Những thử thách 'giới hạn đỏ' trong quan hệ Nga - Mỹ
Nga và Mỹ đã trải qua một năm thử thách những giới hạn đỏ của nhau giữa bối cảnh hiện chưa có đột phá nào về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.
Chiến lược răn đe kép
Việc Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền đã cho thấy cả tính liên tục và những điểm mới trong chính sách của Nhà Trắng. Các ưu tiên chính của chính quyền hiện tại liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội nội bộ mà Mỹ phải đối mặt. Washington đang cố gắng cắt giảm các cam kết quân sự quá đà và đã tăng cường hợp tác với các đồng minh. Mỹ đã kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan, cũng như đang tìm cách xây dựng lại thỏa thuận hạt nhân Iran.
Mỹ cũng tiếp tục tăng ngân sách cho Lầu Năm Góc và thực hiện chiến lược ngăn chặn kép với Trung Quốc và Nga. Với chiến lược răn đe kép của mình, Washington đang thúc đẩy Moscow và Bắc Kinh trở thành một liên minh quân sự, mặc dù hai nước không nỗ lực tạo ra một liên minh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty |
Cần lưu ý rằng những khía cạnh mới cũng đã xuất hiện trong cách tiếp cận của Mỹ với Nga. Ông Biden ngay lập tức đồng ý gia hạn Hiệp ước START trong 5 năm và tại Hội nghị Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6/2021 ở Geneva, hai bên đã bắt đầu đàm phán về ổn định chiến lược và đệ trình một nghị quyết chung về an ninh mạng lên Liên hợp quốc. Chính quyền Tổng thống Biden đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với "Dòng chảy phương Bắc 2". Trong nửa đầu năm nay, thương mại giữa Mỹ và Nga đã tăng khoảng 50% so với năm 2020.
Trong năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có hai cuộc hội đàm cấp cao, một lần trực tiếp và một lần trực tuyến. Kết quả đáng chú ý trong các cuộc gặp là hai bên nhất trí khởi động các cuộc đối thoại về ổn định chiến lược và an ninh thông tin, trong đó đáng chú ý là việc nhất trí về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Các chủ đề thảo luận về vũ khí và an ninh mạng cũng đang ở giai đoạn khởi đầu.Định hình “lằn ranh đỏ”
Khủng hoảng Ukraine và thiếu tiến bộ trong việc thực hiện các thỏa thuận Minsk là vấn đề quan trọng nhất trong cuộc đàm phán mới đây giữa nguyên thủ Nga và Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ quan ngại về việc Nga tập trung số lượng lớn quân nhân và khí tài ở biên giới với Ukraine và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có trong trường hợp "Nga gây hấn với Ukraine". Ông Biden đã tiết lộ kế hoạch của Mỹ trong trường hợp Nga "xâm lược" Ukraine. Theo đó, Washington sẽ triển khai lực lượng tới các nước NATO Đông Âu gồm Bulgaria, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania, Slovakia, Séc và Estonia.
Ukraine là mắt xích quan trọng trong kế hoạch của Washington nhằm cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng khu vực Đông Âu, song giới lãnh đạo Mỹ khẳng định chưa bao giờ có kế hoạch cử quân đội tới Ukraine.
Tuy nhiên, đối với Nga, vấn đề Ukraine là "lằn ranh đỏ" mà Nga không ít lần công khai tuyên bố. Nga đã yêu cầu Mỹ không vượt qua "lằn ranh đỏ" mà Nga xác định dựa trên lợi ích quốc gia của mình.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý rằng việc Ukraine gia nhập NATO sẽ trở thành "lằn ranh đỏ" đối với Moscow, nhấn mạnh rằng những nỗ lực biến Ukraine thành bàn đạp để đối đầu với Nga tiềm ẩn nhiều hậu quả tiêu cực, cho rằng hành động như vậy của NATO gây bất ổn cho tình hình quân sự - chính trị ở châu Âu.
Sự mở rộng của NATO về phía Đông
Việc NATO mở rộng liên minh về phía Đông hiện là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong quan hệ song phương. Nga đặc biệt quan ngại về vấn đề này và cảnh báo hậu quả của bước đi như vậy sẽ rất thảm khốc. Phía Nga cho rằng, trong 10 năm qua, NATO đã không ngừng mở rộng Liên minh, đi ngược lại với cam kết trước đó là không mở rộng về phía Đông.
Tổng thống Nga đã nêu vấn đề về sự cần thiết của những đảm bảo pháp lý để NATO không mở rộng sang phía Đông, đồng thời nhấn mạnh rằng, đây là một trong những vấn đề quan trọng trong việc đảm bảo an ninh của Nga trong trung hạn và thậm chí là từ quan điểm chiến lược. Việc NATO mở rộng sang phía Đông là điều không thể chấp nhận được đối với Moscow.
Theo ông Putin, mỗi quốc gia có quyền lựa chọn cách để đảm bảo an ninh của mình, nhưng điều này cần được thực hiện sao cho không xâm phạm lợi ích của các bên khác và không làm suy yếu an ninh của các quốc gia khác, trong trường hợp này là Nga.
Mới đây, Bộ Ngoại giao Nga công bố dự thảo thỏa thuận với Mỹ và NATO về đảm bảo an ninh. Theo Dự thảo thỏa thuận, các nước NATO cần cam kết loại trừ Ukraine gia nhập liên minh và mở rộng hơn nữa liên minh. Mỹ cần phải cam kết không mở rộng NATO hơn nữa về phía Đông và không kết nạp các quốc gia trước đây là thành viên của Liên Xô cũ. NATO không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào trên lãnh thổ Ukraine và các quốc gia khác ở Đông Âu, Ngoại Kavkaz và Trung Á.
Ngoài ra, Nga và NATO cam kết không tạo ra những điều kiện có thể bị phía bên kia coi là mối đe dọa. Bên cạnh đó, các bên xác nhận rằng không coi nhau là đối thủ. Các bên tham gia thỏa thuận duy trì đối thoại và tương tác để cải thiện các cơ chế ngăn ngừa sự cố trên biển, trên không, trước hết là ở khu vực Baltic và Biển Đen.
Các bên loại trừ việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn trên mặt đất ở các khu vực có khả năng tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ của các bên khác trong hiệp ước. Moscow đang yêu cầu rút lại quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2008 về việc Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên của liên minh.
Nga đe dọa sử dụng những biện pháp chưa từng có nếu Mỹ và NATO tiếp tục có những hành động khiêu khích và phớt lờ đề nghị của Moscow.
Bế tắc đàm phán thị thực
Các cuộc đàm phán về vấn đề thị thực với Mỹ vẫn chưa có hồi kết. Nga cho rằng, phía Mỹ không muốn đưa ra quyết định rõ ràng và đơn giản, đó là gửi nhân sự cần thiết đến Nga trong khuôn khổ hạn ngạch nhằm khôi phục chế độ phục vụ bình thường cho công dân Nga, thay vào đó Mỹ đưa ra các cáo buộc vô lý cho rằng Moscow đang cản trở Mỹ.
Câu chuyện thị thực ngoại giao cũng là một vòng luẩn quẩn. Hai bên chưa thể tìm ra tiếng nói chung, ngược lại gia tăng các hạn chế hoạt động của nhau. Ngày 1/12, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thông báo rằng một nhóm nhân viên của cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tại Moscow sẽ rời khỏi lãnh thổ Liên bang Nga trước ngày 1/7/2022, nếu phía Mỹ không nhượng bộ để giải quyết khủng hoảng ngoại giao. Trước đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết Washington đã thông báo trục xuất 27 nhà ngoại giao Nga cùng gia đình và họ phải về nước muộn nhất là vào ngày 30/1/2022.
Triển vọng khó dự báo
Còn quá sớm để kết luận rằng, có một bước ngoặt triệt để trong quan hệ Nga-Mỹ sau những cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai bên. Theo quan điểm của Nga, triển vọng cải thiện quan hệ khó có thể đoán trước. Đây là một kết luận đáng buồn dựa trên kết quả của chặng đường dài quan hệ Nga -Mỹ ở thời điểm hiện tại, cũng như dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và Barack Obama.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov lưu ý rằng, điều này là do Mỹ muốn can thiệp và áp đặt các phương pháp tiếp cận của riêng mình đối với Nga và từ chối nước này như một nhân tố trong đời sống quốc tế. Ông Ryabkov không đưa ra những dự báo lạc quan liên quan đến việc bình thường hóa quan hệ, đồng thời nhấn mạnh rằng trong tình hình hiện nay Moscow đã sẵn sàng cho những kịch bản tiêu cực.
Những cuộc gặp Thượng đỉnh gần đây rõ ràng không phải là để khởi động lại quan hệ, như dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden đã làm vào năm 2009 sau cuộc chiến Nga - Gruzia. Thay vào đó, có thể thấy nỗ lực để thống nhất các quy tắc cạnh tranh, như Mỹ và Liên Xô đã làm vào đầu những năm 1970, bằng cách ký một hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược và ký kết một loạt các hiệp định nhằm ngăn chặn chiến tranh. Điều này đặt ra những câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp. Không rõ cấu trúc tương ứng mà hai bên hướng đến là gì. Đó là một cơ chế song phương hay cấu trúc bao gồm năm quốc gia hàng đầu của phương Tây hay Hội đồng Nga - NATO?
Cũng chưa có tiền lệ về các nghĩa vụ pháp lý của NATO để từ bỏ việc mở rộng về phía Đông. Về mặt lý thuyết, các cam kết như vậy có thể được thực hiện bởi các quốc gia thành viên NATO, vốn phải được quốc hội của 30 quốc gia phê chuẩn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, một kịch bản như vậy rất khó xảy ra./.