Khát vọng hòa bình

Nguyễn Khắc An 10/03/2022 08:41

(Baonghean.vn) - Hòa bình là sự chắt chiu, là sự khôn khéo nhưng cao hơn tất cả chính là sự chân thành. Hòa bình đó là thành quả, đó cũng là khát vọng. Chúng ta có bổn phận bảo vệ nó. Chúng ta cần biết cách để bảo vệ nó.

Vào những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, hầu như bạn đội viên nào cũng thuộc bài hát “Năm hai ngàn của chúng em” của nhạc sĩ Huỳnh Phước Liên. Ngoài giai điệu trong sáng thì phần lời cũng đầy lạc quan và thiết tha.

“Em mong sớm đến năm 2000
Và mong ước chiến tranh sẽ tàn
Để trái đất chỉ còn tiếng hát
Bạn bè em tay trong cánh tay
Bầu trời xanh đôi chim trắng bay
Cạnh sóng quê hương dịu dàng miên man chân biển lúa
Thế hát chung bài hát vui của năm hai ngàn”

Gần 30 năm trôi qua và ước mơ mà tác giả Huỳnh Phước Liên viết cho lớp trẻ ngày ấy vẫn còn nguyên vẹn. Hòa bình vẫn là một khát vọng đẹp đẽ và cháy bỏng mang tính toàn cầu. Đây đó tiếng súng vẫn găm vào nỗi sợ hãi của nhân loại và bom đạn vẫn nghiệt ngã cướp đi tính mạng của con người. Đã bao giờ bạn đặt câu hỏi rằng: không ai muốn chiến tranh nhưng tại sao thế giới vẫn chưa trọn vẹn hòa bình? Phải chăng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau vẫn là khoảng trống… quá khó để lấp đầy?

Năm 2013, tại đối thoại Shangri - La ở Singapore, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra thông điệp “Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương”. Có thể nói đây là thông điệp được chiết xuất từ khát vọng ngàn năm của một dân tộc yêu chuộng hòa bình cũng bởi vậy nó ngay lập tức trở thành một chủ đề chính của diễn đàn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri La lần thứ 12, năm 2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri La lần thứ 12, năm 2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Một đất nước chịu sự va đập triền miên của chiến tranh Việt Nam quá hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình. Xin hãy một lần đọc lại những câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa…”.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta không khó nhận ra khát vọng hòa bình cháy bỏng trong mọi thời đại. Sau khi đánh tan quân Minh, Bình Định Vương Lê Lợi dụ rằng: “Việc phục thù trả oán là thường tình của mọi người, nhưng không ưa giết người là bản tính của người nhân. Huống chi người ta đã hàng, mà mình lại giết chết thì còn gì bất tường hơn nữa”. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có đoạn viết: “Đối với nước Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày mồng 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”... Trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên chúng ta cũng đã tỏ thiện chí hòa bình với bản tuyên bố tháng 11/1953: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó...”. Hoặc như ngày 25/8/1969, trong thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thiết tha bày tỏ: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự.”… Qua một vài dẫn chứng chúng ta cũng đã có thể nhận ra sự xuyên suốt của khát vọng hòa bình của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”. Có thể khẳng định chúng ta đã có một đường lối ngoại giao phù hợp, đúng đắn và hiệu quả. Tổng Bí thư gọi đó là trường phái “Ngoại giao cây tre Việt Nam”. Chính sự kiên cường và mềm dẻo của “tre” đã mang lại hòa bình, ấm no và hạnh phúc.

Những ngày qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) tổ chức phiên họp khẩn cấp lần thứ 11, phát biểu của Trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ đã một lần nữa khẳng định sự nhất quán ấy: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm.

Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác.Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này”.

Hình ảnh minh họa
Hình ảnh minh họa.

Có lẽ không cần phải lý giải thêm bởi thái độ và quan điểm đã rõ ràng. Việt Nam không bao giờ mong muốn chiến tranh xảy đến ở bất kỳ quốc gia lãnh thổ nào. Đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đó cũng là nỗi lòng của nhân dân.

Sau tiếng nổ của súng đạn là máu và nước mắt. Trên trang cá nhân, một Facebooker vừa bảy tỏ: “Một trong những ký ức của tôi về chiến tranh là những đêm tránh bom trốn đạn. Hồi đó học cấp 1, đang ngủ ngon lành thì nghe kẻng báo động dồn dập xen tiếng người hô hoán: “Máy bay, xuống hầm!”. Thế là mắt nhắm, mắt mở lao xuống hầm. Dưới cái không gian chật chội ấy cả nhà thấp thỏm, lo âu mong chờ tiếng kẻng báo yên... Những người lớn tuổi tráo chuyện với nhau: “Trông cho hết chiến tranh để được một giấc ngủ yên”. Dòng trạng thái này sau đó không chỉ nhận được sự đồng cảm của lớp người thuộc thế hệ “Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt” mà còn chạm đến sự băn khoăn của không ít bạn trẻ.

Hòa bình là sự chắt chiu, là sự khôn khéo nhưng cao hơn tất cả chính là sự chân thành. Mọi nóng vội, cứng nhắc hay cố chấp đều có thể châm ngòi cho thảm họa. Chúng ta cần trái tim nóng nhưng cũng cần cái đầu lạnh. Chúng ta đã có gần nửa thế kỷ sống trong hòa bình. “Việt Nam” hai chữ ấy từng là tên gọi của một cuộc chiến hôm nay đã hiên ngang hòa vào dòng chủ lưu của nhân loại tiến bộ với một vị thế và cơ đồ chưa từng có. Mọi xuyên tạc, kích động hay bóp méo không làm cho chính nghĩa yếu đi, thậm chí chính điều ấy giúp mỗi một chúng ta trưởng thành và rắn rỏi hơn. Hòa Bình đó là thành quả, đó cũng là khát vọng. Chúng ta có bổn phận bảo vệ nó. Chúng ta cần biết cách để bảo vệ nó.

Nguyễn Khắc An