Vĩnh Thành quê tôi ngày được đón Bác Hồ về thăm
(Baonghean.vn) - Đó là mùa Đông năm 1961 vào sáng ngày 10 tháng 12. Hàng ngàn người đang hồi hộp chờ đợi mong được nhìn thấy Bác Hồ. Đúng 7h, chiếc trực thăng xuất hiện trên bầu trời, từ từ hạ độ cao rồi đáp xuống bãi đậu cách lễ đài đón Bác chừng vài trăm mét. Sau khi ôm hôn và nhận hoa của các cháu thiếu nhi, bắt tay cán bộ huyện, xã đón tại cửa máy bay, Bác bước lên lễ đài trong tiếng hô không ngớt của cả biển người: "Hồ Chủ tịch muôn năm!".
Chúng tôi được thấy Bác Hồ giản dị, gần gũi làm sao. Vẫn bộ quần áo bà ba màu gụ, ngoài khoác chiếc áo kaki, chân đi đôi dép cao su, mái tóc phong sương, chòm râu đốm bạc, khuôn mặt phúc hậu, hiền từ như ông bụt, ông tiên... Bác tươi cười vẫy tay chào đồng bào và ra hiệu cho mọi người im lặng.
Bác Hồ về thăm xã Vĩnh Thành (Yên Thành) tháng 12/1961. Ảnh: Tư liệu |
Cầm mảnh giấy nhỏ trong tay, Bác bắt đầu nói chuyện. Với chất giọng Nghệ ấm áp, lời Bác vang lên trìu mến thiết tha: “Thưa toàn thể đồng bào! Bác và các đồng chí Trung ương, Tỉnh ủy về thăm HTX Vĩnh Thành, các cô, các chú xã viên và các cháu. Bác có câu chuyện tóm tắt sau đây để bà con và các cháu chú ý: HTX Vĩnh Thành về mọi mặt đều có tiến bộ. Nói chung như thế, Bác không phải kể nữa, HTX Vĩnh Thành tuy có tiến bộ nhưng đang ít quá, nên Bác nói thêm mấy điểm”.
Sau đó, Bác dặn dò chỉ bảo tỉ mỉ, cụ thể với bà con về sự quan trọng của nước, phân, về thời vụ với cây lúa và các cây trồng khác. Bác khen việc trồng cây của xã, Bác nói: “Trồng cây ở đây khá khá chứ chưa phải thật tốt đâu… Rồi Bác nói về những việc rất cụ thể như: Vệ sinh chưa sạch sẽ; Bác khen Ban quản trị HTX, vấn đề đoàn kết, phải minh bạch, dân chủ trong chia công điểm, HTX phải quan tâm tới người già cả, neo đơn… Đồng thời, Người cũng ân cần nhắc nhở về vai trò của chi bộ Đảng trong việc chỉ đạo sản xuất và xây dựng khối đoàn kết nông thôn.
Bác Hồ nói chuyện với người dân xã Vĩnh Thành (Yên Thành) trong dịp Người về thăm tháng 12 năm 1961. Ảnh: Tư liệu |
Thấy Bác đứng miệt mài nói chuyện, mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, ai ai cũng băn khoăn. Ông Nguyễn Quỹ - Chủ nhiệm HTX Vĩnh Thành đứng phía sau cung kính đưa khăn tay cho Bác. Bác khẽ xua tay từ chối. Sau đó, ông Phan Đức Tuệ (Bí thư Đảng ủy xã) ngập ngừng dương chiếc ô để che nắng, Bác ra hiệu cất ô và chỉ xuống biển người đang ngồi phía dưới: "Bác không phong kiến! Các chú có tìm đủ ô cho hàng ngàn bà con ngồi dưới kia không ?”. Khi nói về thành tích của 5 cá nhân tiêu biểu để Bác thưởng Huy hiệu, Bác hỏi: Thành tích của các cô, các chú trên có đúng sự thật không? Ông Tuệ trả lời: “Dạ, đúng ạ” thì Bác nói: “Bác không hỏi chú, Bác hỏi Nhân dân kia. Có đúng sự thật không, thưa đồng bào?”. Rồi Bác hỏi người dân: “Bác đề nghị thưởng Huy hiệu cho 5 người này, đồng bào có tán thành không?” thì cả biển người như sóng dậy: "Thưa Bác, đồng ý ạ, có ạ!". Sau đó Bác mời 5 người xuất sắc nhất lên lễ đài để Bác gắn Huy hiệu.
Sau buổi nói chuyện, Bác đề nghị đi thăm một số nơi ở làng Vĩnh Tuy, ngôi làng có ông Nguyễn Quỹ - Chiến sỹ Thi đua toàn miền Bắc, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp cao cấp đầu tiên của tỉnh Nghệ An. Khi đi qua dãy chuồng trâu, Người dừng lại hỏi: “Đêm có cho trâu ăn không?”. Ông Nguyễn Đăng Chúc - Chủ tịch xã đi bên cạnh, thưa: “Dạ, có ạ!”. Có đúng hôm nào cũng thế không? - Dạ đúng ạ! Người bảo: "Phải cho trâu ăn đêm để mai có sức kéo. Làm sao khi cho trâu ăn phải đồng đều một lúc để trâu khỏi mất ngủ".
Bia dẫn tích ở xóm Đông làng Vĩnh Tuy - nơi Bác Hồ về thăm ngày 10/12/1961. Ảnh: Thành Cường |
Ngôi nhà địa phương bố trí để Bác vào thăm là nhà ngói bà Hân nhưng Bác không vào, Bác vào nhà bà Thậm, nhà mái tranh. Sau đó, Bác vào nhà trẻ xóm Vĩnh Phúc, thấy tường vôi mới trắng toát, Bác nhắc khéo: “Chắc các chú đón Bác nên mới cho quét vôi?”. Ông Chúc ấp úng: “Dạ!”. Gặp các bà trông trẻ Bác hỏi thăm ân cần về việc ăn, ngủ của các cháu có đúng giờ giấc không, ăn có đủ chất không… Rồi Bác nói đại ý: “Trông giữ trẻ là công việc vất vả, bởi các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ chịu khó. Bác chúc các cụ trông giữ, chăm sóc tốt các cháu để cha mẹ yên tâm làm ruộng”.
Từ nhà trẻ, Bác rẽ vào nhà chị Máy gần đó. Bác đi trước, cái dây phơi ngổn ngang quần áo chắn ngang sân, Người với tay dẹp lấy lối đi. Nghe tiếng ồn ào ngoài sân, chị Máy vội bế đứa con trai nhỏ hơn một tuổi chạy ra thì thấy Bác đã vào tới cửa. Bác khom người nhìn vào gian bếp thấy khói um, lửa rơm rạ cháy loang ra ngoài, Người nói: “Thím vào trông bếp đi!”...
Toàn cảnh Trường cấp 1 Vĩnh Thành - nơi Bác Hồ trò chuyện với người dân Vĩnh Thành ngày 10/12/1961. Ảnh: Thành Cường |
Rời nhà chị Máy khoảng chục mét, Bác vào thăm Nhà thương xã Tiên Long. Chị Trần Thị Tâm, người phụ trách nhà thương đang lúi húi dọn dẹp mấy thứ thì Bác vào. Chị vội ngẩng lên thảng thốt: Ôi! Bác Hồ! Thấy có 3 người hậu sinh đang nằm trên giường định ngồi dậy, Bác ra hiệu cho họ tiếp tục nằm nghỉ. Người đi tới hỏi một chị sản phụ nằm ngoài cùng (chị Ngô Thị Tương, người làng Vĩnh): “Cháu sinh bé trai hay bé gái đây?”. Chị Tương vì quá xúc động nên không nói nổi mình sinh con trai hay con gái. Sau đó, Bác nói với chị Tâm: “Cháu cố gắng học tập thêm nữa, nâng cao và trau dồi tay nghề để phục vụ bà con ngày một tốt hơn”.
Từ nhà thương, Bác cùng đoàn cán bộ Trung ương trở lại rú Tháp nơi chiếc trực thăng đang chờ đợi Người tiếp tục lên thăm Nông trường Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn. Đứng trước cửa tàu bay, Người vẫy chào hàng ngàn bà con cũng đang giơ hai tay chào tạm biệt Người. Nhiều người rưng rưng nước mắt. Nhìn mãi cánh tay Người vẫy vẫy cả quê hương lặng đi đến nghẹn ngào...
60 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, xã Vĩnh Thành, làng Vĩnh Tuy (Yên Thành) giờ đây đã thay đổi rất nhiều, không còn nhà tranh vách đất, nhiều nhà cao tầng đã mọc lên, đường làng ngõ xóm được rải bê tông, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nơi Bác về thăm năm xưa, nay đã trở thành Khu lưu niệm khang trang, góp phần nhắc nhở người dân, các thế hệ lãnh đạo, con cháu, sống, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Làng Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Thành - nơi Bác Hồ từng đến thăm nay đã có nhiều đổi mới. Ảnh: Thành Cường |