8 huyện, thị ở Nghệ An có 100% xã phường đạt chuẩn tiếp cận về pháp luật

G.Huy 27/02/2022 06:50

(Baonghean.vn) - Trong năm 2021, toàn tỉnh Nghệ An có 355/460 xã, phường đạt chuẩn tiếp cận về pháp luật.

Trong đó có 8 huyện, thị có tỷ lệ xã phường đạt chuẩn 100 %, bao gồm thành phố Vinh (25/25 phường xã đạt chuẩn); huyện Đô Lương (33/33 xã, thị trấn đạt chuẩn); huyện Nghi Lộc (29/29 xã, thị trấn đạt chuẩn); huyện Diễn Châu (37/37 xã thị trấn đạt chuẩn); huyện Yên Thành (39/39 xã, thị trấn đạt chuẩn); Huyện Quỳnh Lưu 33/33 xã, thị đạt chuẩn), thị xã Hoàng Mai (10/10 xã, phường đạt chuẩn); thị xã Cửa Lò (7/7 phường đạt chuẩn).

Người dân đến làm thủ tục cải chính tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả Trung tâm giao dịch một cửa huyện Diễn Châu. Ảnh: P.V
Người dân đến làm thủ tục cải chính tại Bộ phận tiếp nhận và Trả kết quả Trung tâm giao dịch một cửa huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu: P.V

105 đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn tập trung nhiều ở các huyện miền núi như Kỳ Sơn có 17/21 xã, thị chưa đạt chuẩn; huyện Tương Dương 11/17 xã, thị chưa đạt chuẩn; huyện Nghĩa Đàn có 15/23 xã, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; huyện Tân Kỳ có 19/22 xã, thị trấn chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

BĐBP Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân xã biên giới. Ảnh tư liệu
BĐBP Nghệ An tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân xã biên giới. Ảnh tư liệu

Một số đơn vị có số lượng xã phường đạt chuẩn còn thấp như huyện Con Cuông chỉ có 01 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là xã Chi Khê/13 xã, thị.

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, việc đánh giá về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật sẽ được thực hiện theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của thủ tướng Chính phủ và Quyết định này sẽ thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sửa đổi khoa học, khả thi, phù hợp với thực tiễn: gồm 05 tiêu chí với 20 chỉ tiêu, là công cụ đo lường mức độ hoàn thành trách nhiệm được giao của chính quyền cấp xã trong tổ chức thi hành pháp luật, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa ở cấp cơ sở. Trọng tâm là việc xây dựng và ban hành văn bản theo thẩm quyền để tổ chức và bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật trên địa bàn; tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tổ chức tiếp công dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, thủ tục hành chính; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

So với Quyết định 619/QĐ-TTg, bộ tiêu chí đã được lược bỏ 08 chỉ tiêu trùng lắp, không thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã; 16 chỉ tiêu được kế thừa nhưng có sự chỉnh sửa để phù hợp, khả thi, đề cao tính đầy đủ, kịp thời, đúng quy định trong thực hiện trách nhiệm của chính quyền cấp xã; đồng thời bổ sung mới 04 chỉ tiêu theo hướng chú trọng tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, sự gương mẫu của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và chấp hành pháp luật, bảo đảm an toàn về an ninh, trật tự… nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc tiếp cận với pháp luật và các quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải đáp ứng đầy đủ 03 điều kiện:

- Tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 80 điểm trở lên

- Tổng số điểm của từng tiêu chí đạt từ 50% số điểm tối đa trở lên

- Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm mới của quy định về điều kiện là áp dụng mức điểm tổng chung thống nhất, không phân loại cấp xã loại I, loại II và loại III nhằm bảo đảm sự công bằng cho người dân cả nước trong thụ hưởng quyền, lợi ích theo quy định của pháp luật.

Quyết định mới cũng bỏ điều kiện về kết quả đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính ở cấp xã tại Quyết định số 619/QĐ-TTg vì thực tiễn cho thấy việc thực hiện quy định này còn hình thức.

Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục thực hiện theo quy trình cấp xã tự đánh giá và cấp huyện đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được sửa đổi theo hướng tăng cho cả cấp xã và cấp huyện, bảo đảm phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ được giao của từng cấp.

G.Huy