Tìm giải pháp nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên
(Baonghean.vn) - Nghệ An đề xuất được tham gia các dự án tái thiết thiên tai, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội cho các vùng bị ảnh hưởng nhiều của thiên tai.
Chiều 23/2, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nghệ An tham gia Hội nghị trực tuyến về giải pháp phòng, chống thiên tai khu vực Miền trung và Tây Nguyên.
Đồng chí Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phú Hương |
Tần suất thiên tai cao hơn và mức độ khốc liệt hơn so với cả nước
Miền Trung và Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố, là khu vực địa hình phức tạp, có trên 1.900 km bờ biển; hệ thống sông, suối dày đặc, ngắn, dốc với trên 740 sông. Đây là nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở nước ta nhưng với tần suất cao hơn và mức độ khốc liệt hơn các khu vực khác như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất, lốc tố, dông sét, rét hại, rét đậm,... gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển KT-XH.
Trong khi đó, đây là nơi có số lượng tàu thuyền lớn nhất cả nước, chiếm 60,83%, trong khi với 42 khu neo đậu có sức chứa 30.050 tàu/57.530 tàu, mới chỉ đáp ứng trên 50% nhu cầu. Khu vực này cũng là nơi nuôi trồng hải sản lớn nhất cả nước với trên 85.257 ha nuôi trồng, hơn 4.300 hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An kiểm tra tình hình hạn hán trên lúa vụ hè thu tại huyện Nghi lộc. Ảnh: Phú Hương |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trần Quang Hoài nhấn mạnh: Thời gian tới, các tỉnh cần tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo; cũng như nâng cao chất lượng, khả năng phòng chống thiên tai, bảo vệ hệ thống hồ chứa, đê điều, công trình hạ tầng gây cản lũ; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển.
Đặc biệt, tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai; xây dựng giải pháp thoát lũ và bảo đảm an toàn các đô thị, khu dân cư, sản xuất thích ứng thiên tai, với chủ trương “chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai”; tăng cường giải pháp tổng hợp phòng chống sạt lở đất, lũ quét cũng như ứng phó với bão mạnh, nước biển dâng.
Cánh đồng lúa cháy khô do hạn hán ở Nghi Hoa, Nghi Lộc trong vụ hè thu 2019. Ảnh: Phú Hương |
Ban chỉ đạo về phòng, chống thiên tai cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia, trong đó có khu vực miền Trung và Tây Nguyên; với một số nội dung chủ yếu như: Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; hoàn thành triển khai Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn khu vực miền Trung và Tây Nguyên…
Nghệ An xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai tổng thể
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với địa hình đa dạng, khí hậu khắc nghiệt, hàng năm có nhiều đợt thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề như hạn hán, mưa lụt, rét đậm rét hại, lốc…
Nghệ An tham gia Hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu. Ảnh: Phú Hương |
Trong thời gian tới, dự báo biến đổi khí hậu gây mưa lụt bất thường, khả năng mất an toàn phòng chống lũ của các công trình là rất cao; do diện tích miền núi chiếm tới 83% nên nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; độ an toàn của hệ thống hồ chứa thấp do nhiều nguyên nhân.
Ngoài các giải pháp trước mắt như hoàn thiện hệ thống dự báo, cảnh báo; có phương án sơ tán dân cư, xử lý sự cố; về lâu dài, Nghệ An xác định một số giải pháp như: Xây dựng chương trình tuyên truyền giảm nhẹ rủi ro thiên tai đến tận từng gia đình, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai tổng thể trên cơ sở hệ thống thông tin đa chiều, xây dựng bản đồ ngập lụt tương ứng với từng kịch bản mưa lũ…
Nâng cấp tuyến đê biển Sầm Sầm (Hoàng Mai) để nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai. Ảnh: Phú Hương |
Nghệ An đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đề xuất lên Chính Phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số nội dung như: hỗ trợ nâng cấp hệ thống đê biển; phân loại, phân cấp đối với hệ thống đê điều để làm cơ sở cho việc phân cấp quản ý; ban hành quy chế phối hợp với Lào về việc cung cấp thông tin mưa lũ trên lưu vực Sông Cả thuộc lãnh thổ nước bạn Lào để Nghệ An chủ động, kịp thời ứng phó trong mùa mưa lũ.
Nghệ An cũng đề xuất được tham gia các dự án tái thiết thiên tai, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội cho các vùng bị ảnh hưởng nhiều của thiên tai trên địa bàn.