'Sự mới' của phụ nữ bản Huồi Viêng
(Baonghean.vn) - Đã qua cái thời phụ nữ Mông ngày ngày cúi mặt trên nương rẫy, tối quanh quẩn xó bếp! Kỳ này lên xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn), được nghe bao chuyện vui về cái “sự mới” của phụ nữ bản Huồi Viêng...
Mỗi người là một tuyên truyền viên
Huồi Viêng là bản có vị trí quan trọng trong phòng thủ bảo vệ vùng biên của xã Đoọc Mạy. Bản có 93 cán bộ, hội viên, phụ nữ người Mông. Trong đó, 30 chị là thành viên Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”. “Biên giới bình yên thì bản, làng mới bình yên, trách nhiệm bảo vệ biên giới là của toàn dân, bởi vậy, phụ nữ cũng không thể đứng ngoài cuộc”- đó là lời khẳng định của chị Vừ Y Ca - Chủ nhiệm Câu lạc bộ, là một phụ nữ Mông nhanh nhẹn, đầy thân thiện.
Bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: HT |
Được thành lập vào năm 2017, đến nay, Câu lạc bộ đã có 30 thành viên. Định kỳ 3 tháng 1 lần, Câu lạc bộ sinh hoạt với các nội dung tuyên truyền, vận động chị em, bà con nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật liên quan đến biên giới quốc gia, khuyến cáo nhân dân không vi phạm quy chế biên giới, xuất, nhập cảnh trái phép; không sa vào tệ nạn xã hội như ma túy, buôn bán phụ nữ, tham gia xây dựng bản, làng văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh...
Câu lạc bộ còn phối hợp với Đồn Biên phòng Na Loi và các cấp hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền, xóa nhổ cây lá ngón, nâng cao nhận thức, bài trừ tư tưởng cố hữu còn tồn tại trong cộng đồng, đó là dùng cái chết bằng lá ngón để giải thoát của một bộ phận người dân miền núi.
Qua các buổi sinh hoạt, các thành viên Câu lạc bộ là phụ nữ Mông đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới. Mỗi khi đi nương, đi rẫy phát hiện điều gì bất thường chị em đều kịp thời báo cho chính quyền và lực lượng chức năng để xử lý. Hội viên Câu lạc bộ còn tham gia công tác tuần tra đường biên, cột mốc, bảo vệ biên giới với lực lượng biên phòng đóng chân trên địa bàn.
Mỗi khi đi nương, đi rẫy phát hiện điều gì bất thường thành viên CLB "Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới" bản Huồi Viêng đều kịp thời báo cho chính quyền và lực lượng chức năng để xử lý. Ảnh CCCS |
Các chị cũng là tuyên truyền viên tích cực động viên người thân trong gia đình, bà con dân bản chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, thực hiện tốt các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19. Các chị còn tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hoạt động khác tại địa phương...
Hội viên CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” bản Huồi Viêng vừa tham gia bảo vệ biên giới vừa giúp nhau phát triển kinh tế. Ảnh CSCC |
Sau 5 năm hoạt động, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, của Hội Phụ nữ xã và Đồn Biên phòng Na Loi, Câu lạc bộ đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động để thu hút hội viên tham gia như: xây dựng mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” hỗ trợ phụ nữ khó khăn.
Cứ mỗi buổi sinh hoạt Câu lạc bộ chị em lại mang theo mỗi người 1 túi gạo bỏ vào hũ. Chị Vừ Y Xía ở bản Huồi Viêng - người mới nhận được gần 30 kg gạo của chị em trong Câu lạc bộ xúc động chia sẻ: “Việc giúp đỡ nhau thể hiện sự sẻ chia, đùm bọc, yêu thương lẫn nhau của các thành viên, nên tôi xúc động lắm, tự hứa sẽ vượt qua khó khăn để vươn lên...”.
Phụ nữ xã Đoọ̣c Mạy tham gia bảo vệ an ninh biên giới với cán bộ, chiến sỹ đồn BP Na Loi. Ảnh tư liệu Hoài Thu. |
Qua trao đổi, chị Lầu Y Dụ - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đoọc Mạy cho hay: Lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hội viên Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” của bản Huồi Viêng đã thường xuyên phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã và các chi hội đoàn thể quyên góp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm lên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lực lượng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 tại các chốt biên giới Việt Nam - Lào.
Không cam chịu đói nghèo
Không chỉ tham gia bảo vệ an ninh trật tự bản làng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, phụ nữ bản Huồi Viêng còn mạnh dạn đổi mới tư duy giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.
Mô hình trồng rau sạch đem lại nguồn thu nhập ổn định cho phụ nữ bản Huồi Viêng, Xã Đoọc Mạy. Ảnh CSCC |
Chúng tôi được Chủ nhiệm Vừ Y Ca dẫn xuống thăm mô hình trồng rau xanh của chị em trong Câu lạc bộ. Chị Vừ Y Ca cho biết: Sau nhiều trăn trở, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ quyết định chia làm 2 nhóm để phát triển kinh tế tùy theo nguyện vọng và điều kiện thực tế của chị em. Nhóm 1 gồm 10 hội viên sẽ góp 1 người 1 triệu đồng để ủng hộ nhau mua bò giống.
Đến nay, sau 5 năm nhóm đã mua được 10 con bò cho 10 hội viên, với tổng trị giá hơn 150 triệu đồng. Bò phát triển tốt, một số con đã sinh sản. Nhóm 2 đông hơn, gồm 20 hội viên tận dụng triền núi, triền đồi thực hiện mô hình trồng rau, chủ yếu là rau cải Mông và dưa sạch, trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 100 triệu đồng. Tổng thu nhập những năm trước cho đến nay hơn 450 triệu đồng.
Bên cạnh trồng rau sạch, thành viên CLB "Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia" bản Huồi Viêng còn giúp nhau phát triển chăn nuôi. Ảnh CSCC |
Rau được tiêu thụ ở xã Huồi Tụ, thị trấn Mường Xén và có khi bán cả ở dưới xuôi. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên việc tiêu thụ rau trên diện tích khoảng 4 héc-ta của chị em trong Câu lạc bộ gặp khó khăn, nhưng hiện tại, mô hình đang tiếp tục khai thác, ước tính sẽ cho thu nhập 65 triệu đồng hết năm 2021. Như trong năm có chị Vừ Y Lầu thu hoạch dưa trong 1 vụ được 11 triệu đồng, chị Và Y Xì được 11 triệu đồng, chị Lỳ Y Dở được 8 triệu đồng, chị Vừ Y Xía được 8 triệu đồng, chị Hờ Y Xồng được 7 triệu đồng...
Những vườn cải không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn tạo cảnh quan đẹp ở bản Huồi Viêng. Ảnh CSCC |
Nhờ chăm chỉ, mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhiều gia đình hội viên phụ nữ Mông ở bản Huồi Viêng trở thành điển hình phát triển kinh tế ở thôn, bản. Như gia đình chị Hờ Y Xồng với trang trại nuôi 30 con bò, 15 con trâu; gia đình chị Lầu Y Pà nuôi 30 con trâu, 15 con bò...
Tiếng lành đồn xa, nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của hội viên Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” ở bản Huồi Viêng đã được ghi nhận khi mô hình phát triển kinh tế không chỉ thu hút các địa phương đến tham quan, học tập kinh nghiệm mà năm 2021 còn được Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kỳ Sơn tặng Giấy khen cho mô hình khởi nghiệp tiêu biểu.
Mô hình rau sạch của phụ nữ bản Mông Huồi Viêng thu hút nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đến tham quan, học tập. Ảnh CSCC |
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vi Văn Khuôn - Bí thư Đảng ủy xã Đoọc Mạy nói: Với nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” bản Huồi Viêng đã giúp nhiều gia đình hội viên phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự bản, làng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Một góc bản Huồi Viêng, xã biên giới Đoọc Mạy, Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu H. T. |
Đó còn là tín hiệu vui cho thấy, phụ nữ Mông ở các bản, làng biên giới ngày càng có nhiều đổi mới trong nếp nghĩ, nếp làm, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong gia đình và trong cộng đồng.