Nghệ An: Nông dân lắp đặt hệ thống sưởi bằng điện, gas chống rét cho đàn gia cầm
(Baonghean.vn) -Trước thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn Nghệ Án đang phải tập trung chống rét, ủ ấm, nhằm đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi sau khi tái đàn.
Sau khi xuất bán lứa gà thịt phục vụ cho thị trường dịp Tết, gia đình anh Nguyễn Văn Đồng ở xóm 2, xã Diễn Trung (Diễn Châu), đang tập trung vào việc tái đàn. Lứa gà mới này gia đình anh Đồng nuôi hơn 20.000 con tại 5 trại. Thời điểm này, khi gặp thời tiết rét đậm, rét hại, gia đình anh Đồng đã phải căng bạt xung quanh trại, đồng thời tiến hành đốt than, lắp đặt hệ thống sưởi bằng gas để sưởi ấm cho gà.
Anh Đồng cho biết: Ngoài việc xây dựng hệ thống chuồng trại đảm bảo mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông, tránh gió trực tiếp, thì khi trời rét, cần phải đảm bảo nhiệt độ phù hợp cho gà trong suốt quá trình chăn nuôi, nhất là đối với gà con mới thả. Hiện tại, ngoài việc rải trấu làm lớp lót giữ ấm sàn, anh Đồng đã đầu tư mỗi gian nuôi từ 5-7 lò than đá cùng với lò sưởi bằng gas, vào ban đêm hoặc sáng sớm khi nhiệt độ xuống thấp, anh sẽ đốt lò lên để sưởi ấm cho đàn gà.
Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài, nhiều hộ chăn nuôi đã phải đốt than để sưởi ấm cho đàn gà. Ảnh: Tiến Đông |
"Dù chi phí đầu tư sẽ đội lên khi lắp đặt hệ thống sưởi nhưng ngược lại đàn gia cầm sẽ có sức khỏe ổn định hơn" - anh Đồng chia sẻ.
Tại xã Diễn Trung, hiện nay có đến 142 hộ nuôi gia súc, trung bình mỗi hộ nuôi tầm 5.000 con gà, mỗi năm nuôi khoảng 3 lứa, đạt 340.000 con. Ông Trần Văn Dung - Chủ tịch UBND xã Diễn Trung cho biết: Là địa phương có đàn gia cầm lớn nhất của huyện, nên ngay từ đầu năm, xã đã cử cán bộ phụ trách nông nghiệp tập trung bám sát, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi đảm bảo phòng, chống dịch, chống rét cho đàn gia súc một cách quyết liệt.
Đàn gà ngoài việc được sưởi ấm bằng than còn được sưởi ấm bằng bóng điện hồng ngoại. Ảnh: Tiến Đông |
Sau 1 năm chăn nuôi gia cầm thắng lợi, hiện nay các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Diễn Châu đang tập trung dọn dẹp chuồng trại và tái đàn mới. Theo kế hoạch, năm 2022, toàn huyện sẽ đạt hơn 1,4 triệu con gia cầm.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cho biết: Thời điểm này thời tiết có nhiều bất lợi, nhưng với kinh nghiệm lâu năm, hầu hết các hộ chăn nuôi đều thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, chống rét cho đàn gia cầm. Huyện cũng khuyến cáo trước khi thả lứa mới, người dân cần phải sửa sang chuồng trại, nhất là đối với những chuồng trại từ năm ngoái bị dịch cúm thì cần phải tập trung hơn trong khâu tầm soát dịch và vệ sinh khu vực chăn nuôi.
Việc sưởi ấm sau khi thả sẽ giúp đàn gà chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt. Ảnh: Tiến Đông |
Ngoài huyện Diễn Châu, hầu hết các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu... cũng rất quan tâm đến công tác phòng, chống rét.
Anh Phạm Hồng Vinh ở xóm 9, xã Nghi Trường (Nghi Lộc), sau lứa gà Tết, đã tiếp tục thả hơn 5.000 con gà. Do thả đúng vào thời điểm rét đậm nên anh Vinh đã phải gia cố lại chuồng trại, che bạt xung quanh, khi nhiệt độ xuống quá thấp còn phải đốt than để sưởi ấm cho đàn gà. Theo anh Vinh, chỉ với gà mới thả thì mới cần phải chăm sóc, ủ ấm ở chế độ đặc biệt, sau khoảng 1 tháng, khi gà cứng cáp thì có thể cắt giảm lò than để cho gà thích ứng với môi trường tự nhiên.
Dù lắp đặt thiết bị sưởi ấm sẽ tốn kém chi phí nhưng đổi lại đàn gia cầm sẽ ít bị bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Tiến Đông |
Ông Ngô Đức Quỳnh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: Thời điểm này thời tiết không thuận lợi, thường xảy ra rét đậm, rét hại, để đảm bảo sức khỏe cho đàn gia cầm, nhất là sau khi thả lứa mới, người dân cần theo dõi thường xuyên tình hình thời tiết cũng như sức khỏe của đàn gia cầm để có thể điều chỉnh chế độ ăn và chăm sóc phù hợp.
Đặc biệt, ông Quỳnh cũng khuyến cáo, đối với những hộ chăn nuôi dùng than đá và gas để sưởi ấm cho gà cần phải chú ý đến việc thông thoáng khí, tránh để nhiệt độ quá cao, gây sốc nhiệt và ngộ độc khí cho đàn gia cầm.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, phân công cán bộ phụ trách, theo dõi, chủ động đối phó với tình hình thời tiết phức tạp. Đảm bảo vệ sinh chuồng trại trước khi tái đàn, tránh việc tái đàn một cách ồ ạt khi chưa chuẩn bị kỹ càng, sẽ gây thiệt hại không nhỏ một khi dịch bệnh và rét đậm, rét hại kéo dài.