Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại huyện Nam Đàn
(Baonghean.vn) - Trong những vấn đề kiến nghị Quốc hội và tỉnh, huyện Nam Đàn đề xuất cho thành lập trung tâm hành chính công và điểu chỉnh tăng định biên người làm việc đối với loại hình thị trấn đô thị loại V.
Thực hiện chương trình giám sát việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 17/12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có cuộc làm việc tại huyện Nam Đàn. Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Triển khai Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của Quốc hội, huyện Nam Đàn có 8 xã, thị trấn được sắp xếp; trong đó sắp xếp 3 xã Nam Cường, Nam Trung, Nam Phúc thành xã Trung Phúc Cường; sắp sếp 3 xã Nam Lộc, Nam Tân, Nam Thượng thành xã Thượng Tân Lộc; sáp nhập xã Vân Diên và một phần diện tích, dân số xã Nam Thượng vào thị trấn huyện Nam Đàn. Như vậy sau sắp xếp, huyện Nam Đàn từ 24 xã, thị trấn còn 19 xã, thị trấn.
Theo khẳng định của lãnh đạo huyện Nam Đàn, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã quy mô nhỏ là chủ trương đúng đắn, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hợp lý hơn; giảm nguồn chi từ hoạt động hành chính, chi trả lương, phụ cấp và giảm nguồn đầu tư cho xây dựng, tu sửa, nâng cấp khu trung tâm hành chính, trường học, trạm y tế hàng năm; đồng thời nâng cao chất lượng, trách nhiệm giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn. Ảnh: Mai Hoa |
Sau sắp xếp, huyện quan tâm ưu tiên đầu tư các công trình thiết yếu cho các xã sáp nhập với tổng 58 công trình lớn nhỏ, tổng kinh phí hơn 150 tỷ đồng, bao gồm hệ thống giao thông kết nối, trường học, y tế, trụ sở, nhà văn hóa…
Huyện cũng tập trung sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập với tổng 40 người; trong đó cử biệt phái 19 người, điều động đi các đơn vị khác 9 người và nghỉ theo chính sách.
Ông Trần Nhật Minh - Đại biểu chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị huyện Nam Đàn làm rõ phương án xử lý cán bộ, công chức và cơ sở vật chất dôi dư. Ảnh: Mai Hoa |
Bên cạnh những mặt tích cực, sau sắp xếp đặt ra nhiều khó khăn, bất cập. Đặc biệt là bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư là vấn đề cực kỳ khó, liên quan đến chọn lựa ai đi, ai ở cũng là một vấn đề; phương án sắp xếp như thế nào khi các xã không thuộc diện sắp xếp cơ bản ổn định về bộ máy.
Mặt khác, chính sách cho cán bộ, công chức đảm nhận công việc ở các xã sáp nhập khi địa giới hành chính rộng hơn, dân số lớn hơn và khối lượng công việc nhiều hơn, nhưng chế độ, chính sách vẫn giữ nguyên.
Chính sách hỗ trợ đầu tư cho các xã sáp nhập, từ Trung ương đến tỉnh chưa quan tâm. Phương án xử lý trụ sở, trường học và trạm xá, nhà văn hóa xóm dư thừa chưa thực hiện đồng bộ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn nêu một số đề xuất với Quốc hội và tỉnh. Ảnh: Mai Hoa |
Trên cơ sở trao đổi của các thành viên đoàn giám sát, kết luận tại cuộc làm việc, bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận sự quyết liệt, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương sáp nhập của huyện Nam Đàn. Trong quá trình chỉ đạo đã chú trọng lộ trình triển khai, quan tâm công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Huyện cũng đã quan tâm sắp xếp cán bộ, công chức sau sáp nhập, đảm bảo ổn định tư tưởng và vận hành bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; thực hiện các chế độ chính sách của Trung ương và tỉnh kịp thời.
Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng mong muốn huyện tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn cho cơ sở liên quan đến giải quyết cán bộ, công chức và cơ sở vật chất dôi dư; quan tâm đến công tác quy hoạch kinh tế - xã hội gắn với khai thác hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển toàn diện ở các địa phương sáp nhập.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận các đề xuất của huyện và khẳng định, những kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh thì trong quá trình làm việc với UBND tỉnh, đoàn sẽ đề xuất; những kiến nghị thuộc Trung ương, đoàn sẽ nghiên cứu báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghiên cứu, trong đó có đề xuất thành lập trung tâm hành chính công và điểu chỉnh tăng định biên người làm việc đối với loại hình thị trấn đô thị loại V.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khảo sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ và Nhân dân. Ảnh: Mai Hoa |