồ sơ, trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư 20 hồ sơ; Sở Xây dựng 14 hồ sơ; Sở Tài nguyên và Môi trường 31 hồ sơ; Ban quản lý KKT Đông Nam: 32 hồ sơ; Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh 44 hồ sơ; số còn lại 108 hồ sơ đang trong thời hạn xử lý. Ngoài các hồ sơ xin cấp phép đầu tư mới đang xử lý trên, trên hệ thống 41 hồ sơ tiếp nhận từ đầu năm đến nay nhưng chưa xử lý, trả kết quả nên bị xem là quá hạn.

Khu công nghiệp WHA thuộc KKT Đông Nam. Ảnh: Thành Cường

Trong 249 hồ sơ tiếp nhận mới có 63 hồ sơ thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư gồm 60 hồ sơ xin chủ trương đầu tư và 3 hồ sơ cấp xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; lĩnh vực xây dựng có 36 hồ sơ, trong đó 24 hồ sơ xin thẩm định quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và 12 hồ sơ xin thẩm định thiết kế cơ sở; lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường có 50 hồ sơ gồm 33 hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 17 hố sơ đăng ký/xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Ban Quản lý KKT Đông Nam 51 hồ sơ; lĩnh vực PCCC 49 hồ sơ.

Ông Nguyễn Đình Mỹ - Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: sau 3 tháng chạy thử và 11 tháng vận hành chính thức, quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ cấp phép đầu tư theo mô hình một cửa liên thông đã mang lại hiệu quả. Bình quân mỗi tháng, Trung tâm tiếp nhận từ 200-250 hồ sơ thủ tục hành chính kinh doanh nhưng do được nhập vào phần mềm vừa giám sát, phân cấp, giao trách nhiệm nên được các sở ngành chủ động xử lý kịp thời, đúng hạn hơn. Rất ít trường hợp trả hồ sơ chậm và nếu có thì cũng phải lý do để giải trình với công dân, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch covid diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn và phòng dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới. Trung tâm Phục vụ Hành chính công và Bộ phận một cửa các huyện, thành đều bố trí y tế đo thân nhiệt, kiểm tra PC Covid người đến giao dịch. Ảnh: Nguyễn Hải
Trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn và phòng dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới. Trung tâm Phục vụ Hành chính công và Bộ phận một cửa các huyện, thành đều bố trí y tế đo thân nhiệt, kiểm tra PC Covid-19 người đến giao dịch. Ảnh: Nguyễn Hải

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, 41 hồ sơ tiếp nhận năm 2021 nhưng quá hạn là do liên quan đến trách nhiệm của các sở ngành hoặc địa phương, nhà đầu tư. Các hồ sơ trên, dù đã được tỉnh đôn đốc nhưng do các địa phương chưa có văn bản trả lời hoặc nhà đầu tư không chịu bổ sung hồ sơ thủ tục nên chưa thể xử lý và theo quy định phải đưa vào diện quá hạn. Trong số này, có 25 hồ sơ thuộc trách nhiệm của UBND các huyện, thành, thị.

Trên cơ sở rà soát, Sở Kế hoạch & Đầu tư đã có văn bản xác định có 14 hồ sơ thuộc trách nhiệm nhà đầu tư khi các trường hợp này đã được các sở ngành yêu cầu bổ sung nhưng nhà đầu tư chưa phản hồi báo cáo lại hoặc giao cho các huyện nhưng vì lý do dịch Covid-19 nên huyện chưa thể xác minh, thẩm tra...

Hạ tầng KCN V.Ship Hưng Nguyên giai đoạn 1 đã hoàn thành nên việc sớm hoàn tất thủ tục khi có nhà đầu tư vào thuê đất là ưu tiên của tỉnh và nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN. Ảnh: Nguyễn Hải
Hạ tầng KCN VSIP Hưng Nguyên giai đoạn 1 đã hoàn thành nên việc sớm hoàn tất thủ tục khi có nhà đầu tư vào thuê đất là ưu tiên của tỉnh và nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN. Ảnh: Nguyễn Hải

Trong số 25 hồ sơ quá hạn thuộc trách nhiệm của UBND huyện thì Nam Đàn và Yên Thành nhiều nhất với 06 hồ sơ, tiếp đó là TP Vinh 3 hồ sơ; các huyện thị 2 hồ sơ gồm Hoàng Mai, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu; các huyện còn lại như Thanh Chương, Diễn Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên mỗi huyện 1 hồ sơ.

(Nguồn Sở KH & ĐT Nghệ An)

Bên cạnh kết quả tích cực trên, một trong những vấn đề đặt ra khi giải quyết thủ tục hành chính đầu tư theo mô hình một cửa liên thông là tình trạng các hồ sơ tồn đọng kéo dài vẫn còn.

Thống kê sơ bộ của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho thấy từ năm 2020 lại đây có khoảng 70 hồ sơ xin cấp phép đầu tư còn tồn đọng trên hệ thống. Mặc dù Trung tâm Phục vụ hành chính tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản đôn đốc nhắc nhở nhưng do địa phương chưa trả lời và doanh nghiệp, nhà đầu tư không có văn bản phản hồi lại (tiếp tục theo đuổi dự án hay bỏ) nên rất khó xử lý.

Công dân đến chờ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận 1 cửa UBND thành phố Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải
Công dân đến chờ giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa UBND thành phố Vinh. Ảnh: Nguyễn Hải

Trong một diễn biến khác, nhằm cải cách hành chính, tạo điều kiện cho người dân đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh, khởi sự kinh doanh, UBND tỉnh đang lấy ý kiến các sở ngành địa phương sửa đổi Quyết định số 72/QĐ-UB của UBND tỉnh năm 2017 về trình tự, thủ tục cấp phép đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An với nhiều sửa đổi quan trọng.

Sau nhiều lần góp ý bổ sung, dự thảo đang được tổng hợp, chỉnh lý lần cuối để thông qua trong thời gian tới. Đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp và doanh nhân tỉnh đang hy vọng đây là khâu đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư trong năm 2022./.

N.H