Dịp Tết Nguyên đán, du khách chiêm bái đền, chùa, đừng quên phòng dịch
(Baonghean.vn) -Năm nay do ảnh hưởng của đại dịch nên các đền, chùa sẽ chỉ tổ chức phần lễ chứ không tổ chức phần hội. Xung quanh công tác quản lý việc lễ viếng đền, chùa đầu năm, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Bùi Công Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.
P.V: Thưa ông, công tác tổ chức lễ hội từ xưa vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của nhân dân và những nhà làm quản lý. Vậy trước tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng chúng ta vẫn thực hiện các hoạt động bình thường mới, ngành có những chỉ đạo như thế nào cho công tác lễ hội năm 2022?
Ông Bùi Công Vinh: Đúng vậy, lễ hội truyền thống là hoạt động văn hóa lâu đời, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân và luôn được người dân quan tâm, đặc biệt là những dịp đầu Xuân năm mới. Tính tổng hợp, đa diện, đa dạng của các sinh hoạt gồm chứa trong các diễn trình lễ hội được các nhà nghiên cứu văn hóa gọi đó là tính nguyên hợp của văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc Việt Nam. Ấy là bởi vì lễ hội nào cũng chứa trong nó sự thiêng liêng gắn với đó là sự gửi gắm nhiều ước vọng con người mong muốn cho một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn may mắn. Tính thiêng trong lễ hội trở thành hạt nhân quan trọng gắn kết cộng đồng thành một khối thống nhất cùng chung ước vọng. Vì thế, đi lễ đền, chùa hoặc tham gia lễ hội đầu năm đã trở thành một món ăn tinh thần cũng như một nét văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam.
Lễ hội Đền Cuông thu hút hàng ngàn du khách tham dự nhưng năm nay vì dịch bệnh sẽ không tổ chức phần hội, phần lễ dự kiến cũng sẽ diễn ra trang nghiêm đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Ảnh: tư liệu của Sách Nguyễn |
Nghệ An là địa phương có số lượng di tích văn hóa, tâm linh như đền, chùa miếu mạo chiếm phần lớn, gắn với đó là phong tục, tín ngưỡng tâm linh tương đối đa dạng. Chúng ta có tới 29 lễ hội, trong đó có 20 lễ hội diễn ra vào mùa Xuân (từ tháng 1 - 3 âm lịch), còn lại diễn ra vào các thời điểm khác trong năm. Mở màn là Lễ hội Pẩn Pang - Nang Ny (xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp), được tổ chức vào ngày 5 và 6/1 âm lịch); kết thúc là Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên) diễn ra vào ngày 9 và 10/10 âm lịch. Trong thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
Các đền, chùa trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, nhất là dịp cuối năm. Ảnh tư liệu |
Năm nay là năm thứ 3, chúng ta phải chống chọi với đại dịch và các hoạt động văn hóa của tỉnh nói chung, hoạt động lễ hội truyền thống nói riêng đều bị ảnh hưởng, nhiều lễ hội bắt buộc phải tạm dừng để ưu tiên cho phòng, chống dịch. Năm 2022 này, để ứng phó với đại dịch trong tình hình mới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tham mưu cho UBND tỉnh và cố gắng chỉ đạo, phối hợp với địa phương trong việc tổ chức lễ hội làm sao để nhân dân vẫn có thể tham gia lễ hội mà vẫn đảm bảo quy tắc phòng, chống dịch một cách hiệu quả.
P.V: Lại nói đến giá trị bản nguyên của lễ hội mà chúng ta đang phát huy lưu giữ, ông nói gì về việc tổ chức phần lễ ở các lễ hội truyền thống vào dịp mùa Xuân?
Ông Bùi Công Vinh: Đa phần các lễ hội được chúng ta hướng dẫn và quản lý nghiêm công tác tổ chức, thế nên các phần tế lễ được thực hiện chuẩn chỉnh. Phần lễ ở các lẽ hội truyền thống thường có các phần Yết Cáo, Đại tế, Lễ tạ và Lễ rước. Hiện nay phần lễ ở các lễ hội đều đã được hướng dẫn dựa trên hồ sơ kịch bản còn lưu giữ từ xa xưa, từ đó phát triển thêm phần kịch bản mới đặc biệt ở phần đại lễ hay lễ rước để phù hợp với điều kiện thực tế.
Nghi thức hành lễ trong tục chạy Ói ở Kễ hội Đền Cờn. Ảnh tư liệu |
Thường một lễ hội đặc trưng ở vùng, miền nào thì đều có nét đặc trưng của vùng, miền đó. Ví như miền sông nước có Lễ hội rước hến tại đền Thanh Liệt ở xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên được diễn ra trên sông Lam, với chi tiết người chủ tế là người cao tuổi nhất trong làng thực hiện nghi lễ truyền thống để tế thần, và trong giây phút linh thiêng đó những người tham gia hành lễ được chứng kiến những nét đặc sắc mang tính linh thiêng, riêng có của nghi lễ này.
Hay đối với các Lễ Yết cáo của các đền Quả, đền Cờn, hay đền Bạch Mã có nhiều chi tiết tương đồng vì cùng một vùng, miền và cùng có chế độ thờ tự tương đối giống nhau.
Độc đáo lễ hội cầu ngư trên sông Lam tại Kễ hội Đền Thanh Liệt. Ảnh: Huy Thư |
Có một điều tôi muốn nói là nhiều chi tiết ở một lễ hội chúng ta cần hiểu trong lễ có hội và trong hội có lễ. Như tục chạy Ói trong Lễ hội Đền Cờn thường được diễn ra ở phần hội nhưng nghi thức, hình thức của nó cũng được xem là hoạt động của một phần lễ. Hay nghi thức rước hến ở Lễ hội Đền Thanh Liệt vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cũng được xem là nét riêng có, là bản sắc của vùng sông nước dòng Lam nơi người dân bám mép sông với con dắt, con hến để mưu sinh. Và phần lễ ở đây cũng được nhân dân hưởng ứng như phần hội của lễ hội này.
P.V: Dân gian xứ Nghệ vẫn truyền tụng “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”, đây là những ngôi đền từ lâu nổi tiếng linh thiêng và là điểm đến của rất nhiều khách hành hương đầu năm để cầu an, cầu lộc, cầu tài. Vậy thưa ông, chắc hẳn người ta đến vì một nét đặc sắc nào đó trong thực hành các nghi thức cúng bái để cầu cho mình và gia đình một năm mới tài, lộc?
Ông Bùi Công Vinh: Như chúng ta đã biết, đền nào cũng hàm chứa những tính thiêng nhất định của nó, điều này được đúc kết từ hàng trăm năm, đồng thời là nét sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu của nhân dân, khi họ đến chùa, đền ngày đầu năm mới để mong cầu được may mắn, an vui, cầu được mưa thuận, gió hòa, thiên thời địa lợi.
Tục Chạy Ói trong Lễ hội Đền Cờn là nét riêng có độc đáo cần được bảo tồn gìn giữ và phát huy. Ảnh tư liệu của Huy Thư |
Và tất nhiên, trong các nghi thức đó thì các tục xóc xăm, xóc thẻ đầu năm ở một số đền, chùa được nhân dân tiếp cận nhiều nhất. Với họ đó là “quẻ” đầu năm lấy may. Thế nên, BQL các đền, chùa vẫn xem nghi thức thực hành đó là một nét riêng có của đền chùa và họ công khai các kết quả giải thẻ ngay vào các số tương ứng, rất dễ hiểu.
Hơn nữa đến chùa, đền đầu năm mới ngoài gieo quẻ hoặc thắp hương tế lễ đầu năm thì du khách thập phương còn đến chùa, đền để chiêm bái vãn cảnh, đó là cách người dân du Xuân thăm thú đầu năm mới. Và du lịch tâm linh đang được chúng ta nâng tầm để thu hút du khách trong thời gian tới.
Lễ rước tại Lễ hội Đền Vạn Cửa Rào. Ảnh: Sách Nguyễn |
Ngành Văn hóa đã tập trung chỉ đạo, khôi phục, duy trì và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, nét đẹp văn hóa các lễ hội truyền thống. Như đã nói ở trên, hiện Nghệ An có 29 lễ hội được đưa vào danh mục quản lý, thực hiện đúng quy định về nếp sống văn minh theo Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ. Có 7 di sản lễ hội đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, bao gồm: Lễ hội Đền Chín Gian, Lễ hội Đền Cờn, Lễ hội Đền Thanh Liệt, Lễ hội Đền Quả Sơn, Nghi lễ Xăng Khan, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười và Lễ hội Đền Bạch Mã.
Thế nên, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn đảm bảo tạo điều kiện cho nhân dân thực hành tín ngưỡng chúng tôi đã hướng dẫn BQL các đền, chùa bố trí lối ra, vào tại các cổng, yêu cầu người dân ra, vào đền, chùa đều thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K" do Bộ Y tế quy định. Trong khuôn viên đền, chùa cũng không tập trung cùng lúc quá nhiều người tránh việc lây nhiễm Covid-19.
P.V: Qua theo dõi, trong những năm qua về công tác quản lý tổ chức lễ hội, chúng tôi nhận thấy có một số hạn chế, đó là việc kinh doanh dịch vụ hàng hóa còn lộn xộn, đeo bám khách, ăn xin, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, dịch vụ trông giữ xe vào di tích ở một số lễ hội chưa được quy hoạch hợp lý. Bên cạnh đó, là tục đốt vàng mã vẫn còn xảy ra gây tốn kém và ô nhiễm, mất mỹ quan. Theo ông, trong điều kiện mới, các cấp quản lý cần làm gì để các hoạt động lễ chùa đầu năm mới đảm bảo tính tôn nghiêm?
Ông Bùi Công Vinh: Những điều này chúng tôi đều đã nắm bắt và có nhiều cách thức quản lý, từng bước đưa việc tổ chức thực hành tín ngưỡng ở các đền, chùa đi vào nền nếp, vừa nghiêm trang vừa tiết kiệm. Thế nên, dù năm nay, chúng ta đã tiết giảm trong việc tiếp đón du khách, và quản lý chặt về chấp hành khuyến cáo "5K" nhưng song song với đó chúng ta cũng tăng cường tuyên truyền, vận động, nhắc nhở thường xuyên nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về nếp sống văn minh trong lễ hội, phòng, chống dịch tại di tích và lễ hội. Tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích, các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội và hoạt động tại di tích.
Hằng năm tại một số đền, chùa trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra tình trạng đốt vàng mã gây tốn kém, ô nhiễm môi trường. Ảnh: tư liệu |
Không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành các dịch vụ mang tính trục lợi, vận động nhân dân hạn chế đốt đồ mã, vàng mã, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức. Tổ chức các phương án về trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký ban hành Chỉ thị 01/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó nêu rõ việc tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và bắn pháo hoa nổ trong dịp Tết. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch phối hợp với các sở, ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, yêu cầu về công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với các hoạt động văn hóa, lễ hội trên địa bàn tỉnh theo các văn bản, chỉ đạo của Trung ương. Do đó, dù các đền, chùa vẫn mở cửa đầu năm mới, các phần lễ trong các lễ hội mùa Xuân vẫn được thực hiện nhưng chúng ta nhất thiết phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, và không tập trung đông người, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!