Phát huy truyền thống, khơi dậy khát vọng vươn lên, xây dựng Nghệ An phát triển bền vững

Thái Thanh Quý 12/12/2021 12:36

(Baonghean.vn) - Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục nỗ lực, phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên; tích cực, chủ động đổi mới, sáng tạo đưa tỉnh nhà phát triển bền vững.

Sáng 12/12, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (8/12/1961- 8/12/2021) và khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đã trình bày diễn văn Lễ kỷ niệm và khánh thành Nhà tưởng niệm. Báo Nghệ An trân trọng đăng toàn văn bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (8/12/1961- 8/12/2021) và khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Duy

- Kính thưa đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam;

- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Quân khu 4; các thành phố và tỉnh bạn;

- Kính thưa quý vị đại biểu, thưa đồng bào, đồng chí!

Hôm nay, tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, với tấm lòng thành kính, niềm tự hào và biết ơn vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Nghệ An trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2 và khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Namcùng toàn thể quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí lời chào trân trọng và những lời chúc tốt đẹp nhất.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai (8/12/1961- 8/12/2021) và khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa đồng bào, đồng chí!

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Cả cuộc đời, Người đã “hy sinh tình nhà để lo việc nước”. Người “để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Trong tình thương yêu bao la đó, Người luôn dành tình cảm sâu nặng, sự quan tâm chu đáo, ân cần cho quê nhà Nghệ An, cho làng quê Kim Liên, Nam Đàn và làng Hoàng Trù quê mẹ, làng Sen quê cha.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa đồng bào, đồng chí!

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ của chúng ta sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Vùng quê ấy, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, thường xuyên đương đầu với muôn vàn thử thách, tàn phá do giặc giã, thiên tai, trong khổ đau vẫn gan góc, trong mất mát vẫn kiên cường; là “đất phên dậu”, “thành đồng ao nóng của nước nhà”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Duy

Khi Người cất tiếng khóc chào đời, khói lửa của phong trào Cần Vương đã dần lắng xuống. Đất nước trong cơn lầm than, Người lớn lên cùng những lời ca da diết của mẹ, của bà: Con ơi nhớ lấy câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch rách thơm/Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền. Lớn lên chút nữa, những cuộc đàm đạo văn chương, thế sự của cha với các nhà nho như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân đã nhen lên trong tâm khảm Bác và người chị gái, người anh trai lòng yêu nước, thương dân và tinh thần tự tôn dân tộc.

Chính mạch nguồn truyền thống gia đình và quê hương như một lẽ tự nhiên đã ảnh hưởng sâu sắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ tuổi ấu thơ, góp phần nuôi dưỡng tình cảm, hun đúc tư tưởng yêu nước và hình thành nhân cách, thôi thúc khát vọng, hoài bão: “nước mất phải đi tìm đường cứu nước”, một ham muốn đến tột bậc: “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An trình bày diễn văn Lễ kỷ niệm và khánh thành Nhà tưởng niệm. Ảnh: Thành Duy

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa đồng bào, đồng chí!

Trên hành trình hoạt động cách mạng bôn ba khắp năm châu, bốn biển “tìm đường đi cho cả dân tộc”, Người luôn khắc khoải về đất nước, về quê hương xứ Nghệ. Người nhớ nhiều làn điệu hát ví, hát giặm, hát phường vải của quê nhà, nhớ da diết “tiếng mẹ hiền ru con”. Xa quê hơn nửa thế kỷ, Người vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, chân chất, vang vọng của quê nhà.

Trở về nước vào mùa xuân năm 1941 và trực tiếp lãnh đạo cách mạng tháng Tám thành công, giành lại độc lập, tự do cho dân, cho nước sau bao đêm trường nô lệ, Người vẫn chưa thể về thăm quê được. Khi cô Nguyễn Thị Thanh - chị gái Bác hỏi: Khi nào thì Cậu về thăm quê được? Người trầm ngâm nói: Việc về thăm quê chắc còn lâu, vì việc nước còn nặng lắm. Mãi đến tháng 6/1957, sau hơn 2 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “nên thiên sử vàng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới về thăm quê hương.

Ngày về, Người vẫn không quên lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa nơi có hàng râm bụt, cây bưởi, luống rau trước nhà, cây mít, hàng cau sau nhà, chiếc võng tuổi thơ, khung cửi của bà, chiếc rương gỗ nhỏ - của hồi môn ít ỏi của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha. Quây quần bên bà con quê nhà, Người xúc động nói: Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Duy

Rồi mãi 4 năm sau, tháng 12/1961, Nhân dân quê nhà mới lại được đón Bác về thăm. Chỉ 3 ngày ít ỏi nhưng hết sức quý giá, Người đã dành trọn thời gian tới thăm, nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh nhà tại Thành phố Vinh; thăm Nhà máy cơ khí Vinh; Trường Sư phạm miền núi Nghệ An; Nông trường Đông Hiếu; hợp tác xã Vĩnh Thành… Thăm lại làng Hoàng Trù, Người bình dị, gần gũi ngồi nói chuyện trước thềm nhà cùng bà con quê mẹ. Trong dòng người vui mừng đón Bác, Người vẫn nhận ra và không quên nhắc lại kỉ niệm với những người bạn thuở thiếu thời. Mỗi nơi đến thăm, Người đều dành cho cán bộ, Nhân dân, bà con bao tình cảm ân cần, lời dặn dò cụ thể, thiết thực. Không ai có thể nghĩ rằng, đó cũng là lần cuối cùng Người về với quê hương, lần cuối cùng quê hương được đón Người.

Về thăm quê lần này, Bác vui mừng khen ngợi phong trào lao động Nghệ An những năm qua đã thu được nhiều thành tích to lớn trên các mặt; mọi người, mọi nhà, mọi ngành có nhiều cố gắng và tiến bộ. Bác nhắc nhở Đảng bộ tỉnh nhà: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng”, “cố gắng hơn nữa để phát triển kinh tế, trước hết là phát triển nông nghiệp nhằm tự túc lương thực và cung cấp nhiều nguyên liệu cho công nghiệp”. Bác đặt ra những vấn đề lớn về trách nhiệm của Nghệ An đối với cả nước: “Đồng bào và cán bộ cần phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”, “góp phần xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh để thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà”.

Đáp lại tình cảm ân cần, những mong mỏi, lời dạy sâu sắc của Người ngày về thăm quê, Đảng bộ, quân và dân Nghệ An đã tập trung thực hiện Nghị quyết xây dựng cơ sở đảng ở nông thôn, cải tiến hợp tác xã nông nghiệp. Kết quả là, sản lượng lương thực ngay từ năm 1962 đã tăng 4,8%, các vùng kinh tế mới được mở ra như Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu… Nhiều công trình thủy nông, giao thông liên xã, liên huyện được xây dựng, đưa vào sử dụng; Nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đã tạo tiền đề quan trọng để toàn tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Suốt những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã có nhiều đóng góp rất xứng đáng, với tinh thần"thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội; đồng thời làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Kính thưa quý vị đại biểu, thưa đồng bào, đồng chí!

Trong những năm hoạt động xa Tổ quốc, Người vẫn luôn dõi theo, nắm bắt tình hình cụ thể ở trong nước và Nghệ -Tĩnh. Người dìu dắt, trực tiếp lên lớp “Đường cách mệnh” cho nhiều thanh niên quê nhà xuất dương thời bấy giờ, sau này trở thành những học trò xuất sắc, chiến sỹ cộng sản kiên trung, tiêu biểu của Đảng ta như Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai… Người tự hào về một “Nghệ Tĩnh đỏ” đi đầu dậy trước, kiên cường, bất khuất trước sự đàn áp của quân thù.

Trong bộn bề việc nước, Người vẫn luôn nặng lòng với quê hương, thể hiện qua 31 bức thư, 10 bài nói chuyện, 3 bức điện, mà như Bác nói là "Lấy danh nghĩa của một đồng chí già để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm" cho quê hương. Khi quê hương đau thương, Bác gửi điện động viên, thăm hỏi. Khi có thành quả xứng đáng, Bác viết thư khen ngợi, dặn dò. Khi có thiếu sót, khuyết điểm, Bác viết thư chân tình nhắc nhở. Mỗi khi lãnh đạo tỉnh nhà ra Hà Nội công tác, Bác đều dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi tình hình quê hương.

Tiên lượng được sức khỏe của mình, cùng với di chúc để lại cho đất nước và bầu bạn quốc tế, ngày 21/7/1969 - chỉ 42 ngày trước khi “về với thế giới người hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An. Bức thư cuối cùng ấy được Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà coi là bản “Di chúc” Người dành riêng cho cho quê nhà với những lời căn dặn, gửi gắm sâu nặng ân tình, mong muốn cho quê hương phát triển: Nghệ An là tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Và Người không quên: “Nhờ Tỉnh ủy chuyển lời của tôi chúc toàn thể đồng bào, chiến sĩ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong tỉnh mạnh khỏe và cố gắng tiến bộ”.

Tình cảm thiêng liêng, sâu nặng, sự quan tâm tận tình, chu đáo của Người dành cho quê hương là tài sản vô giá, nguồn cổ vũ lớn lao, động lực thôi thúc cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân Nghệ An trên mọi chặng đường cách mạng.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Nghệ An cắt băng khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Duy

Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa đồng bào, đồng chí!

Gắn với Lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai, hôm nay, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Nghệ An vui mừng tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công trình được khởi công xây dựng vào tháng 10/2020, ngay trên nền đất cũ, các vật liệu, kết cấu, hoa văn, họa tiết phỏng theo kiến trúc truyền thống Việt Nam, vừa tôn nghiêm, ấm cúng, vừa mộc mạc, gần gũi. Công trình là sự thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn của người dân xứ Nghệ và đồng bào, chiến sỹ cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Sau một năm tích cực thi công, công trình đã hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ, tạo sự hài hòa, đồng bộ về kiến trúc, cảnh quan trong tổng thể Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên.

Trong hành trình “về nguồn”, mỗi người dân đất Việt về đây được dâng nén hương thơm lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc hẳn đều cảm thấy được gần Người hơn; tự soi sửa, để thấy “lòng ta trong sáng hơn”. Với niềm tự hào và ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước cùng Nhân dân cả nước, Đảng bộ, Nhân dân Nghệ An sẽ mãi gìn giữ di tích lịch sử đặc biệt quý giá này; luôn là địa chỉ để đồng bào, chiến sỹ cả nước hướng về, tìm hiểu quê hương, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang của Bác, nơi bồi dưỡng lòng yêu nước, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nơi bạn bè quốc tế tìm hiểu về cội nguồn của Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, thêm yêu và ủng hộ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta.

Các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thành Duy

Kính thưa quý vị đại biểu! Thưa đồng bào, đồng chí!

Thực hiện mong ước và lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ giúp đỡ của các địa phương và đồng bào cả nước, Đảng bộ, quân và dân Nghệ An đã không ngừng nỗ lực vươn lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, Nghệ An đã vươn lên đứng trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh của cả nước; tạo dựng được nền kinh tế - xã hội ngày càng vững chắc trên các mặt.

Đặc biệt, gần hai năm qua, trước sự ảnh hưởng và tác động của đại dịch Covid-19, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nỗ lực duy trì, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 ước tăng 6,2%. Thu ngân sách Nhà nước thực hiện vượt dự toán. Xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, toàn tỉnh có 300 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 72,99%. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, Quốc phòng – An ninh được giữ vững. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng lên, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh nhà tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện trong giai đoạn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đến nay Nghệ An vẫn chưa là tỉnh “khá” của cả nước. Tốc độ tăng trưởng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của tỉnh. Văn hóa - xã hội có điểm còn bất cập, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền Tây còn cao, đời sống một bộ phận Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. An ninh, trật tự xã hội còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là ở các vùng đặc thù. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và Nhân dân tỉnh nhà nghiêm túc kiểm điểm, thành tâm nhận lỗi với Bác vì vẫn chưa làm trọn được điều Người hằng mong mỏi.

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê là dịp để chúng ta cùng ôn lại và hiểu sâu sắc hơn về tình cảm của Người dành cho quê nhà, những điều dặn dò và mong ước cho quê hương phát triển. Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Nghệ An xin hứa với Bác sẽ tiếp tục nỗ lực hơn, phát huy hơn nữa truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên; tích cực, chủ động đổi mới sáng tạo đưa tỉnh nhà phát triển bền vững. Phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An trở thành tỉnh khá của khu vực phía Bắc; năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.

Nhân dịp này, thay mặt Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An, tôi trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, đơn vị đã dành tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ quý báu cho Nghệ An; mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí, đồng bào cả nước.

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, toàn thể các quý vị đại biểu, đồng bào, đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thắng lợi.

Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Xin trân trọng cảm ơn!

(*Đầu đề do Báo Nghệ An đặt)

Thái Thanh Quý