Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An giám sát về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã
(Baonghean.vn) - Để đảm bảo sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã ở giai đoạn tới hiệu quả, huyện Quế Phong kiến nghị Trung ương ban hành chính sách song hành với đề án sắp xếp.
Chiều 13/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc làm việc với huyện Quế Phong theo chương trình giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vi hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Theo báo cáo của huyện Quế Phong, trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về sáp nhập khối, xóm, bản, huyện có tổng 14 đơn vị hành chính (gồm 13 xã, 1 thị trấn) và 194 khối, xóm, bản.
Việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp chính cấp xã ở huyện Quế Phong được thực hiện: sáp nhập 2 xã Quế Sơn và xã Mường Nọc, thành xã Mường Nọc mới; sáp nhập 3 bản của xã Mường Nọc và 1 bản của xã Tiền Phong vào thị trấn Kim Sơn để đảm bảo đạt cả hai tiêu chí về diện tích, dân số.
Sau khi sắp xếp, huyện Quế Phong hiện có 13 đơn vị hành chính (giảm 1 xã) và 107 khối, xóm, bản (giảm 87 khối, xóm, bản).
Thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn |
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo huyện Quế Phong cùng với xã Mường Nọc và thị trấn Kim Sơn đều khẳng định tính cực. Đây là dịp rà soát, đánh giá, sàng lọc, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, vừa đáp ứng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách cho bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy. Đặc biệt, việc sắp xếp đơn vị hành chính tạo sự hợp lý hơn về địa giới hành chính; đồng thời bổ trợ thêm các điều kiện về kinh tế và con người, tạo thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội cho đơn vị sáp nhập.
Ông Trương Minh Cương - Bí thư Huyện ủy Quế Phong nêu quan điểm tại cuộc giám sát. Ảnh: Mai Hoa |
Sau sắp xếp, hệ thống chính trị ở các đơn vị thuộc phạm vi sắp xếp hoạt động ổn định, hiệu quả và nhân dân yên tâm.
Liên quan đến công tác cán bộ, trong thời gian thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, ở cấp xã đồng thời phải thực hiện Nghị định số 34 của Chính phủ và chủ trương đưa công an chính quy về xã; tuy nhiên với tư tưởng chia sẻ với địa bàn sáp nhập, đến thời điểm này, trong số 22 cán bộ, công chức dôi dư đã được huyện luân chuyển cho các xã khác 12 người; vận động 10 người nghỉ theo chế độ 108 và hiện xã Mường Nọc chỉ còn dôi dư 1 công chức.
Ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh những tác động tích cực, huyện Quế Phong và các cơ sở cũng phản ánh một số hạn chế, đề nghị Quốc hội và tỉnh cần rút kinh nghiệm cho việc sắp xếp ở giai đoạn tiếp theo.
Đó là cần có chính sách đồng bộ hơn song hành với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, bao gồm chính sách cho cán bộ và người dân. Đối với cán bộ, không thể cường độ làm việc cao hơn mà chế độ chính sách vẫn giữ nguyên, thậm chí giảm chế độ như thực tiễn xã Mường Nọc cũ. Đây là xã loại III, sau sáp nhập thuộc xã loại I, tuy nhiên một số cán bộ, công chức giảm chế độ từ 1 - 2 triệu đồng/tháng. Đối với người dân, khi sắp xếp các xã, bản đặc biệt khó khăn vào đơn vị khác thì cần chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, trong đó có chính sách bảo hiểm y tế…
Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Kết luận tại cuộc làm việc, bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quế Phong trong việc triển khai thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Quốc hội cũng như giải quyết các vấn đề hậu sáp nhập.
Đoàn khảo sát tại xã Mường Nọc. Ảnh: Mai Hoa |
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cũng mong muốn huyện Quế Phong tiếp tục quan tâm nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị ở các đơn vị thực hiện sắp xếp; quan tâm giải quyết cán bộ dôi dư; phối hợp với Sở Tài chính để xử lý cơ sở vật chất ở xã và các khối, xóm sáp nhập, tránh lãng phí.
Cùng với đó là quan tâm công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới…, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn sắp xếp.