Số học sinh F0 tăng nhanh, Nghệ An bàn giải pháp dạy học an toàn

Mỹ Hà 08/02/2022 17:24

(Baonghean.vn) - Chiều 8/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tổ chức Hội nghị trực tuyến với các điểm cầu ở 21 huyện, thành, thị và các trường THPT để bàn các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho công tác tổ chức dạy học sau tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Số học sinh F0 tăng nhanh sau Tết

Trước đó, theo tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo đến chiều ngày 8/2, toàn tỉnh có 266 học sinh là đối tượng F0 ở 4 cấp học, trong đó bậc mầm non có 37 em, tiểu học có 88 em, THCS có 52 em và THPT có 89 em.

Ngoài ra, có 71 giáo viên, nhân viên là đối tượng F0. Số giáo viên và học sinh thuộc đối tượng F1 là gần 4.000 trường hợp, trong đó có 3.345 học sinh và 786 học sinh giáo viên. Con số này có thể tăng thêm trong thời gian tới, bởi nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát, thống kê.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MH
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MH

Tại thời điểm này, toàn tỉnh có 8 địa phương có 100% số trường phổ thông tổ chức dạy, học trực tiếp gồm Tương Dương, TX Thái Hòa, Tân Kỳ, thành phố Vinh, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Con Cuông và Quế Phong. Ngoài ra, có 10 địa phương có trường vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến. Toàn tỉnh có 3 địa phương đang tổ chức dạy học trực tuyến là Thanh Chương, Nghĩa Đàn và thị xã Cửa Lò.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cho biết: So với thời điểm trước Tết, số học sinh ở các nhà trường bị nhiễm Covid – 19 gia tăng.

Trong bối cảnh đó, việc vừa tổ chức dạy học trực tiếp nhưng phải đảm bảo an toàn trong các nhà trường được đặt lên hàng đầu. Khó khăn hiện nay ở Nghệ An là số học sinh trong một trường học rất đông, nhiều trường trên 1.000 học sinh. Vì thế, nếu phụ huynh vẫn đang còn tâm lý chủ quan thì việc giữ đảm bảo an toàn trong trường học rất vất vả. Trong khi đó, nếu học sinh không được đến trường, kéo dài việc học trực tuyến sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và việc tiếp thu kiến thức của học trò.

Giờ học của học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai. Ảnh: MH
Giờ học của học sinh Trường THCS Đặng Thai Mai. Ảnh: MH

Từ thực tế này, tại cuộc họp các địa phương cũng nêu ý kiến về việc tổ chức dạy và học. Tại thành phố Vinh, bà Hoàng Thị Phương Thảo cho biết, so với ngày hôm qua, đến sáng nay toàn thành phố số học sinh F0 đã tăng nhanh với 158 em, trong đó có hơn 100 học sinh ở bậc tiểu học. Điều này, do sau Tết một phần các trường học và các đơn vị yêu cầu test nên số lượng bệnh nhân tăng nhanh và con số này sẽ tiếp tục tăng trong một vài ngày tới.

Trước tình hình trên, việc tổ chức dạy và học ở thành phố Vinh chịu khá nhiều áp lực. Tuy vậy, hiện nay thành phố vẫn đang tổ chức dạy học trực tiếp. Riêng những lớp có học sinh F0 được chuyển sang dạy học trực tuyến để vừa thực hiện được chương trình, vừa đảm bảo an toàn.

Trong bối cảnh hiện tại, thành phố cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo thống nhất chung trong việc tổ chức dạy và học để thuận lợi cho thành phố trong quá trình triển khai. Đồng thời, cũng mong muốn, Sở có định hướng cho thành phố khi chuẩn bị đón học sinh mầm non 5 tuổi trở lại trường khi thành phố đang dự kiến trưng dụng 5 trường mầm non để làm bệnh viện thu dung.

Thị xã Cửa Lò do số bệnh nhân F0 gia tăng nên đang đồng thời triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch bệnh. Riêng ngành Giáo dục, trước mắt đang tổ chức cho học sinh học trực tuyến bởi địa bàn thị xã Cửa Lò nhỏ, đối tượng có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng còn cao.

Giờ học của học sinh Trường THCS Nghi Hương - thị xã Cửa Lò. Ảnh: MH

Dự kiến, từ ngày 7 – 12/2, thị xã Cửa Lò sẽ tầm soát toàn bộ dân cư và học sinh trên địa bàn để sàng lọc F0. Trong thời gian này, thị xã tạm thời tổ chức dạy học trực tuyến và chỉ tổ chức dạy học trở lại khi đã khống chế được F0 trên địa bàn. Ông Phùng Đức Nhân – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Cửa Lò cũng cho biết: Chúng tôi hy vọng sau khi tầm soát, lượng F0 trên địa bàn sẽ giảm và học sinh Cửa Lò sẽ đi học trực tiếp từ đầu tuần tới. Quan điểm của thị xã cũng là tổ chức dạy học trực tiếp để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.

Huyện Nghĩa Đàn cũng đang tổ chức dạy học trực tuyến để ổn định tình hình sau khi trên địa bàn xuất hiện nhiều ca bệnh F0. Dự kiến từ ngày mai, những lớp và trường học không có học sinh sẽ tổ chức để học sinh trở lại học trực tiếp bình thường.

Phương án dạy học trực tiếp đang được nhiều địa phương triển khai. Ảnh: MH
Phương án dạy học trực tiếp đang được nhiều địa phương triển khai. Ảnh: MH

Huyện Thanh Chương có hơn 10.000 công dân về quê ăn Tết. Do đó, trong những ngày qua số F0 trên địa bàn tăng nhanh, có ngày trên 200 ca và xuất hiện những ổ dịch bùng phát nhanh trong cộng đồng. Từ thực tế này, huyện Thanh Chương đang cho học sinh mầm non nghỉ học đến ngày 11/2 và các bậc học còn lại chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến cho đến khi có thông báo mới.

Theo ông Trần Xuân Hà – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Thanh Chương cũng cho biết: Qua rà soát, toàn huyện có 69 học sinh và hơn 10 giáo viên thuộc diện F0. Trước đó, Thanh Chương đã tận dụng được thời gian vàng để dạy học trực tiếp nên huyện không chịu áp lực về chương trình, nhiều trường tiểu học đã dạy đến tuần 25 và bậc THCS và THPT dạy đến tuần 21, 22. Vì vậy, chủ trương của huyện là tổ chức dạy học trực tuyến đến khi dịch cơ bản khống chế và đảm bảo được an toàn.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng ưu tiên dạy học trực tiếp

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành cho biết: Dịch bệnh Covid - 19 đang có xu hướng diễn biến phức tạp và điều này sẽ tác động lâu dài đến ngành Giáo dục. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, ngành Giáo dục chia sẻ với những áp lực của các phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường khi tổ chức cho học sinh trở lại đi học trực tiếp.

Hội nghị được tổ chức tại 21 điểm cầu ở 21 huyện, thành thị. Ảnh: MH
Hội nghị được tổ chức tại 21 điểm cầu ở 21 huyện, thành, thị. Ảnh: MH

Để làm tốt công tác tổ chức dạy và học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà trường phải làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh, học sinh yên tâm và tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Bên cạnh đó, các nhà trường phải thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để thông tin kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ, của tỉnh và của ngành về công tác phòng chống dịch.

Về việc tổ chức dạy và học, quan điểm của Sở là vẫn ưu tiên dạy học trực tiếp để ổn định việc dạy học ở các nhà trường và không ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Tuy nhiên, tùy theo diễn biến của dịch và đặc thù của các địa phương, việc chỉ đạo có thể linh hoạt "dịch ở đâu sẽ khoanh vùng ở đó, vừa tổ chức dạy học trực tiếp, vừa tổ chức dạy học trực tuyến".

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MH
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Khoa phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MH

Các nhà trường cũng không được chủ quan trong quá trình tổ chức dạy học, thực hiện giãn cách cục bộ đối với những lớp, những trường có số lượng học sinh F0 nhiều.

Hiện nay, theo tổng hợp của ngành tỷ lệ tiêm chủng đối với học sinh trong toàn tỉnh đã đạt trên 90%, trong đó riêng bậc THPT là trên 97% và đã miễn dịch cộng đồng. Vì thế trong thời gian tới, người đứng đầu ngành Giáo dục của tỉnh cũng cho rằng: Ngành Giáo dục Nghệ An đang từng bước hướng tới không có khái niệm trường học trực tuyến để ưu tiên dạy học trực tiếp. Nếu trường có lớp có học sinh F0 thì sẽ tiến hành khoanh vùng cục bộ, chuyển sang dạy học trực tuyến.

Thời gian còn lại của năm học, lãnh đạo Sở cũng đề nghị các nhà trường quan tâm đến chất lượng dạy học. Trong đó, cần kiểm tra đánh giá lại năng lực học sinh để tiến hành phụ đạo, bồi dưỡng thêm cho học sinh.

Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine ở học sinh từ 12 tuổi trở lên tại Nghệ An đã đạt trên 92%. Ảnh: MH
Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine ở học sinh từ 12 tuổi trở lên tại Nghệ An đã đạt trên 92%. Ảnh: MH

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác ôn tập đối với học sinh cuối cấp, đặc biệt là học sinh lớp 12, chú trọng đến các kỳ thi kiểm tra năng lực để phù hợp với xu thế, bối cảnh mới. Trong quá trình triển khai, cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh, học sinh để sớm báo cáo với Sở để kịp thời tháo gỡ những khó khăn và có các chương trình hỗ trợ kịp thời cho học sinh và các nhà trường.


Mỹ Hà