Bàn giải pháp hạn chế sử dụng mật gấu ở Việt Nam

Mỹ Hà 02/03/2022 12:00

(Baonghean.vn) - Sáng 2/3, tại Trường Đại học Vinh diễn ra Hội thảo “Thiết kế Lý thuyết về sự Thay đổi trong nỗ lực giảm nhu cầu về mật gấu ở Việt Nam”.

Đây là Hội thảo do Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego và Viện công nghệ Hóa Sinh và Môi trường – Trường Đại học Vinh cùng tổ chức nhằm thực hiện Chiến lược để bảo toàn loài Gấu Ngựa tại Việt Nam.

PGS.TS Cao Tiến Trung Viện trưởng Viên Công nghệ Hóa sinh - Môi trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MH
PGS.TS Cao Tiến Trung - Viện trưởng Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MH

Tham dự hội thảo có Tiến sỹ Kirstie Ann Rupper – Giám đốc Liên minh Động vật Hoang dã Sở thủ San Diego và các thành viên trong đơn vị.

Về phía Trường Đại học Vinh có Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiền – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường – Trường Đại học Vinh, PGS.TS Cao Tiến Trung - Viện trưởng Viện Công nghệ Hóa Sinh – Môi trường; đại diện cho các tổ chức quốc tế và trong nước, các vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, đại diện một số chính quyền, đơn vị và các tổ chức xã hội.

Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến công tác nghiên cứu, khai thác và bảo tồn thiên nhiên nói chung và các loài gấu nói riêng. Các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước tích cực nỗ lực nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, kế hoạch hành động để bảo tồn nguồn tài nguyên này và đem đến một số thành quả nhất định như bảo vệ quần thể gấu hoang dã, giảm nhu cầu sử dụng mật gấu, truyền thông về tác dụng của mật gấu, hỗ trợ quản lý nuôi nhốt gấu...

Tuy vậy, hiện nay nhiều loại gấu hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì bị mất sinh cảnh sống, bị săn bắn thường xuyên…để phục vụ nhu cầu về thực phẩm, nguyên liệu, dược lậu.

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiền phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: MH
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiền phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: MH

Bên cạnh đó, việc mất sinh cảnh sống do chặt phá rừng lấy gỗ, đốt rừng làm nương rẫy, các hoạt động săn bắt trong tự nhiên về nuôi nhốt lấy mật đã làm ảnh hưởng đến số lượng cá thể của chúng. Đặc biệt, những nhu cầu về sử dụng mật gấu như là một phương pháp chữa bệnh trong dân gian tiếp tục là mối đe dọa đối với quần thể gấu ngựa hoang dã.

Thời gian qua, mặc dù Chính phủ đang tích cực đóng cửa tất cả các trại gấu nhưng việc sử dụng mật gấu vẫn còn khá phổ biến. Do việc sử dụng mật gấu được chấp nhận rộng rãi trong xã hội Việt Nam, cũng như với mức phạt thấp đối với hành vi này, mà các nỗ lực ngăn chặn cho đến nay vẫn chưa có hiệu quả.

Tiến sỹ Kirstie Ann Rupper – Giám đốc Liên minh Động vật Hoang dã Sở thủ San Diego phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MH
Tiến sỹ Kirstie Ann Rupper – Giám đốc Liên minh Động vật Hoang dã Sở thủ San Diego phát biểu tại hội thảo. Ảnh: MH

Từ thực tế trên, Hội thảo về “Thiết kế Lý thuyết về sự Thay đổi trong nỗ lực giảm nhu cầu về mật gấu ở Việt Nam” là bước quan trọng đầu tiên trong việc xây dựng chiến lược giảm nhu cầu về mật gấu ở miền Trung Việt Nam. Tại hội thảo này các đại biểu tham dự sẽ được cung cấp một cái nhìn tổng quan về nghiên cứu do Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Dieg và Viện công nghệ Hóa sinh và Môi trường thực hiện về việc tiêu thụ mật gấu ở Việt Nam; mô tả Lý thuyết quá trình về sự Thay đổi và thích ứng trong việc thay đổi hành vị.

Các chuyên gia đi thực địa tại rừng. Ảnh: PV
Các chuyên gia đi thực địa tại rừng. Ảnh: PV

Câu trích dẫn Báo cáo của đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An tại hội thảo cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 51 cá thể gấu nuôi, trong đó có 50 cá thể gấu ngựa và 1 cơ thể gấu chó. Gấu được nuôi tại 8 cơ sở, trong đó có 6 hộ gia đình, 1 cơ sở sinh thái và 1 trung tâm cứu hộ. Các đơn vị nuôi nhốt gấu đã xây dựng chuồng nuôi đáp ứng đầy đủ các quy định nuôi nhốt và đã ký cam kết theo quy định.

Việc nuôi nhốt gấu tại các gia đình do lịch sử để lại và lực lượng kiểm lâm đã nhiều lần tuyên truyền việc chuyển giao gấu cho cơ quan nhà nước nhưng hầu hết các hộ gia đình đều từ chối. Trong khi đó, chế tài xử lý chưa đầy đủ nên việc quản lý đang gặp một số khó khăn.

Bên cạnh đó, hội thảo cũng có nhiều bài tham luận nhằm chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam, các đối tác phi chính phủ và người dân địa phương với các chuyên gia quốc tế để hợp tác thiết kế Lý thuyết về sự Thay đổi sẽ được sử dụng trong các nỗ lực giảm nhu cầu về mật gấu; thảo luận về các nhu cầu ưu tiên đối với bảo tồn gấu ở Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá những điểm đã đạt được, phân tích các nguyên nhân còn chưa đạt được như mong muốn và đề ra các giải pháp định hướng có tính khả thi phù hợp với điều kiện bảo tồn loài gấu ở Việt Nam.

Trao quà cho các đại biểu đến từ Liên minh Vườn thú hoang dã San Diego. Ảnh: MH.
Trao quà cho các đại biểu đến từ Liên minh Vườn thú hoang dã San Diego. Ảnh: MH.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiền – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Vinh đánh giá cao về ý nghĩa của hội thảo lần này. Về phía Trường Đại học Vinh, trong nhiều năm qua hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Vinh đã được triển khai có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nghiên cứu quần thể gấu, nhu cầu sử dụng mật gấu.

Những kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm cán bộ Khoa học của Trường trong lĩnh vực quần thể gấu và nhu cầu mật gấu đã thể hiện những nỗ lực của Nhà trường trong việc triển khai các nghiên cứu cho khu vực và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội-giáo dục của địa phương trước những đòi hỏi mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ sau hội thảo này, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hiền cũng mong muốn Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego và Viện công nghệ Hóa Sinh và Môi trường – Trường Đại học Vinh tiếp tục hợp tác nhằm hướng tới một chiến lược bảo tồn gấu ngựa ở Việt Nam.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: MH
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: MH

Thông qua hội thảo, sắp tới các đơn vị tổ chức cũng sẽ lấy ý kiến cùng với sự hiểu biết của các thành viên cộng đồng ở Nghệ An và các cá nhân chủ chốt khác để thiết kế một chiến dịch nhằm giảm nhu cầu sử dụng mật gấu; khuyến khích sử dụng các sản phẩm khác thay thế và không gây hại cho động vật hoang dã.

Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận đi đầu trong việc bảo tồn, truyền cảm hứng về đam mê thiên nhiên và tạo ra một thế giới nơi tất cả các loài đều chung sống hòa bình, hỗ trợ sứ mệnh bảo tồn động vật hoang dã thông qua đổi mới và quan hệ đối tác. Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego còn hỗ trợ công tác bảo tồn tiên tiến và đưa những câu chuyện của họ trở về Sở thú San Diego và Công viên Vườn thú San Diego - mang đến cho hàng triệu du khách cơ hội trải nghiệm công tác bảo tồn trong thực tế. Công việc của Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego mở rộng từ San Diego đến các “trung tâm” bảo tồn khu vực trên toàn cầu, nơi các thế mạnh của họ có thể liên kết hiệu quả với hàng trăm các đối tác khu vực để cải thiện quần thể động vật hoang dã thông qua “Hộp công cụ Bảo tồn”, bao gồm Ngân hàng Đa dạng Sinh học Động vật Hoang dã nổi tiếng.

Bằng cách tận dụng những công cụ này trong khoa học bảo tồn, chăm sóc động vật hoang dã và hợp tác với hàng trăm đối tác, Liên minh Động vật Hoang dã Sở thú San Diego đã đưa hơn 44 loài có nguy cơ tuyệt chủng trở lại môi trường sống bản địa. Mỗi năm, Liên minh tiếp cận hơn 1 tỷ người ở 150 quốc gia thông qua phương tiện truyền thông tin tức, mạng xã hội, trang web, tài nguyên giáo dục và kênh San Diego Zoo Kids - được phổ biến trong các bệnh viện dành cho trẻ em ở 13 quốc gia. Đạt được thành công lớn như vậy là nhờ sự hỗ trợ của các thành viên, các nhà tài trợ và khách tham quan đến Sở thú San Diego và Công viên Vườn thú San Diego, những người có chung sứ mệnh cam kết Bảo tồn các loài Động vật Hoang dã.


Mỹ Hà