Khát vọng chinh phục tri thức của nữ sinh giải Nhất 'Tuổi trẻ học tập và làm theo Bác'
(Baonghean.vn) - Ở tuổi 18, Trần Thương Huyền đã thực hiện ước mơ chinh phục tri thức của mình khi giành giải Nhất “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Không ngại thử thách
Trần Thương Huyền năm nay đang học lớp 12C7 chuyên Anh - Nhật của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. 3 năm trước, khi đậu “Á khoa” vào lớp chuyên này, Huyền đã phải thuyết phục bố mẹ cho em từ quê nhà xã Long Sơn (Anh Sơn) xuống TP. Vinh học, bởi Huyền không đủ điểm trúng tuyển nguyện vọng 1. Ngày ấy lời hứa của Huyền cũng rất rõ ràng, đó là em sẽ cố gắng học, cố gắng phấn đấu để có một thành tích nổi bật…
Trần Thương Huyền hiện là học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Ảnh: MH |
Bố là bộ đội thường xuyên vắng nhà, mẹ là giáo viên tiểu học phải đi dạy xa, nên “người bạn” gần gũi của Huyền là những cuốn sách. 4 tuổi em đã đọc thông, viết thạo. Có nền tảng từ bé, nên những năm phổ thông học ở huyện Huyền học rất giỏi và dường như “thi đâu thắng đó”. Nổi bật nhất có lẽ là giải Nhất 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh năm lớp 6 và giải Nhất các môn Toán, tiếng Anh, Sinh học năm lớp 8 tại Kỳ thi học sinh giỏi huyện. Năm lớp 9, Huyền thi học sinh giỏi tỉnh và đậu giải Ba môn tiếng Anh. Huyền quyết định chọn chuyên Anh cũng là vì vậy, dù em có thể học tốt cả môn Toán và các môn khác.
Trúng tuyển vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Huyền đã thực hiện được ước mơ của mình, đó là được tham dự vào sân chơi của Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Huyền chia sẻ: “Em đã theo dõi cuộc thi này từ những ngày nhỏ và em ước mơ vào Trường Phan, bởi năm em học lớp 10 là năm đầu tiên cầu truyền hình này về với trường. Sau đó, em đã viết đơn xin gia nhập vào câu lạc bộ với tâm nguyện “muốn được thử thách ở cuộc thi này”…
Trần Thương Huyền (nữ, áo trắng) là một nữ sinh đam mê chinh phục kiến thức. Ảnh: Đức Anh |
Trong số những thí sinh đăng ký tham dự vòng thi cấp trường ở Trường Phan cách đây 2 năm, Huyền còn là một thí sinh đặc biệt, bởi em đảm nhận 2 vai “vừa làm công tác truyền thông, vừa là thí sinh chính thức”. Bước vào các vòng thi, Huyền cũng đã chứng tỏ được sự hiểu biết và bản lĩnh của mình và em chỉ chấp nhận thua thí sinh Việt Hà (sau này vào đến vòng quý của Cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2020) và về Nhì với thành tích cao điểm nhất.
Với khát khao chinh phục tri thức, sau thất bại này, Huyền đã từng nghĩ trở lại huyện Anh Sơn học để lại có cơ hội được tham dự cuộc thi của VTV như một số học sinh khác của trường. Nhưng rồi, cuộc trò chuyện với người anh Đậu Huy Minh - thí sinh đầu tiên của Nghệ An đạt giải Nhất Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã khơi gợi cho Huyền một khát khao mới…
Trần Thương Huyền tìm hiểu các kiến thức qua sách vở. Ảnh: MH |
Tự hào vì được sinh ra trên quê hương của Người
Đậu Huy Minh cũng chính là người đã “thổi lửa” cho rất nhiều học sinh xứ Nghệ với khát vọng được chinh phục cuộc thi ý nghĩa này. Cá nhân Huyền, ngay khi biết đến cuộc thi, em đã tự tìm kiếm rất nhiều tài liệu về Bác và xem đây gần như là một môn học chính khóa ở trường. Lần đầu tiên Huyền tham dự cuộc thi là năm lớp 11 và em đã xuất sắc đi tới vòng bán kết. Tuy nhiên, có lẽ vì chưa may mắn nên năm 2020 em không đi được đến vòng thi cuối cùng, dù điểm số của Huyền vẫn nằm trong tốp đầu.
Bước sang năm lớp 12, khi quyết định tham dự lần 2, Huyền khá băn khoăn, bởi khi đã đến với cuộc thi em xác định sẽ phải “thi đến nơi đến chốn”. Trong khi đó, đây là năm học cuối cấp và trước mắt Huyền sẽ còn nhiều kỳ thi rất khó khăn đang chờ. Để đến với vòng thi chung kết cuối cùng, Huyền đã trải qua nhiều cuộc thi vòng loại và liên tục trong 4 tuần liên tục, Huyền đã giành điểm tuyệt đối ở tất cả các vòng. Ở vòng bán kết, em có phần thi rất xuất sắc và vượt qua hàng nghìn thí sinh, trở thành thí sinh duy nhất ở Nghệ An được chọn tham dự vòng thi chung kết.
Trần Thương Huyền cùng cô giáo và chị gái tại lễ tuyên dương học sinh đạt giải Nhất cuộc thi Tuổi trẻ "Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: MH |
Vòng thi cuối cùng cũng là vòng thi khó khăn nhất, bởi ở vòng thi này, mỗi tỉnh chỉ chọn 1 thí sinh và mỗi người chỉ có 10 ngày để chuẩn bị. Trong khi đó, số câu hỏi nhiều và mức độ khó cũng tăng lên rất nhiều so với vòng thi trước. Nhớ lại cuộc thi, Huyền chia sẻ: Hôm thi cuối cùng, em được nhà trường tạo điều kiện một mình 1 phòng thi. Hoàn thành phần thi, với hơn 8 phút, em đã thực hiện chính xác 29/30 câu và đã nghĩ rằng mình không thể chiến thắng vì tất cả thí sinh đều rất giỏi”…
Sau khi biết kết quả, vì không tự tin vào bản thân, Huyền đã chia sẻ cảm xúc của mình và em đã nhận được rất nhiều lời động viên từ thầy cô, gia đình, bạn bè. Cũng chính bởi sự “ngộ nhận” này, nên sau đó khi nhận được thông tin chính thức từ Ban Tổ chức cuộc thi, thoạt nhiên Huyền đã không tin vào chiến thắng của mình...
Đây là lần thứ 2 Nghệ An có học sinh đạt giải tại cuộc thi này. Ảnh: MH |
Để có được thành tích cuối cùng này, Huyền cũng đã phải gác lại khá nhiều dự định như thi IELTS, tập trung cho Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh và đôi khi còn sao nhãng vai trò “Lớp phó học tập, Chủ nhiệm câu lạc bộ Đường lên đỉnh Olympia”. Em nói rằng, món quà em nhận lại không chỉ là thành tích chung cuộc mà hơn hết em đã nhận được những giá trị nhân văn từ chính con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những tư liệu, trong suốt quá trình ôn tập, tìm hiểu và trải nghiệm...
Trước đây em biết đến Bác Hồ như tất cả các học sinh khác, nhưng có lẽ chưa “thấm” được đầy đủ về tư tưởng của Người. Sau này, em đọc nhiều những câu chuyện về Bác, thì làm bất cứ một công việc gì những lời dạy của Bác đều khắc ghi trong lòng.
Chính câu chuyện của Bác Hồ, về những ngày bôn ba tìm đường cứu nước, một con người tự học nhưng có thể học rất giỏi nhiều ngoại ngữ đã khích lệ em cố gắng. Em đã nhiều lần tự hỏi, tại sao khó khăn như vậy mà Bác vẫn làm được mà ngày nay những người trẻ như em không thể noi theo…
Trần Thương Huyền và lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tại lễ trao giải được tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: PV |