Người dân miền núi Nghệ An chủ động phòng, chống rét cho trâu, bò

Văn Trường 05/02/2022 15:04

(Baonghean.vn) - Liên tiếp những ngày vừa qua xuất hiện rét đậm kéo dài, trước tình hình đó, Nghệ An đang khẩn trương chỉ đạo các địa phương kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ, giúp đỡ người dân triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét để bảo vệ đàn trâu, bò.

Che chắn chuồng, đốt lửa sưởi ấm cho trâu ở xã Tam Quang (Tương Dương). Ảnh: Văn Trường

Ông Văn Lâm ở bản Bãi Sở, xã Tam Quang cho biết: Con bò là tài sản lớn của gia đình, trước đây đã thấy nhiều trường hợp trâu, bò bị chết do giá rét. Được xã tuyên truyền, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị, khi thời tiết có dấu hiệu rét đậm không thả bò ra ngoài mà nhốt trong chuồng được che kín, đêm thì đốt củi sưởi ấm, dự trữ được thức ăn cho bò như rơm, cám và ngô. Nhờ đó, hiện 10 con bò đều ổn định.

Bà Kha Thị Hiền - Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết thêm: Xã Tam Quang hiện có trên 4.900 con trâu, bò. Để chủ động phòng tránh đói, rét cho đàn gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, cán bộ xã xuống từng thôn, bản, hướng dẫn, vận động bà con các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi như: Đối với các hộ nuôi nhốt, dùng bạt, ni lông che, chắn chuồng trại, hạn chế chăn thả trâu, bò buổi sáng sớm, tăng cường cho ăn thêm tinh bột, cỏ tươi, rơm... Dự trữ, cung cấp đủ thức ăn thô xanh cho gia súc từ trước, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi gia súc. Đối với các hộ nuôi theo hướng thả rông trong rừng, yêu cầu lùa đàn trâu, bò về nhốt tập trung, quây bạt, giữ ấm, chủ động nguồn thức ăn.

Người dân che chắn chuồng giữ ấm cho bò ở xã Tam Đình (Tương Dương). Ảnh: Văn Trường.

Theo báo cáo của phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương, toàn huyện Tương Dương có trên 50.000 con trâu, bò. Để đối phó với rét đậm, rét hại, trước mùa rét, UBND huyện Tương Dương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống đói, rét gia súc, gia cầm, đôn đốc các xã xuống tận thôn bản, hộ gia đình tập trung phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi. Hướng dẫn bà con lợp kín tất cả chuồng trại bằng phên nứa, bạt, giữ nền chuồng sạch sẽ khô ráo và lót ấm bằng rơm, rạ, cỏ khô.

Nông dân lùa đàn trâu, bò thả rông trong rừng ở xã Tam Quang (Tương Dương) về tránh rét. Ảnh: Văn Trường

Đặc biệt, hiện đang còn khoảng 30% số hộ nuôi trâu, bò quảng canh (thả rông), UBND huyện chỉ đạo các xã vận động bà con phải đưa trâu, bò thả rông trên núi về nhốt tập trung, làm tạm lán trại cho trâu, bò để chống rét. Khuyến cáo bà con không thả trâu, bò khi nhiệt độ quá thấp.

Để bảo đảm đủ thức ăn cho đàn gia súc trong tiết trời lạnh giá, phòng Nông nghiệp huyện đã hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ. Tận dụng diện tích đất trống trồng cỏ voi, các sản phẩm nông nghiệp như khoai, sắn, ngô để ủ chua làm tăng nguồn thức ăn cho trâu, bò. Vào những ngày trời rét đậm, rét hại cần bổ sung thêm thức ăn tinh và nước muối pha loãng để bổ sung dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, đảm bảo cho đàn gia súc phát triển khỏe mạnh.

Chuồng bò được thắp điện, đốt lửa để sưởi ấm. Ảnh: Văn Trường

Thời điểm này, địa bàn huyện Tân Kỳ cũng đang tích cực phòng, chống rét cho trâu, bò. Ông Trần Lâm ở xã Đồng Văn (Tân Kỳ), đang đốt lửa sưởi cho đàn bò trong chuồng chia sẻ: Thời điểm rét kéo dài, ngoài việc dùng bạt quây kín chuồng để giữ ấm, để chủ động thức ăn cho 5 con bò, gia đình tôi luôn duy trì 2 sào cỏ voi, chuối để làm thức ăn cho bò trong mùa Đông, hằng ngày, thu hoạch về băm nhỏ, trộn với cám ủ chua cho bò ăn no, uống đủ nước. Khi rét đậm xuất hiện từ ngày 27/12, tôi dùng bạt quây kín chuồng để giữ ấm, nên bò vẫn sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Kỳ cho biết thêm: Địa bàn Tân Kỳ có 52.000 con trâu, bò, trước tết Nguyên đán huyện thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống đói, rét cho trâu, bò, chỉ đạo nhân dân duy trì gần 2.000 ha cỏ voi, và diện tích ngô sinh khối để có đủ thức ăn cho trâu, bò trong mùa Đông.

Huyện Tân Kỳ tiếp tục cùng các tổ công tác của các huyện, xã bám sát địa bàn, đến từng gia đình đôn đốc, giúp đỡ người dân che chắn chuồng trại kín gió, hướng dẫn kỹ thuật dự trữ, chế biến thức ăn cho gia súc, đồng thời giám sát chặt chẽ dịch bệnh, không để gia súc chết đói, chết rét.

Các chuồng trại trâu, bò ở Tân Kỳ được che chắn kín gió để chống rét. Ảnh: Văn Trường

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Để đảm bảo phòng, chống đói, rét cho trâu, bò, Chi cục khuyến cáo người chăn nuôi ở các địa phương củng cố, che chắn chuồng trại, thu dọn vệ sinh để giữ khô nền chuồng và sử dụng rơm, rạ làm đệm ủ ấm cho vật nuôi.

Tuyệt đối không đưa trâu, bò đi chăn thả hoặc đi làm khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C. Cần dự trữ và cung cấp đủ thức ăn thô xanh, thức ăn tinh cho vật nuôi, bổ sung muối, khoáng và vitamin khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Tiêm phòng vắc-xin dịch bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và dịch tả cho trâu, bò.

Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách…để gia cố, che chắn chuồng trại…

Trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục thả rông khắp nơi

Trâu, bò nhiễm bệnh viêm da nổi cục thả rông khắp nơi

(Baonghean.vn) - Mặc dù lực lượng chức năng khuyến cáo các địa phương có dịch viêm da nổi cục phải chỉ đạo người dân nhốt trâu, bò, không thả rông, tuy nhiên, tình trạng thả trâu, bò dịch vẫn tiếp diễn, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.


Văn Trường