Không nói dai, viết dài

Anh Đặng 11/02/2022 09:52

(Baonghean.vn) - Thời đại 4.0, nói, viết sao cho gọn, đủ, chính xác, hấp dẫn, thiết thực là một yêu cầu đối với người cán bộ, nhất là các vị lãnh đạo.

Đi họp mà gặp những người hay nói dai, đọc tài liệu, báo chí mà gặp những bài viết dài là rất nhiều người ngại. Viết dài thì chọn đoạn cần mà đọc, đoạn không cần thì lướt qua. Đại biểu nói dai còn có người chịu trách nhiệm “can thiệp”, người có chức vụ cao mà nói dai thì chỉ có nước ngồi mà chờ hết giờ hoặc “thoa điện thoại”!

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Thời đại 4.0, nói, viết sao cho gọn, đủ, chính xác, hấp dẫn, thiết thực là một yêu cầu đối với người cán bộ, nhất là các vị lãnh đạo. Nói dài mà càng nói càng lắm thông tin, càng hấp dẫn, viết dài mà càng viết càng sâu, không thừa; ngắn gọn nhưng đủ là thể hiện vốn kiến thức sâu rộng, có kinh nghiệm, năng lực, phương pháp nhuần nhuyễn và cả một quá trình chuẩn bị nghiêm túc. Người nghe, người đọc nhờ đó mà mở rộng thông tin, nâng tầm nhận thức, được truyền cảm hứng, năng lượng, thật sự bổ ích.

Nói ngắn, viết gọn nhưng phải đủ. Chỉ vì ngắn mà “chặt trốc ếch”, thiếu đầu thiếu đuôi là hỏng. Chi tiết, đầy đủ nhưng “con cà con kê”, thiếu logic,... không thiết thực, không hấp dẫn thì người ta không muốn nghe, chán đọc, cũng hỏng!

Thực tế tại một số hội nghị, có những vị - nhất là lãnh đạo, khi phát biểu gần như không quan tâm đến thời gian, thậm chí không quan tâm mình nói có ai nghe hay không? Có những vị “đồng quang sang đồng rậm”, nhớ gì nói nấy, thiếu sự chuẩn bị, nội dung chung chung, thiếu trọng tâm, trọng điểm, hô hào lãng xẹt, nói đi nói lại,... người nghe chỉ vì trách nhiệm, vì nể mà ngồi, thực tế “vô tai này ra tai khác”. Cũng tương tự, có những bài viết “công thức”, “thượng chứng hạ bài”, “đường xưa lối cũ” nhàm chán, rất ít người đọc và thiếu sức lan tỏa. Nói mà người ta không muốn nghe, viết mà người ta không muốn đọc thì thật đáng buồn.

Bác Hồ từng dạy: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Người cũng từng phê phán: Nói dai phạm ba khuyết điểm: Dốt, không nói được cho ngắn gọn - Mình dốt mà tưởng người khác cũng dốt như mình – Làm lãng phí thời gian của nhiều người!

Trong hoạt động, sinh hoạt của người cán bộ có rất nhiều nội dung, nhiều tố chất cần phải có. Việc học tập, rèn luyện để viết, nói cho đúng, cho gọn, cho thiết thực là điều cần được quan tâm. Đó cũng là một nội dung trong cải cách hành chính mà chúng ta đang thực hiện.

Anh Đặng