Phát huy vai trò nòng cốt của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở

Thành Duy 28/02/2022 18:42

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở Đề án do Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phê duyệt và báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có thông báo kết luận để tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của Bộ đội Biên phòng trong tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Chiều 28/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 2/2022. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban Đảng Trung ương và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy;…

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy

HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC CỦNG CỐ

Tại phiên làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào dự thảo Đề án Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã, khối, xóm, thôn, bản khu vực biên giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2026.

Hiện nay, Nghệ An có 61 xã, phường biên giới, ven biển thuộc 11 huyện, thị với dân số 106.800 hộ/463.450 nhân khẩu với 6 dân tộc; trong đó có 22/27 xã biên giới đất liền thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Về tổ chức đảng, có 61 đảng bộ/749 chi bộ với 17.668 đảng viên.

Đầu năm 1999, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã nhất trí chủ trương điều động 28 cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường cho các xã biên giới, ven biển.

Đại tá Lê Như Cương - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh trình bày dự thảo đề án. Ảnh: Thành Duy

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên triển khai 27 đảng viên là cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường cho 27 xã biên giới đất liền, giữ chức danh Phó Bí thư, một số đồng chí giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã biên giới từ năm 2002 đến nay; đồng thời chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với các xã, phường giới thiệu chuyển, duy trì thường xuyên 80 đảng viên sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ xóm thuộc địa bàn xung yếu, phức tạp từ năm 2005 đến nay.

Cùng với đó, từ tháng 9/2021, có 4 cán bộ Bộ đội Biên phòng được chỉ định tham gia cấp ủy 4 huyện biên giới theo chủ trương của Trung ương và tỉnh.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp; sự vào cuộc của các lực lượng và của toàn dân nói chung, đặc biệt của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, hệ thống chính trị cơ sở tại các địa phương trên không ngừng được củng cố, kiện toàn; từng bước đi vào hoạt động có nề nếp, hiệu quả, phát huy được vai trò hạt nhân trong đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò to lớn của quần chúng Nhân dân.

Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân trồng rau tư liệu. Ảnh: Hải Thượng
Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân trồng rau xanh. Ảnh tư liệu Hải Thượng

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới của tỉnh, nhất là ở khối, xóm, thôn, bản còn nhiều bất cập như: Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, phát triển đảng viên ở cơ sở, nhất là ở vùng đặc thù còn nhiều khó khăn; trình độ, năng lực của một số cán bộ, nhất là cấp xóm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Ở một số nơi, công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn;…

Từ những kết quả đạt được và cả những hạn chế, tại cuộc làm việc, các ý kiến thảo luận đều thống nhất nhận định việc ban hành Đề án "Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở xã, khối, xóm, thôn, bản khu vực biên giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2026" là rất cần thiết, nhằm phát huy vai trò của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh trong việc góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở khu vực biên giới vững mạnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Tuy nhiên, các ý kiến trao đổi về việc Đề án này do Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành hay do Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đánh giá, trong dự thảo Đề án, Biên phòng tham mưu rất chi tiết, cụ thể, trong đó chủ thể thực hiện các nhiệm vụ là lực lượng Bộ đội Biên phòng. Với tư duy tiếp cận như vậy thì Đề án nên để Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh ban hành, còn Ban Thường vụ Tỉnh ủy chấp thuận.

Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng cần nhắc vấn đề Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nêu ra là nếu Đề án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành thì hiệu lực sẽ lớn hơn, giao nhiệm vụ được các ngành, các cấp khác cùng lực lượng Biên phòng thực hiện nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trên cơ sở phân tích, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua và giao nhiệm vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh phê duyệt Đề án; đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho một số ngành phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện.

PHỐI HỢP CHẶT CHẼ GIỮA BĐBP TỈNH VÀ CÁC CẤP, NGÀNH

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá, Bộ đội Biên phòng tỉnh là lực lượng nòng cốt, chủ công và trong thời gian dài vừa qua thực hiện và mang lại hiệu quả rất rõ, thiết thực trong việc xây dựng, củng cố chính trị ở cơ sở thuộc khu vực biên giới.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận và tham mưu của Văn phòng Tỉnh ủy về mặt quy trình, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đảng ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp thu các ý kiến hoàn thiện và phê duyệt, ban hành Đề án.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận cuộc làm việc.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Ban Thường Tỉnh ủy sẽ có thông báo để Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục thực hiện chủ trương này trong thời gian tới với quan điểm sát hơn, tập trung cao hơn; đồng thời yêu cầu sự quan tâm, phối hợp của các đơn vị, ban, ngành liên quan và cụ thể hóa cơ chế chính sách của UBND tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả Đề án, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp chặt chẽ, gắn kết với các ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức được tỉnh phân công giúp đỡ các xã nghèo, vùng khó khăn, bãi ngang ven biển để cùng nhau tham gia củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.

Cũng tại phiên làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thông qua chủ trương đầu tư dự án khu đô thị mới tại phường Đông Vĩnh, TP. Vinh; Nhà máy may An Hưng 2, tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành; thông qua chủ trương về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện Đề án Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030 và một số nội dung khác.

Thành Duy