Nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm chi phí đầu vào cho vụ xuân

Xuân Hoàng 14/12/2021 06:42

(Baonghean.vn) - Trước áp lực các loại phân bón vô cơ tăng giá mạnh, để giảm chi phí đầu vào cho vụ xuân, nông dân Nghệ An tìm cách tạo nguồn phân hữu cơ, sử dụng lượng phân bón vô cơ một cách hợp lý hơn.

Chủ động nguồn phân hữu cơ

Bà Nguyễn Thị Danh ở xóm 4, xã Hậu Thành (Yên Thành) cho hay, gia đình có hơn 4 sào đất sản xuất 2 vụ lúa, các năm trước thường sử dụng lượng phân bón vô cơ vừa đủ để bón cho lúa. Tuy nhiên, do năm nay các loại phân bón vô cơ tăng cao, đặc biệt có những loại phân tăng gấp 3 lần so với năm trước, nên gia đình phải tìm cách giảm chi phí đầu vào, trọng tâm là tăng lượng phân bón hữu cơ, giảm lượng phân bón vô cơ. Do vậy, mấy tháng nay, gia đình bà Danh tận dụng nguồn chất thải của 2 con trâu và đàn gà gần 100 con để ủ phân hữu cơ.

Bà con nông dân tập trung cày ải đất vụ xuân. Ảnh Xuân Hoàng
Bà con nông dân tập trung cày ải đất vụ xuân. Ảnh: Xuân Hoàng

“Hàng ngày cho trấu, rơm vào chuồng trâu, chuồng gà, sau thời gian ngắn, thu dọn chuồng trại, toàn bộ chất thải đổ tập trung vào hố để ủ thành phân. Dự kiến vụ đông xuân này, gia đình sản xuất được trên 1 tấn phân hữu cơ bón cho lúa, giảm đáng kể một lượng phân vô cơ so với trước. Đối với các loại phân vô cơ, do phân đạm tăng quá cao, nên gia đình giảm lượng phân đạm, tăng lượng phân tổng hợp (NPK), nhằm giảm chi phí tiền mua phân”, bà Nguyễn Thị Danh chia sẻ.

Một số bà con nông dân ở huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu… cho rằng, để cây lúa phát triển ổn định, cứng cáp, ngoài phân vô cơ, cũng cần phân chuồng, nên vụ này tập trung tăng lượng phân hữu cơ để giảm chi phí. Hiện nay, nhiều gia đình đã chủ động đến các trang trại chăn nuôi bò để mua phân về ủ với rơm. Bà con nông dân cũng mong muốn, HTX nông nghiệp cần kịp thời liên hệ với đại lý đầu mối để cung ứng phân bón vô cơ cho bà con nông dân với giá thấp nhất.

Nông dân Tân Phú (Tân Kỳ) sử dụng phân hữu cơ bón cho cây ăn quả thay thế đạm, lân, ka li. Ảnh tư liệu Thanh Phúc

Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Vụ xuân này toàn huyện gieo cấy hơn 9.000 ha lúa. Trước áp lực các loại phân vô cơ tăng giá mạnh, huyện chỉ đạo các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, vi sinh; đồng thời giảm phân đạm, tăng lượng phân bón tổng hợp để cây lúa phát triển khỏe hơn, giảm được sâu bệnh. Trước đây, nhiều gia đình bón lượng phân đạm quá nhiều, dẫn đến lúa phát triển bộ lá, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển và năng suất lúa cũng bị giảm.

Dù mang lại lợi ích "kép" song việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa được nhân ra diện rộng. Ảnh tư liệu Thanh Phúc

Hiện nay, nhiều gia đình không duy trì chăn nuôi trâu, bò… do vậy, để có lượng phân chuồng để bón cho ruộng, các hộ dân cần chủ động đến các trang trại chăn nuôi bò để mua phân chuồng. Đây cũng là giải pháp giảm chi phí đầu vào khi phân bón vô cơ tăng giá cao.

Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu

Kết hợp bón vôi bột để cải tạo đất

Ông Nguyễn Tiến Đức – Trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV khuyến cáo: Trước tình hình các loại phân bón vô cơ tăng giá mạnh, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư vào sản xuất của bà con nông dân, do vậy vụ lúa xuân tới, bà con cần tăng cường hàm lượng phân bón hữu cơ để bón cho lúa.

Sau khi cày ải, bà con bón vôi để xử lý sâu bệnh và cải tạo đất. Ảnh Xuân Hoàng
Sau khi cày ải, bà con bón vôi để xử lý sâu bệnh và cải tạo đất. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo đó, các loại phân chuồng trâu, bò, lợn, gà… ủ trong thời gian nhất định để bón; kết hợp tăng cường bón vôi bột để cải tạo đất, tạo độ thông thoáng cho bộ rễ phát triển tốt hơn. Đối với phân bón vô cơ là không thể thiếu đối với cây lúa, song bà con cần cân đối lượng phân thật hợp lý, có thể giảm phân đạm, tăng phân tổng hợp.

Ngoài ra, bà con cần áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI, nhằm nâng cao năng suất và giảm chi phí trong thâm canh lúa. Việc áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI sẽ giúp người dân tiết kiệm khoảng 30% lượng giống, tiết kiệm nước tưới (từ 40-50%), giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất hơn 10-15% so với sản xuất thông thường và cải thiện đáng kể thành phần cơ giới đất. SRI được nông dân đón nhận áp dụng bởi các kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện như cấy mạ non, cấy thưa, cấy 1 dảnh, điều tiết nước theo giai đoạn sinh trưởng, làm cỏ sục bùn và tăng cường sử dụng phân hữu cơ.

Xuân Hoàng