Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự thống nhất trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII*
Nhân dịp năm mới 2022, hướng tới kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930-3/2/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam.
Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư, tiếp theo thành công của Đại hội, việc nghiên cứu, học tập quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công việc hết sức cần thiết. Vậy trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, công việc đó được triển khai như thế nào?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đại hội XIII của Đảng đã hội tụ uy tín của Đảng, tầm nhìn và khát vọng của dân tộc, niềm tin của nhân dân, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đất nước cho 5-10 năm tới và đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhưng không phải Đại hội bế mạc là coi như xong. Đây mới chỉ là bước mở đầu, có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đó mới là thành công thực tế của Đại hội. Cho nên, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội là công việc hết sức hệ trọng, phải được thực hiện rất nghiêm túc, quyết liệt, bài bản.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN. |
Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XV đã tổ chức 2 kỳ họp; Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành Nội chính, Văn hóa, xây dựng Đảng, Đối ngoại đã lần lượt tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tất cả các hội nghị đều được chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, bài bản, thể hiện phương thức, cách làm mới, khoa học, có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo đúng tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng” và “dọc ngang thông suốt”.
Tiếp sau các hội nghị này, các cấp ủy và tổ chức đảng các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình; phải làm hết sức thiết thực, tránh hời hợt, hình thức.
Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu phải gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo sự thống nhất cao trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sớm đi vào cuộc sống, hướng tới mục tiêu xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, nhân dân ta ngày càng hạnh phúc; Đất nước ta ngày càng phát triển, phồn vinh.
Phóng viên: Thưa Tổng Bí thư, chúng ta đã từng bàn nhiều, làm nhiều về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, không thể chỉ làm trong một sớm một chiều, mà phải tiến hành một cách căn cơ, bài bản. Xin Tổng Bí thư cho biết, bước vào nhiệm kỳ Đại hội XIII, công việc này tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện như thế nào?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu quan trọng gắn liền với sự phát triển của Đảng, của dân tộc. Nhất là từ khi bước vào công cuộc Đổi mới năm 1986, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII); Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII)...
Trong 3 nhiệm kỳ trở lại đây (khóa XI, XII, XIII), các Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều bàn và ban hành những nghị quyết, kết luận hết sức quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lần sau sâu sắc, toàn diện và cụ thể, rõ ràng hơn so với lần trước, đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được nhân dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, góp phần rất quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, thiếu tu dưỡng và rèn luyện, dẫn đến suy thoái biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước, đến mức phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
Trong khi đó, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức to lớn, nặng nề, đòi hỏi Đảng ta phải tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức là văn minh”, đủ sức lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn. Chính vì vậy, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trên cơ sở kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng của các Nghị quyết Trung ương trước đây, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã được ban hành nhằm đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Điểm mới nổi bật của Kết luận Trung ương 4 lần này là thực hiện đồng bộ giữa xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; giữa xây dựng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân; không chỉ ngăn chặn, mà từng bước đẩy lùi, xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện suy thoái, biến chất trong cán bộ, đảng viên. Kết luận Trung ương 4 lần này đã mở rộng phạm vi, không chỉ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà còn bao gồm cả xây dựng hệ thống chính trị; không chỉ đối với đảng viên và các cấp ủy, tổ chức đảng, mà còn mở rộng ra đối với cán bộ, công chức, viên chức, các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị, nhất là ở các cơ quan thực thi pháp luật, những đối tượng có chức, có quyền, những nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, bổ sung, làm rõ hơn hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp với tình hình mới.
Cùng với Kết luận Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đã bổ sung, hoàn thiện, ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, như: Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, thay thế Quy định số 47-QĐ/TW trước đây; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
Đây là những quy định được ví như những “biệt dược” giúp chúng ta phòng, chống, ngăn ngừa và đặc trị các loại bệnh tật phát sinh trong cơ thể của Đảng và hệ thống chính trị, giúp cho cán bộ, đảng viên tăng cường sức đề kháng, không bị tha hóa, biến chất; đồng thời giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng...
Phóng viên: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế-xã hội, nỗ lực thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, xin Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có những chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời như thế nào?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bộ Chính trị, Ban Bí thư thường xuyên theo dõi và chỉ đạo kịp thời với nhiều quyết định cụ thể. Tựu trung lại có 3 nhóm vấn đề chính: (1) Nhóm vấn đề về các giải pháp phòng, chống dịch. (2) Nhóm vấn đề về bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân. (3) Nhóm vấn đề về phục hồi phát triển kinh tế. Mặc dù chúng ta còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song đến nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát; mọi mặt của đời sống xã hội và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội... đã dần thích ứng với điều kiện mới. Có được thành quả này phải khẳng định là các công việc chúng ta triển khai khá đồng bộ từ Trung ương Đảng đến Quốc hội, Chính phủ và điều quan trọng là các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước đã chung sức đồng lòng, triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để kiểm soát, ngăn chặn đại dịch và bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng trên các lĩnh vực; các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026... diễn ra an toàn, thành công rất tốt đẹp.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình sẽ còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, đòi hỏi chúng ta phải chủ động hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023.
Tôi tin tưởng rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!
Nhân dịp Xuân mới-Nhâm Dần, cũng là kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (3/2/1930-3/2/2022), thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi thân ái gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư. Kính chúc Tổng Bí thư và gia đình năm mới mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng và nhiều thành công mới!
* Đầu đề do Báo Nhân Dân đặt