Australia – Việt Nam: Khó người, khó ta

Phú Châu 26/01/2022 15:50

(Baonghean.vn) - Một số thông tin mới nhất liên quan đến nội tình của ĐT Australia trước trận đấu trên sân nhà gặp ĐT Việt Nam có thể sẽ khiến cho báo giới và người hâm mộ Việt Nam gần xa lạc quan hơn khi đối thủ dù mạnh hơn nhưng đang gặp khó về lực lượng.

Đó là việc HLV trưởng đội chủ nhà Graham Arnold sẽ vắng mặt trong khu kỹ thuật vì mắc Covid-19, chưa kể lực lượng bị sứt mẻ nghiêm trọng, có thể “mất cả một đội hình” gồm thủ môn M. Ryan, các hậu vệ A. Behich, H. Souttar, B. Smith, các tiền vệ A. Mabil, J. Jeggo, A. Hrustic (treo giò) cùng 3 tiền đạo N. Rukavytsya, B. Borrelo, A. Taggart… Đã vậy, do bận thi đấu ở các giải khác nhau nên 16 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài đều không thể tập trung sớm như kế hoạch, thậm chí họ chỉ có một buổi tập làm quen trước khi trận đấu chính thức diễn ra.

Trong khi đó, dù đội hình chính thức củaĐT Việt Namcũng bị thiếu hụt do chấn thương và thẻ phạt nhưng đội bóng của ông Park Hang-seo đã tập trung sớm, đủ thời gian tập luyện cả trong nước lẫn khi đến Australia trước cả một tuần, kịp làm quen với thời tiết và mọi mặt liên quan đến thi đấu. Có thể việc thiếu vắng Ngọc Hải, Duy Mạnh, Tiến Linh, Văn Toàn, Phi Sơn, Văn Đại sẽ khiến cho ông Park Hang-seo phải đau đầu khi tìm kiếm các nhân sự thay thế nhưng dường như mọi việc đã được ban huấn luyện trù liệu, có phương án khỏa lấp kịp thời, thậm chí chủ động để mọi việc tiến triển thuận lợi so với dự kiến. Mọi thông tin của đội tuyển do Văn Vũ, Tuấn Hải công bố gần đây cho thấy ban huấn luyện và các tuyển thủ đã sẵn sàng ở mức cao nhất cho trận đấu sắp tới.

Đội tuyển Việt Nam tập buổi đầu tiên tại Australia. Ảnh:VFF

Vậy trên thực tế có phải đội chủ nhà thực sự gặp khó và đội khách dù yếu thế hơn nhưng sẽ “dễ thở” hơn khi trận đấu diễn ra và có thể làm được một điều gì đó mà lâu nay không làm được? Câu trả lời là “lúc này khó người, khó ta”, đội chủ nhà lẫn đội khách đều có những khó khăn và thuận lợi riêng, không ai có lợi thế hoàn toàn và cũng không ai bất lợi toàn diện cả.

Nếu đội chủ nhà vắng mặt HLV trưởng G. Arnold, thì đã có người thay thế là trợ lý Rene Meulensteen, người từng làm trợ lý cho HLV MU A. Ferguson lừng danh. Vậy nên, mọi đường đi, nước bước của ĐT Australia về cơ bản vẫn như cũ và sức mạnh tiềm tàng của một đội bóng được thi đấu trên sân nhà, có nhiều cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài với trình độ chuyên môn cao, phẩm chất chuyên nghiệp sẵn có chắc chắn sẽ được phát huy như thường thấy. Hơn nữa, việc tập trung sớm hay muộn của các tuyển thủ quốc gia ở các nền bóng đá lớn lâu nay là chuyện cơm bữa, “không cô thì chợ cũng đông” là điều không cần nói thì ai ai cũng biết. Sự chênh lệch trình độ giữa cầu thủ đá chính và dự bị luôn là không đáng kể nên mọi việc sẽ vẫn quy củ, trơn tru như thường khi đội hình vận hành, bất kể trong tình huống nào.

Hơn nữa, nên nhớ, ở ĐT Australia cũng như các đội bóng hàng đầu châu lục, khoảng cách giữa các cầu thủ thi đấu trong nước và nước ngoài cũng không cách xa là bao. Cầu thủ ghi bàn duy nhất cho ĐT Australia trong trận đấu gặp ĐT Việt Nam trên sân Mỹ Đình là một hậu vệ, đang thi đấu trong nước (R.Grant) là một minh chứng cụ thể.

Các cầu thủ Việt Nam trước trận gặp Australia. Ảnh: VFF

Để thấy rằng, thông tin gặp khó về lực lượng của cả hai đội là có thật nhưng sự điều chỉnh của mỗi đội cho phù hợp với yêu cầu mới cũng là điều có thật dù thông tin không được tiết lộ. Với ĐT Australia, chắc chắn họ sẽ tận dụng lợi thế sân nhà, lợi thế về thể hình, thể lực và mọi mặt để kiếm 3 điểm làm vốn trong cuộc đua tìm chiếc vé đi World Cup danh giá. Còn ĐT Việt Nam, mọi hy vọng về việc thi đấu tốt nhất có thể, làm được một điều gì đó vẫn còn nguyên, còn nóng hổi, nhất là đối với những nhân tố mới được gọi trở lại tuyển và hy vọng được giao nhiệm vụ trong trận đấu này.

Điều người am tường cũng như đông đảo người hâm mộ mong mỏi là ông Park Hang-seo thực sự làm mới và làm có kết quả lực lượng đội tuyển. Những nhân tố cũ vẫn giữ được động lực thi đấu và nền tảng chuyên môn cần thiết vẫn là trụ cột của đội tuyển. Bên cạnh đó, cần mạnh dạn tung vào sân những nhân tố mới, có khả năng gây đột biến trước đối thủ, giúp đội tuyển thi đấu theo một “bài vở” mới hơn, linh hoạt hơn, đối thủ khó nắm bắt hơn… đã là một thành công đáng ghi nhận.

Vấn đề của ĐT Việt Nam lúc này không hẳn là kiếm được điểm ở Vòng loại thứ 3 mà là quá trình làm mới, làm lại, vừa để tiếp tục thi đấu tốt trong trận gặp ĐT Trung Quốc tới đây, vừa nhằm hướng tới AFF Cup vào cuối năm với nhiệm vụ lấy lại ngôi vô địch hiện đã về tay người Thái. Có thể những “thử nghiệm” của ông Park Hang-seo liên quan đến Hữu Tuấn, Hùng Dũng, Văn Vũ, Tuấn Hải… trong trận gặp ĐT Australia có thành công và chưa thành công, nhưng tất cả đều cần thiết cho mục tiêu đường xa, đường dài của đội tuyển. Còn thắng-thua hay hòa trong một vài trận đấu lúc này có thể cần thiết để tạo động lực, cũng có thể không quan trọng lắm khi chúng ta chủ động tiến hay lùi cho một mục tiêu vững chắc ở phía trước. Đó mới thực sự là “phù thủy” trong thế trận biến hóa khôn lường của bóng đá khu vực và châu lục như chúng ta từng biết và mong mỏi...

Phú Châu