Người cha đặc biệt của Làng trẻ em SOS

Tiến Hùng 05/03/2022 06:51

(Baonghean.vn) - Sinh ra ở nước Áo xa xôi, nhưng ông Kutin có một tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Từng là một đứa trẻ mồ côi, ông Kutin đã dành trọn cuộc đời của mình để giúp đỡ những đứa trẻ cùng cảnh ngộ.

Người đặt nền móng cho Làng trẻ em SOS ở Việt Nam

Những ngày đầu tháng 3, Làng trẻ em SOS Vinh đón một người đặc biệt, là người đặt nền móng cho làng trẻ em này nói riêng và hệ thống Làng trẻ em SOS ở Việt Nam nói chung. Đó là ông Helmut Kutin - người từng có gần 30 là Chủ tịch Làng trẻ em SOS quốc tế, và hiện là Chủ tịch danh dự của tổ chức phi chính phủ này.

Ông Kutin thăm hỏi những đứa trẻ ở Làng trẻ em SOS Vinh. Ảnh: T.H
Ông Kutin thăm hỏi những đứa trẻ ở Làng trẻ em SOS Vinh. Ảnh: T.H

Dù đã sắp bước sang tuổi 82, nhưng ông Kutin vẫn còn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Người đàn ông cao lớn này không còn xa lạ đối với toàn bộ thành viên trong làng. Trong những ngày ở đây, ông dành phần lớn thời gian để đến thăm những đứa trẻ mồ côi đang được Làng trẻ em SOS Vinh nuôi dưỡng. Với vốn tiếng Việt khá thành thục, ông lần lượt hỏi thăm từng đứa con. Sợ ảnh hưởng sức khỏe của các con, ông thậm chí còn nhịn thói quen hút thuốc lá liên tục của mình. “Trước đây tôi đến Việt Nam liên tục, rồi đi khắp các làng để thăm hỏi. Nhưng 2 năm nay do dịch bệnh nên bị ngưng trệ, đến bây giờ mới trở lại Việt Nam được. Nhớ chúng lắm”, ông Kutin nói, trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Nghệ An.

Ông Kutin (trái), trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: T.H
Ông Kutin (trái), trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An. Ảnh: T.H

Helmut Kutin sinh ra trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ 2 đang diễn ra ác liệt. Chiến tranh cũng đã khiến ông trở thành một đứa trẻ mồ côi. Kutin sau đó được Hermann Gmeiner nhận vào Làng trẻ em SOS ở Áo, đây cũng là Làng trẻ em SOS đầu tiên trên thế giới.

Ông Kutin kể, đầu năm 1968, lần đầu tới Việt Nam cùng với vị cha đẻ của hệ thống Làng trẻ em SOS quốc tế - Hermann Gmeiner. Chàng trai trẻ sau đó quyết định ở lại Việt Nam chịu trách nhiệm xây dựng những ngôi làng SOS đầu tiên ở đất nước đang chịu rất nhiều mất mát vì chiến tranh này. Đến cuối năm 1968, Làng trẻ em SOS Gò Vấp hoàn thành. Thời điểm đó, đây là Làng trẻ em SOS lớn nhất thế giới, với 41 ngôi nhà, chăm sóc cho gần 400 trẻ em mồ côi.

Ít năm sau, Làng trẻ em SOS Đà Lạt cũng được thành lập, cả 2 làng đều do Kutin làm giám đốc. Tuy nhiên, hoạt động được hơn 1 năm thì Làng trẻ em SOS Đà Lạt buộc phải đóng cửa. Tháng 3/1976, ông rời Việt Nam để quay trở lại châu Âu. Không lâu sau, Làng trẻ em SOS Gò Vấp cũng dừng hoạt động, những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, các bà mẹ của làng đành phải mang theo chúng về quê, sống cuộc sống chật vật.

Dù đã sắp bước sang tuổi 82 nhưng ông Kutin vẫn còn khá khỏe mạnh. Ảnh: T.H
Dù đã sắp bước sang tuổi 82 nhưng ông Kutin vẫn còn khá khỏe mạnh. Ảnh: T.H

Những năm sau đó, ông Kutin nhiều lần cố gắng sang Việt Nam với hy vọng mở cửa trở lại các Làng trẻ em SOS nhưng không được chấp thuận. Tuy vậy, ông vẫn không bỏ rơi những đứa trẻ, khi thường xuyên gửi hàng hóa, tiền từ châu Âu về hỗ trợ các con. “Quãng thời gian đó tôi rất thất vọng. Nhưng tôi hiểu, giai đoạn đó Việt Nam vừa trải qua chiến tranh và vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Còn nhiều rào cản”, ông Kutin nói.

Đến năm 1987, khi Việt Nam đã bước sang giai đoạn mở cửa, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội đã gửi lời mời tới ông sang Việt Nam thảo luận. Ngay sau đó, các Làng trẻ em SOS đã hoạt động trở lại sau hơn 10 năm gián đoạn. Đây cũng là một trong những tổ chức nhân đạo đầu tiên đến với Việt Nam. Thời điểm này, ông Kutin lúc này đã là Chủ tịch Làng trẻ em SOS quốc tế, ông bắt đầu xây dựng thêm nhiều ngôi làng tương tự ở Việt Nam. Để rồi đến nay, cả nước đã có đến 17 ngôi làng ở khắp các tỉnh, thành từ Bắc đến Nam. Đó chính là sự ưu ái của Kutin dành cho đất nước mà ông xem như quê hương thứ 2, bởi hầu hết các nước khác chỉ có 1 đến 2 ngôi làng SOS.

Thần tượng Bác Hồ

Khi chúng tôi gặp Kutin, ông đang khoác lên mình bộ đồ kaki tối màu. Ông nói rằng, đây là bộ đồ ông thường xuyên mặc và nó cũng đến từ sự thần tượng của ông dành cho Bác Hồ. Bởi đây là loại trang phục trước kia Bác Hồ thường sử dụng. Trong suốt cuộc đời của mình, ông học rất nhiều từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay cả thói quen hút thuốc lá cũng vậy. Ông Kutin hút thuốc liên tục, và đó cũng là loại thuốc mà Bác Hồ thích.

Những năm còn là sinh viên ở Áo, Kutin là một trong những người tích cực nhất biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Ông kể rằng, ngày đó, ông thường cầm trên tay những tấm băng rôn ngắn với những khẩu hiệu ủng hộ Việt Nam, cùng đám đông đi khắp các đường phố để phản đối chiến tranh ở một đất nước mà ông chưa một lần đặt chân tới. Dọc đường, ông và đám bạn của mình liên tục hô to “Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh”, để thể hiện sự ủng hộ của mình.

Ông Kutin trong một lần thăm Khu du tích Kim Liên. Ảnh: T.H
Ông Kutin trong một lần thăm Khu du tích Kim Liên. Ảnh: T.H

“Tôi cũng đã đọc rất nhiều sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là thần tượng của tôi. Là một người vĩ đại, đã hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, cho dân tộc. Bây giờ rất hiếm có những người như vậy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống một cuộc đời tuyệt vời cho quê hương, cho đất nước”, ông Kutin nói.

“Tôi còn nhớ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, tôi đang ở Việt Nam làm Giám đốc Làng trẻ em SOS Gò Vấp. Lúc đó, ra đường nhiều người miền Nam khóc lắm”, ông Kutin nói thêm.

Cũng chính vì sự thần tượng đó, những dịp tới Nghệ An, một trong những điểm đến quen thuộc của Kutin đó chính là Khu di tích Kim Liên (huyện Nam Đàn). Ông kể, năm 1990, Làng trẻ em SOS Vinh được đưa vào hoạt động, là dự án nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là Làng trẻ em SOS thứ 4 ở Việt Nam.

“Ngày đó, Làng trẻ em SOS Vinh còn đơn sơ lắm. Sau khi đi vào hoạt động, tôi ở lại đây một thời gian dài. Lúc đó chỉ có những ngôi nhà là nơi nương tựa cho những đứa trẻ không may mắn. Còn bây giờ ở đây đã có những ngôi trường, có lưu xá thanh niên…”, ông nói thêm.

Bộ đồ kaki là trang phục quen thuộc của ông. Ảnh: T.H
Bộ đồ kaki là trang phục quen thuộc của ông. Ảnh: T.H

Ông Kutin không có gia đình riêng, ông dành phần lớn thời gian đời mình để đi đến những nơi còn có trẻ em sống trong cảnh mồ côi, bất hạnh, những nơi cần giúp đỡ tình thương... Ông nói rằng, các Làng trẻ em SOS trên khắp thế giới chính là gia đình của ông. Những đứa trẻ mồ côi, bất hạnh đã và đang được các làng nuôi dưỡng chính là những đứa con của ông và ông cảm thấy hạnh phúc vì điều đó.

“Tôi có nhiều mong muốn, đó là hệ thống các làng được phát triển, được chăm sóc, chia sẻ. Mọi người dân trên thế giới được sống trong hòa bình, trong tình yêu thương, sự giúp đỡ lẫn nhau. Tôi mong muốn các cuộc chiến tranh như ở Ukraine cần sớm chấm dứt. Chiến tranh chẳng mang lại điều gì ngoài mất mát, khổ đau”, ông Kutin nói, đồng thời bày tỏ mong muốn cộng đồng cùng hỗ trợ để những đứa trẻ trong các Làng trẻ em SOS vốn đã trải qua nhiều mất mát có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Từng chiến đấu ở Nga trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Hermann Gmeiner thực sự hiểu được nỗi khổ mà chiến tranh mang lại. Ông cảm động trước nỗi đau của nhiều trẻ em vì chiến tranh mà mồ côi cha mẹ, trở thành trẻ lang thang. Năm 1949, sau khi kêu gọi hỗ trợ, ông đã thành lập tổ chức Làng trẻ em SOS ở Áo. Kutin chính là một trong những đứa trẻ đầu tiên được nhận nuôi.

Năm 1985, sau khi sức khỏe Hermann Gmeiner đã yếu, Kutin trở thành Chủ tịch Làng trẻ em SOS quốc tế cho đến năm 2012. Tuy vậy, ông vẫn không nghỉ hưu và tiếp tục làm Chủ tịch danh dự của tổ chức này và dành phần lớn thời gian đi thăm, giúp đỡ trẻ em trên khắp thế giới.

Hiện nay, đã có hơn 570 Làng trẻ em SOS có mặt tại 137 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mục đích của Làng trẻ em SOS nhằm mang lại "sự quan tâm chăm sóc như trong một gia đình" cho trẻ nghèo đói, lang thang và trẻ mồ côi để chúng có được “mái ấm yêu thương” và “không phải lớn lên một mình”.

Tiến Hùng