Nghệ An tập trung đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Việt Phương 05/03/2022 07:09

(Baonghean.vn) - UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Xác định các tuyến phòng, chống hàng lậu, hàng giả

Kế hoạch 138/KH-UBND tỉnh nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới và các nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Qua đó, triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, chủ động thực hiện các giải pháp ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không để hình thành các tụ điểm, điểm nóng về hàng lậu, hàng giả, thiết lập trật tự kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh, làm lành mạnh thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Mỹ phẩm giả nhái thương hiệu được cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh: Việt Phương
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan, ƯBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ tình hình thực tế chủ động xây dựng kế hoạch công tác năm 2022 và các kế hoạch chuyên đề; tăng cường kỷ cương, kỷ luật thực thi công vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Việc kiểm tra, kiểm soát phải có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là các tuyến biên giới, các kho tàng, bến bãi tập kết hàng hóa lớn, các trung tâm có lượng hàng hóa lớn, các tuyến quốc lộ trọng yếu, cảng hàng không, nhà ga. Việc kiểm tra, xử lý phải tuân thủ đúng pháp luật. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp kịp thời, chặt chẽ trong việc cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng bỏ sót, chồng chéo.
Công tác kiểm tra, kiểm soát tập trung tuyến biên giới trên biển: các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, các thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai; Cảng Cửa Lò, Bến Thủy và các cửa sông, cửa lạch chính.
Tuyến đường bộ, thị trường nội địa gồm các kho tàng, bến bãi tập kết hàng hóa, các trung tâm phát luồng hàng hóa; Cảng hàng không Vinh, Ga Vinh, Các tuyến Quốc lộ 1A, 7A, 7B, 46, 46B, 48, 48B, 15A, tuyến đường Hồ Chí Minh.
Tuyến biên giới đất liền: Cửa khẩu Quốc tế Nậm cắn (Kỳ Sơn), Thanh Thủy (Thanh Chưcmg), Tam Hợp (Tương Dương), Thông Thụ (Quế Phong), Cao vều (Anh Sơn), các đường tiểu mạch, đường mòn, lối mở biên giới và tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Nghệ An.


Không có vùng cấm trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại


Theo kế hoạch, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh yêu cầu đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, phát huy sức mạnh tổng họp của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phù hợp với tình hình mới hiện nay; công bố, công khai rộng rãi số điện thoại, e-mail đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, của các lực lượng chức năng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia.

Cán bộ QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng thực phẩm công nghệ ở đường Thái Phiên, TP Vinh. Ảnh Việt Phương
Cán bộ QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh hàng thực phẩm công nghệ ở đường Thái Phiên, TP. Vinh. Ảnh: Việt Phương
Làm tốt công tác nghiệp vụ, điều tra cơ bản, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là tại các đường mòn, lối mở biên giới, đảm bảo phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, triệt phá tận gốc, xác định không có vùng cấm trong công tác này.
Chủ động phối hợp chia sẻ thông tin, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng chuyến khẩu, chuyển cảng, tạm nhập, tái xuất, nhất là các lô hàng tiêu dùng, hàng tạp hóa, hàng có nguy cơ thẩm lậu, quay vòng vào nội địa... phát hiện, xử lý kịp thời các lô hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và chính sách ưu đãi của các nước dành cho Việt Nam.
Chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng là vật tư, thiết bị y tế, dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc cổ truyền; quảng cáo, ghi nhãn thiếu minh bạch, gây hiểu nhầm, không đúng với bản chất hàng hóa để trục lợi, lừa dối người tiêu dùng.

Lực lượng QLTT tiêu hủy hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Việt Phương
Các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động của các cơ quan chức năng; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả; lên án các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, tăng giá hàng hóa bất hợp lý...
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan như Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 2 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Sở Công Thương, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh, Sở Giao thông Vận tải theo chức năng, nhiệm vụ được giao làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Việt Phương