Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
(Baonghean.vn) - Chuyển đổi số đã trở thành xu thế và mệnh lệnh hành động khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0). Nông nghiệp Nghệ An đã và sẽ làm gì để ứng dụng hiệu quả công nghệ và đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số?
CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ XU THẾ VÀ GIẢI PHÁP
Năm 2021 trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 thì nông nghiệp tiếp tục ghi dấu ấn và là một trong những trụ đỡ của nền kinh tế nước ta. Bất chấp những khó khăn của ngày đầu của làn sóng dịch thứ 4 trở lại, điệp khúc được mùa rớt giá và câu chuyện ùn ứ hàng nông sản ở Cửa khẩu các tỉnh phía Bắc những ngày đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản nước ta lần đầu tiên đạt con số kỷ lục là xấp xỉ 60 tỷ đô la Mỹ. Để có được thành tích ấn tượng trên, một trong những thành công của nông nghiệp, nông dân nước ta là đã ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kết nối cung cầu cho sản phẩm.
Nông dân Yên Thành thu hoạch cam Vinh. Ảnh: Tiến Đông |
Rõ ràng, trong bối cảnh các hoạt động giao thương bị gián đoạn, ngưng trệ vì yêu cầu phòng dịch theo phương án Zero Covid, thì giới thiệu, bán sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm nông nghiệp nói riêng qua mạng online là giải pháp “cái khó, ló cái khôn”. Nhiều tỉnh, trong đó nhất là các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Hưng Yên,… do dịch bị phong tỏa trong lúc cà rốt hay vải thiều, nhãn lồng đúng vụ thu hoạch nên đã chủ động livetream giới thiệu mua bán hàng trực tuyến.
Nhờ được các bộ, ngành và các tập đoàn lớn, chuyên gia kết nối, tư vấn hướng dẫn, bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp các tỉnh bổ sung, hoàn thiện thêm các điều kiện, hồ sơ bán hàng online trên nền tảng trực tuyến nên trong bối cảnh dịch ở nước ta khá phức tạp nhưng các sản phẩm, nhất là vải thiều, nhãn lồng vẫn đến được với thị trường cả nước và hơn thế còn xuất khẩu đi một số thị trường châu Âu. Tiếp theo bài học của Bắc Giang, Hưng Yên, các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang và một số tỉnh phía Nam cũng tổ chức hội chợ, livestream bán hàng online.
Dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh tại Quỳ Hợp. Ảnh: Quang An |
Song song với khâu tổ chức bán hàng trực tuyến, ngành cũng từng bước triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho chuyển đổi số. Hiện nay, mặc dù khối HTX và kinh tế hộ việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế nhưng đã có những tập đoàn, trang trại lớn trên lĩnh vực nông nghiệp đã ứng dụng được một trong những nội dung của chuyển đổi số vào sản xuất như ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa vào theo dõi nhiệt độ trong mô hình nhà lưới để phun tưới cho cây. Chỉ cần một thiết bị cảm biến trong nhà kính báo các chỉ số trong nhà vườn, thì chủ nhà vườn từ xa có thể bật hệ thống phun tưới hay pha chế các loại dung dịch phân bón tương ứng để chăm sóc cây, quả…
Tại Nghệ An, mặc dù khởi động chậm hơn một chút nhưng trên nền tảng các sản phẩm được xây dựng hồ sơ quản lý chất lượng, nhãn hiệu hay xây dựng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP đã có một số sản phẩm cam, chanh, ổi và một số hải sản khác đã được cấp mã vạch, dán mã QR, nông nghiệp đã có những bước đi đầu tiên trong ứng dụng chuyển đổi số.
Tàu vỏ sắt phục vụ đánh bắt xa bờ có một số trang thiết bị hiện đại nhưng ngư dân sử dụng chưa quen. Ảnh: Nguyễn Hải |
Mới đây, ngành Nông nghiệp đã cùng với Tập đoàn Viettel ứng dụng phần mềm mang tên gọi Vỏ sò để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; đồng thời phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức sự kiện livestream giới thiệu cam ở Yên Thành. Bên cạnh đó, trên cơ sở nhãn QR được cung cấp, một số nhà vườn, hộ gia đình đã tổ chức livestream giới thiệu và bán hàng qua mạng. Nhờ mở ra hướng đi này nên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cam, ổi, rau sạch… vẫn đến được với người tiêu dùng, ít xảy ra hiện tượng ùn ứ, ế đọng như năm đầu mới xảy ra dịch.
Mặc dù Bộ Nông nghiệp & PTNT mới có văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số nhưng tỉnh đã có những bước đi đầu tiên trong chuyển đổi số. Cùng với hình thành bộ khung để tham mưu, chỉ đạo cho lãnh đạo sở, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những nội dung bước đi đầu tiên của chuyển đổi số.
CHUYỂN ĐỔI SỐ NÔNG NGHIỆP - NGHỆ AN CẦN LÀM GÌ
Đại diện Phòng Quản lý khoa học công nghệ, Sở Nông nghiệp & PTNT cũng cho biết, lĩnh vực nông nghiệp do hạ tầng còn nhiều bất cập và các nền tảng công nghệ thông minh, từ con người đến các phần mềm còn hạn chế nên chắc chắn quá trình triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, đây là lĩnh vực mới, mở ra triển vọng, tìm đầu ra cho nông nghiệp nên chắc chắn ngành sẽ nghiên cứu, chuẩn bị nghiêm túc.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp cần hiểu đó là quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu phần mềm số hóa lĩnh vực nông nghiệp trên cơ sở đó ứng dụng công nghệ thông minh và công nghệ hiện đại vào sản xuất, chăm sóc, quản lý và bán hàng. Theo đó, căn cứ vào các chỉ số mã vạch hoặc mã QR mà cơ quan chức năng cấp cho từng sản phẩm, các đối tác và khách hàng có thể chỉ dùng một chiếc điện thoại thông minh smartphone dù ngồi bất kỳ đâu cũng có thể biết được hàng hóa mình đặt mua có quá trình sản xuất sản phẩm ấy như thế nào, được giám sát bởi ai và ai là người chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm ấy.
Dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh. Ảnh: Quang An |
Ông Cao Xuân Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh là thành viên được tham gia mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh tại Nhật Bản chia sẻ: Sở dĩ bất kỳ người dân ở Nhật Bản nào làm nông nghiệp, nếu sản xuất ra nhưng tiêu dùng trong gia đình không hết thì có thể mang ra bất kỳ cửa hàng thuộc chuỗi siêu thị nào ở gần để ký gửi, nhờ bán. Khách hàng bất kỳ đến mua và yên tâm dùng sản phẩm mà không lo nghĩ về chất lượng vì mỗi sản phẩm đều gắn liền với tên tuổi của từng chủ hộ đã được cơ quan chức năng giám sát, cấp phép. Nếu chủ hộ đó sản xuất hàng không đảm bảo chất lượng để cơ quan chức năng giám định, phát hiện có dư lượng hóa chất khiến khách hàng ngộ độc thì hộ đó phải chịu trách nhiệm đến cùng và cơ hội để các sản phẩm của mình với thị trường không còn.
Ở khía cạnh khác, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp còn bao gồm trang bị các thiết bị, phần mềm cảm ứng thông minh trên khu vườn hay gia trại của mình, người làm vườn không nhất thiết phải có mặt tại gia trại. Sau khi được đầu tư đồng bộ, mỗi nông dân thông minh cùng một lúc có thể chăm sóc, quản lý hàng trăm ha rau màu, gia trại cây ăn quả vì chỉ cần 1 thao tác trên phần mềm thông minh thì vườn sẽ được tưới, lô sản phẩm bị lỗi sẽ được phát hiện; quy trình trên được kết nối với hệ thống quản lý, giám sát chất lượng nên không thể tùy tiện khai thác, thu hoạch sau khi phun, tưới các dung dịch, hóa chất mà chưa đủ ngày.
Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An trả lời phỏng vấn tại chương trình livestream cam ở Yên Thành cuối năm 2021. Ảnh tư liệu Tiến Đông |
Từ thực tế trên có thể cho thấy, chuyển đổi số trong nông nghiệp ở nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng đang ở mức độ sơ khai. Trên thực tế, trong hơn 1.200 nhãn hiệu hàng hóa được tỉnh kiểm tra và cấp nhãn hiệu, thì mới chỉ có vài chục sản phẩm nông nghiệp tỉnh có mã vạch hay dán QR. Đầu tư cho trang thiết bị cũng còn hạn chế, tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ đủ lớn khiến doanh nghiệp chưa mặn mà và người dân khó tiếp cận. Trên địa bàn hiện mới chỉ một số mô hình nhà lưới, nhà màng do doanh nghiệp, chủ trang trại lớn trên địa bàn Nghĩa Đàn, TX Thái Hòa ứng dụng công nghệ tự động vào giám sát, điều chỉnh phun tưới cho cây; các mô hình doanh nghiệp, trang trại, hộ gia đình tự tổ chức livestream bán hàng còn rất ít và chưa thu hút được lượt người xem, tương tác lớn.
Chính vì thế, để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trên lĩnh vực nông nghiệp, theo chúng tôi tỉnh cần sớm ban hành lộ trình thực hiện, theo đó cùng với tiếp tục nghiên cứu cơ chế thuê lại đất của nông dân hoặc tổ chức dồn điền, đổi thửa 1 lần nữa để tích tụ ruộng đất cho doanh nghiệp, hộ nông dân có năng lực đầu tư hạ tầng, làm nông nghiệp thông minh. Mặt khác, tỉnh cũng cần hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm, trình diễn; thường xuyên động viên, đồng hành với nông dân trong kết nối, tổ chức các diễn đàn, gian hàng bán hàng trực tuyến; có cơ chế để các sản phẩm sạch, uy tín được vào các trang mạng bán hàng trực tuyến quốc gia, quốc tế để khuyến khích nông dân làm và tiêu dùng các sản phẩm sạch, đạt chuẩn an toàn./.