Tiền lương làm việc trong Tết Âm lịch
Trong những ngày Tết Âm lịch hầu hết người lao động được nghỉ Tết nhưng cũng có những người vẫn làm việc xuyên Tết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết về vấn đề tiền lương trong ngày Tết mình được nhận như thế nào theo đúng Luật.
* Trong dịp Tết Âm lịch Nhâm Dần 2022, người lao động được nghỉ làm việc 5 ngày và hưởng nguyên lương.
Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019, tết Âm lịch người lao động được nghỉ làm việc 5 ngày và hưởng nguyên lương.
Căn cứ Khoản 1 và 5 Thông báo 119/TB-LĐTBXH ngày 14/1/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nghỉ tết Âm lịch từ ngày 31/1 đến hết ngày 4/2/2022 (tức 29 tháng Chạp năm Tân Sửu đến hết ngày mùng 4 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Người sử dụng lao động bố trí cho người lao động không thuộc đối tượng nêu trên được nghỉ 1 ngày cuối năm và 4 ngày đầu năm hoặc 2 ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm Âm lịch.
* Tiền lương với người lao động làm thêm giờ trong ngày nghỉ tết Âm lịch được trả như thế nào?
Căn cứ Điểm c, Khoản 1, Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm thêm giờ ngày nghỉ Tết được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày Tết đối với người lao động hưởng lương ngày.
Ví dụ: Tiền lương ngày bình thường của người lao động là 100.000 đồng/giờ; thì làm việc trong ngày Tết sẽ ít nhất bằng 300.000 đồng/giờ, cộng với tiền lương ngày Tết 100.000 đồng/giờ với người lao động hưởng lương ngày.
Công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc xuyên Tết, đến hết ngày mùng 1 Tết mới được phân chia nhau nghỉ theo ca để trở về với gia đình. Ảnh: tư liệu Q.A. |
* Người lao động làm việc vào ban đêm của ngày nghỉ Tết Âm lịch, được trả ít nhất bằng 330% tiền lương ngày bình thường.
Căn cứ Khoản 2, Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. Như vậy, người lao động làm việc vào ban đêm trong ngày Tết sẽ được trả ít nhất bằng 330% chưa kể tiền lương ngày Tết với người lao động hưởng lương ngày.
Ví dụ: Tiền lương ngày bình thường của người lao động là 100.000 đồng/giờ; thì làm việc vào ban đêm trong ngày tết ít nhất bằng 330.000 đồng/giờ, cộng với tiền lương ngày tết 100.000 đồng/giờ với người lao động hưởng lương ngày.
* Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm trong ngày nghỉ Tết Âm lịch, được trả như thế nào?
Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: "Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết".
Như vậy, tiền lương của người lao động làm thêm giờ vào ban đêm ngày nghỉ Tết ít nhất bằng 390% chưa kể tiền lương ngày Tết với người lao động hưởng lương ngày.
Ví dụ: Tiền lương ngày bình thường của người lao động là 100.000 đồng/giờ; thì làm thêm giờ vào ban đêm trong ngày nghỉ Tết ít nhất bằng 390.000 đồng/giờ, cộng với tiền lương ngày Tết 100.000 đồng/giờ với người lao động hưởng lương ngày.
Nhiều quán cafe phục vụ khách xuyên Tết. Ảnh: Internet |
* Người sử dụng lao động trả lương làm thêm giờ, làm vào ban đêm trong ngày tết Âm lịch thấp hơn mức quy định sẽ bị xử phạt.
Căn cứ Khoản 1, Điều 6 và Khoản 2, Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm. Mức phạt nêu trên áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân, trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức vi phạm thì bị phạt tiền gấp 2 lần.