Phía sau cái gọi là ‘giải thưởng nhân quyền’

Trần Lâm 24/01/2022 10:26

(Baonghean.vn) - Ngày 19/1/2022, quỹ Martin Ennals tại Geneva (Thụy Sỹ) đã công bố giải thưởng Martin Ennals 2022 dành cho những người bảo vệ nhân quyền. Trong 3 người được “nhận giải” năm 2022, có Phạm Thị Đoan Trang. Đây là một sự kiện kệch cỡm của quỹ Martin Ennals.

Các website như Đài Á châu tự do (RFA),VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt dẫn lại nguồn tin và có nhiều bình luận xuyên tạc tình hình Việt Nam. Hình minh họa

Kệch cỡm giải thưởng tự xưng “Martin Ennals”

Trên trang web của tổ chức này công bố: “Phạm Thị Đoan Trang là nhà báo hàng đầu và là nhà vận động cho dân chủ ở Việt Nam… Cô ủng hộ việc bảo đảm các quyền tự do dân sự như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp… Cô đồng sáng lập một số hãng truyền thông hàng đầu như Tạp chí Luật Khoa, Những cây xanh, và Nhà xuất bản Tự do".

Trước hết, phải nói về cái gọi là Giải Martin Ennals do quỹ Martin Ennals đặt ra. Giải lập ra vào năm 1993 nhằm vinh danh và bảo vệ các cá nhân trên khắp thế giới đã tỏ ra đặc biệt can đảm trong việc bảo vệ và làm tăng tiến nhân quyền. Giải này lấy tên là Martin Ennals - cựu Tổng Thư ký tổ chức Ân xá quốc tế

Thực chất, đây là giải tự xưng do một số tổ chức dưới danh nghĩa nhân quyền lập nên để tạo tầm ảnh hưởng nhằm gây quỹ trên toàn thế giới. Ban giám khảo là thành viên của các tổ chức nhân quyền như: HRW, WOAT, HRF, HURIDOCS… Theo dõi trong suốt quá trình hoạt động, giải thưởng này được trao cho những người có hoạt động chống lại lợi ích quốc gia và dân tộc ở quốc gia của họ. Nhiều người được trao giải đang phải ngồi tù vì lợi dụng tự do, dân chủ, nhân quyền để chống phá.

Việc giải thưởng Martin Ennals được trao cho Phạm Thị Đoan Trang - đối tượng vừa bị tuyên phạt 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, một lần nữa thể hiện sự thiếu khách quan, phi thực tế và quy chụp. Rõ ràng, Phạm Thị Đoan Trang là tội phạm bị đưa ra ánh sáng. Phiên tòa xét xử Phạm Thị Đoan Trang diễn ra công khai theo các quy định của pháp luật. Đoan Trang cũng không phải là "nhà báo nổi tiếng" như cách quỹ Martin Ennals gọi, mà chỉ từng là phóng viên một số tờ báo điện tử trong nước. Sau khi Trang sa ngã, không một cơ quan báo chí nào “dung nạp” người đàn bà này vào làm việc.

Ấy vậy mà quỹ Martin Ennals lại dùng rất nhiều “mỹ từ” để mô tả về Đoan Trang khi công bố giải thưởng nói trên. Rằng: Bà ta là “nhà bảo vệ nhân quyền có ảnh hưởng nhất, được kính trọng”, “là nguồn cảm hứng cho xã hội dân sự Việt Nam”, “là nhà báo hàng đầu”,…

Công bố trên website của quỹ Martin Ennals. Ảnh chụp màn hình

Ngay khi quỹ Martin Ennals công bố “giải thưởng Martin Ennals”, các trang web như: RFA, VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt đã dẫn lại thông tin để a dua. RFA giật tiêu đề: “Tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang được trao giải Martin Ennals”. Còn BBC tiếng Việt trong bài: “Giải thưởng Martin Ennals 2022 được tặng cho bà Phạm Đoan Trang” lại dẫn lời của một số tổ chức nhân quyền để qua trường hợp Đoan Trang nhằm nói xấu Việt Nam. Cụ thể như, bài viết dẫn lời Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Human Rights Watch: "Phạm Đoan Trang là một người truyền lửa cho rất nhiều nhà hoạt động và nhà báo ở Việt Nam, nơi mà tự do biểu đạt bị xem là mối đe dọa"...

Những luận điểm và phát ngôn của các tổ chức, cá nhân nói trên đều vô căn cứ, thiếu khách quan và xuyên tạc trắng trợn tình hình Việt Nam.

Âm mưu thâm độc phía sau các giải thưởng

Nhiều năm gần đây, những cái gọi là “giải thưởng nhân quyền” thường xuyên được các thế lực thù địch sử dụng trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm gây tổn hại và tìm cớ can thiệp vào nội bộ của các nước XHCN, trong đó có Việt Nam. Chúng tổ chức nhiều cuộc điều trần, hội thảo, họp báo, ra tuyên bố, ban hành một số nghị quyết, báo cáo… vu cáo xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đòi gắn viện trợ nhân đạo song phương, đa phương với những đòi hỏi về cải thiện dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí ngôn luận… Chúng kêu gọi và được sự hậu thuẫn của các tổ chức phi chính phủ thông qua việc triển khai các dự án để “thúc đẩy”, “cải thiện nhân quyền”, khích lệ bọn phản động người Việt lưu vong, số đối tượng chống đối hoạt động chống phá Việt Nam. Nhiều cơ quan, tổ chức như: Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ, Nghị viện Châu Âu, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Ân xá quốc tế (AL)… trong báo cáo hàng năm, một mặt thừa nhận Việt Nam có chuyển biến tích cực nhưng vẫn cố ý đánh giá tiêu cực về tình hình nhân quyền Việt Nam.

Để phục vụ cho hoạt động chống phá, chúng lôi kéo và dựng lên các nhân vật có tư tưởng bất mãn hoặc tham lam lợi ích vật chất rồi trao các giải thưởng tự xưng như: Giải thưởng nhân quyền, giải “Tầm Ảnh hưởng”, giải Homo Homini,… Từ đó, chúng vận động một số nghị sĩ cực đoan trong quốc hội, chính phủ một số nước kêu gọi gây quỹ đấu tranh vì nhân quyền. Để hợp thức hóa sự ủng hộ tài chính, kinh phí của các nhà tài trợ, chúng đưa ra các bản “báo cáo”, “phúc trình”… bôi nhọ tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Chúng lợi dụng triệt để sự suy thoái về đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng và vi phạm pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên để tuyên truyền đả kích vai trò lãnh đạo của Đảng, phá hoại niềm tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng nhằm tác động chuyển hóa nội bộ từ bên trong, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ tại Việt Nam.

Qua hình thức gây quỹ để trao giải, các tổ chức nhân quyền đã nhận được rất nhiều sự tài trợ từ các tổ chức phản động, chống phá Việt Nam. Để “báo đáp”, các tổ chức này đã có những đánh giá, nhận xét thiếu khách quan, phi thực tiễn về tình hình nhân quyền, dân chủ, tự do ngôn luận, tự do báo chí tại Việt Nam. Mục đích là để bôi nhọ, khiến các quốc gia, tổ chức hiểu sai về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Đây chính là mưu đồ hết sức thâm độc, nham hiểm và trắng trợn của các thế lực thù địch.

Những minh chứng sống động, hùng hồn về sự phát triển của Việt Nam

Tuy nhiên, thực tế đất nước trong những thập niên qua là minh chứng hùng hồn, sống động nhất đập tan những luận điệu của các thế lực thù địch. 35 năm đổi mới (1986 - 2021) là giai đoạn quan trọng của sự nghiệp phát triển đất nước, đánh dấu sự trưởng thành mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Công cuộc đổi mới đã thật sự gắn bó với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước, gắn bó với mỗi người Việt Nam và được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Họ biết đến Việt Nam là dân tộc yêu chuộng hòa bình và cũng là một quốc gia có nhiều thành tựu trong quá trình đổi mới, đặc biệt là phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và đối tác thương mại trên thế giới. 2 năm qua, trong điều kiện khó khăn nhưng Việt Nam chúng ta đã hỗ trợ về nhân lực, thiết bị và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống dịch Covid-19 với các nước.

Quốc tế có cái nhìn mới về Việt Nam qua Giải thưởng Vinfuture. Ảnh: Nhật Bắc/Baochinhphu
Quốc tế có cái nhìn mới về Việt Nam qua Giải thưởng VinFuture. Ảnh: Nhật Bắc/Baochinhphu

Mới đây nhất, tối 20/1/2022, giới nghiên cứu khoa học trên toàn thế giới đã biết đến Việt Nam qua Lễ trao giải VinFuture tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đây là giải thưởng khoa học và công nghệ toàn cầu, được thành lập 20/12/2020 với sứ mệnh "tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người bằng việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ". Giải thưởng do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và phu nhân Phạm Thu Hương sáng lập và được trao giải hàng năm tại Việt Nam. Hội đồng giải thưởng là những nhà khoa học hàng đầu thế giới, nhiều thành viên từng đạt giải Nobel… Một lần nữa, thế giới biết đến một dân tộc Việt Nam hiếu học, luôn vươn lên làm chủ công nghệ và sẵn sàng có những đóng góp tích cực cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn, cải thiện môi trường sống bền vững cho những thế hệ tương lai.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thế và lực của nước ta đã được tăng cường, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một quốc gia kinh tế - văn hóa phát triển, chính trị - xã hội ổn định, có nhiều triển vọng tốt... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay”. Và, nghĩa vụ của mỗi công dân chúng ta là không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, chính trị; bài trừ các tư tưởng độc hại và thường xuyên học tập nâng cao trình độ để nối tiếp thế hệ cha ông xây dựng cơ đồ Việt Nam.

Trần Lâm