Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ - nơi tái hiện hình ảnh Người về thăm quê
(Baonghean.vn) - Những ai đã từng đến thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An chắc hẳn đều biết về công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ - một điểm nhấn đặc biệt trong không gian cảnh quan của thành phố trung tâm vùng Bắc miền Trung...
Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ không chỉ là công trình đặc biệt về chính trị, văn hóa, kiến trúc mà thực sự trở thành một biểu tượng cao đẹp con người, về văn hóa và mảnh đất Nghệ An. Đây cũng là một trong những địa chỉ đỏ để giáo dục tình yêu quê hương đất nước, để các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân học tập, làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên quê hương của Người.
Đón Bác Hồ ở sân bay Vinh. Ảnh: Tư liệu |
Và có lẽ không nhiều người biết rằng, bức tượng chính là tác phẩm nghệ thuật đặc biệt tái hiện lại hình ảnh Bác Hồ về thăm quê. Với chủ đề: “Bác Hồ với quê hương - quê hương với Bác” - tác giả Đỗ Như Cẩn và các nghệ nhân đã rất tài tình trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm của Người với mảnh đất quê hương. Tuy chất liệu được sử dụng là đá nhưng dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, các kiến trúc sư, Bác hiện lên với những nét ấm áp, thân thuộc và bình dị. Trước Tượng đài Bác Hồ ta có cảm tưởng như Người vẫn đang bồi hồi đứng trước ngôi nhà thân thuộc ở quê ngoại Hoàng Trù, thăm cánh đồng lúa Vĩnh Thành (Yên Thành), trò chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy điện Vinh, hay thăm hỏi các chiến sỹ lực lượng vũ trang Quân khu 4...
Cả cuộc đời dành trọn cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có hai lần về thăm quê. Lần đầu Người về thăm quê là tháng 6/1957 - sau 50 năm Bác rời nơi chôn rau cắt rốn để bôn ba, tìm đường cứu nước. Trong niềm xúc động nghẹn ngào mừng mừng tủi tủi Bác nói: “Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Trong lần Bác về quê lần thứ hai vào ngày 8/12/1961, khi đến thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Vinh (nay thuộc địa phận Cục đường bộ II) Bác căn dặn: “Sản xuất ra máy móc công cụ, công nhân phải đảm bảo sao cho nông dân có thời gian sử dụng, nếu không bảo đảm phải sửa chữa cho nông dân; phải làm tốt 4 chữ "nhiều, nhanh, tốt, rẻ". Thăm và nói chuyện với tập thể thầy cô, sinh viên Trường Trung học Sư phạm miền núi Nghệ An, Người khuyên: “Bác khuyên các cháu học tập tốt. Thế nào là học tập tốt? Học tập tốt là chính trị, văn hóa đều gắn liền với lao động sản xuất, không học rông dài. Mục đích là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau. Học làm gì nữa? Để xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Chủ nghĩa xã hội là gì?- Là no ấm”. Bác đến thăm cán bộ, công nhân Nông trường Đông Hiếu; thăm nói chuyện với bà con xã viên HTX cao cấp Vĩnh Thành (Yên Thành), hay trò chuyện với cán bộ, nhân dân xã Kim Liên, Nam Đàn… ở đâu Người cũng để lại những dấu ấn bình dị mà sâu sắc, mộc mạc mà cao đẹp về một tấm gương ngời sáng về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Trong sâu thẳm tấm lòng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân Nghệ An từ vùng đồng bằng, thành thị cho đến miền núi, rẻo cao,… những kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm quê từ lâu đã trở thành một di sản thiêng liêng - một nguồn lực sức mạnh tinh thần vô giá.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với nhân dân xã Nam Liên (Nam Đàn). Ảnh: Tư liệu |
Dù thời gian lưu lại quê hương không nhiều song Bác luôn trăn trở, lo lắng về đời sống của bà con nhân dân. Điều này thể hiện rõ trong từng lời Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Dân không đủ muối, Đảng phải lo. Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo!”.
Trên cương vị Chủ tịch nước, mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng tình thương, nỗi nhớ, sự lo lắng đối với quê hương luôn ngày đêm canh cánh trong lòng Bác. Người đã gửi gắm qua những bức thư, bài viết gửi về quê nhà. Trong bức thư cuối cùng gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An ngày 21/7/1969, Bác viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào, đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.
Những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, Nhân dân Nghệ An đạt được trong công cuộc xây dựng, phát triển suốt 60 năm qua (1961 - 2021) không chỉ là những con số thống kê, báo cáo đơn thuần, mà đó chính là lời hứa, lòng quyết tâm, trí sáng tạo của các thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và đông đảo mọi tầng lớp nhân dân kính dâng lên Người.
Tượng đài Bác Hồ tại Quảng trường Hồ Chí Minh. |
Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của cán bộ, đảng viên, Nhân dân tỉnh Nghệ An nói riêng, cả nước nói chung. Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý với chủ trương xây dựng Công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ tại thành phố Vinh. Ngày 19/5/2000, nhân Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình đặc biệt này chính thức được khởi công...
Năm 2003, sau 3 năm thi công, bằng sự nỗ lực cao độ Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An cùng Ban Quản lý Dự án và các đơn vị tham gia thi công, Công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài mang tên Người đã hoàn thành. Công trình gồm 26 hạng mục quan trọng. Tượng đài Bác Hồ được làm bằng đá trắng Grannit Bình Định - một loại đá vĩnh cửu, cao 18m, (trong đó thân tượng 12m, đế và bệ 6m). Tượng được ghép bởi 9 thớt, tạo thành bởi 32 phiến đá, nặng gần 300 tấn nhưng vẫn toát lên những nét thanh thoát, mềm mại và ấm áp sau hai lần Bác về thăm quê hương.
Giữa trung tâm Quảng trường là 99 ô thảm cỏ được thiết kế giống như Quảng trường Ba Đình, tạo màu xanh tươi mát và hạn chế sức nóng của mùa Hè xứ Nghệ, và cũng là nơi để mỗi người con đất Việt về đây quây quần bên Bác. Theo quan niệm của người phương Đông số 99 tượng trưng cho sự bền vững, vĩnh cửu. Xung quanh các ô cỏ là những hàng cây cao vút tạo cho không gian những nét chấm phá hài hòa, thân thiện.
Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ. |
Phía sau tượng đài Bác Hồ là núi Chung. Đây là ngọn núi nhân tạo mô phỏng theo núi Chung ở Kim Liên (Nam Đàn) - một di tích lịch sử văn hóa quốc gia, nơi thuở thiếu thời cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng bạn bè chơi kéo co, thả diều, đánh trận giả. Núi có 3 đỉnh tạo thành hình vòng cung như vòng tay người mẹ ôm ấp, che chở, tạo điểm tựa vững chắc cho tượng đài Bác, đồng thời thể hiện tình cảm quê hương luôn hướng về Người. Trên núi Chung mô phỏng có nhiều loài cây quý được cán bộ và Nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc cũng như bạn bè quốc tế ươm trồng trong các dịp về thăm.
Ngày 19/5/2003, nhân Kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật Bác đã diễn ra Lễ khánh thành công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ gắn với Lễ hội Làng Sen toàn quốc. Sau gần 20 năm sau khi hoàn thành, Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ trở thành địa điểm tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của Nghệ An cũng như cả nước. Tại đây, tối ngày 31/1/2015, tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vinh dự đón nhận Bằng công nhận Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO. Nơi đây còn diễn ra nhiều lễ hội quan trọng như: Tiếng hát Làng Sen toàn quốc; kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An (2020)… và quan trọng hơn Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ là điểm đến của hàng triệu cháu con trên khắp 63 tỉnh thành về sum vầy bên Bác, để được sống trong hạnh phúc, hòa bình mà Người đã hy sinh trọn cuộc đời mình để dành lại cho Nhân dân, cho đất nước và cho quê hương./.