Nghệ An: Từ tháng 1/2022, hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng đứng trước nguy cơ không có lương

Mỹ Hà 18/01/2022 17:01

(Baonghean.vn) - Đây là thực tế đang xảy ra từ đầu năm 2022, sau khi các giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng 06, 09 của Nghệ An hết thời hạn được hưởng ngân sách hỗ trợ từ nhà nước.

Trước đó, thực hiện Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV và Nghị định 06/2018/NĐ-CP (nay gọi chung là NĐ 06) của Chính phủ từ năm 2014 đến nay, Nghệ An đã tuyển dụng 2.508 chỉ tiêu hợp đồng lao động giáo viên mầm non và được ngân sách Trung ương cấp kinh phí ổn định. Đối tượng giáo viên mầm non thuộc diện 06 là giáo viên ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn và được hưởng đầy đủ chế độ chính sách như viên chức.

Trong số những giáo viên này, từ 2015 đến nay, khi có chỉ tiêu biên chế, UBND cấp huyện đã ưu tiên tuyển dụng một số giáo viên mầm non hợp đồng vào viên chức (trong đó có tuyển dụng đặc cách theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 15/11/2019 của Bộ Nội vụ). Vì thế, đến đầu năm 2022, thống kê toàn tỉnh chỉ còn 1.724 giáo viên hợp đồng hưởng lương kinh phí do ngân sách cấp với số tiền là 156,312 tỷ đồng.

Giờ ra chơi của học sinh Trường mầm non Hòa Sơn, Đô Lương. Ảnh: MH
Giờ ra chơi của học sinh Trường mầm non Hòa Sơn, Đô Lương. Ảnh: MH

Thực hiện theo khoản 3, Điều 15, Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục Mầm non thì chính sách đối với giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực tháng 12/2021. Do đó, 1.724 giáo viên hợp đồng của Nghệ An sẽ tạm thời không được cấp ngân sách để chi trả lương. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chế độ người lao động, thiếu giáo viên đứng lớp, sẽ có tác động tiêu cực trong ngành.

Liên quan đến nội dung này, thời gian qua Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn đề nghị UBND tỉnh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ cho ý kiến tháo gỡ khó khăn về chính sách đối với giáo viên mầm non hợp đồng lao động theo Nghị định 06 khi Nghị định hết hiệu lực.

Trước đó, các sở, ngành liên quan đã nhiều lần tham mưu UBND tỉnh gửi các Bộ và Chính phủ đề xuất bổ sung 7.843 chỉ tiêu biên chế ở tất cả các cấp học nhưng chưa có kết quả. Riêng với bậc mầm non, nếu theo quy định về danh mục, khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non thì Nghệ An đang cần 16.393 chỉ tiêu. Tuy vậy, hiện số người đang làm việc là 11.093 chỉ tiêu và toàn tỉnh đang thiếu 5.300 chỉ tiêu.

Các giáo viên mầm non của Nghệ An tham dự Hội thi giáo viên dạy giỏi tỉnh năm 2021. Ảnh: MH

Được biết, do kinh phí cho các giáo viên hiện đang hợp đồng lao động theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV và Nghị định 06/2018/NĐ-CP đã không còn được Trung ương cấp nên từ đầu tháng 1/2022 đến nay, nhiều địa phương đang bế tắc trong việc chi trả lương cho giáo viên. Một số địa phương đã có thông báo cho giáo viên tạm thời chưa trả lương để chờ hướng dẫn mới.

Mỹ Hà