Kỳ Sơn kêu gọi giải cứu gừng đặc sản

Xuân Hoàng 11/03/2022 15:24

(Baonghean.vn) - Đặc sản gừng Kỳ Sơn (Nghệ An) năm nay mặc dù giá giảm sâu nhưng không tiêu thụ được. Do vậy, Hội Nông dân huyện kêu gọi giải cứu, nhằm kịp thời tiêu thụ gừng cho bà con.

gừng
Một điểm thu mua gừng trên địa bàn xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Xuân Hoàng

Gừng Kỳ Sơn đã vào vụ thu hoạch từ cuối năm 2021. Khác với năm trước là giá thu mua gừng cho bà con lên đến trên 20.000 đồng/kg, thì năm nay giảm sâu xuống chỉ còn chưa đầy 6.000 đồng/kg. Khó khăn hơn, dù giá rất rẻ nhưng vẫn không tiêu thụ được, khiến lượng gừng hiện còn tồn đọng trên 5.000 tấn.

Theo ông Phan Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, sản lượng gừng của Kỳ Sơn trong vụ này khoảng 5.400 tấn, tuy nhiên đến thời điểm này mới tiêu thụ được khoảng vài trăm tấn, còn hơn 5.000 tấn đang tồn đọng tại các cơ sở thu mua và trong dân. Gừng là nguồn thu nhập đáng kể đối với đồng bào các dân tộc rẻo cao Kỳ Sơn hàng năm, nhưng giá rẻ và không tiêu thụ được đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây.

Do vậy, giải pháp tiêu thụ gừng cho bà con hiện nay là kêu gọi giải cứu. "Những ngày gần đây, Hội Nông dân huyện đã khảo sát tình hình thực tế cho thấy lượng gừng đang tồn đọng quá nhiều, vì thế Hội Nông dân vào cuộc giải cứu gừng, bằng cách kết nối với hội nông dân các địa phương. Theo đó, các cấp hội nông dân nào quan tâm giúp đỡ thì có đơn vị cung ứng đến tận nơi. Tuy nhiên, lượng gừng tiêu thụ trong những ngày qua vẫn chưa được nhiều và hiện đang tiếp tục kêu gọi giải cứu" - ông Phan Văn Mạnh chia sẻ.

gừng
Sản phẩm gừng Kỳ Sơn đang tồn đọng hàng nghìn tấn. Ảnh: Xuân Hoàng

Nguyên nhân gừng Kỳ Sơn năm nay rớt giá sâu, khó tiêu thụ, theo ông Nguyễn Văn Luận - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn là đơn vị thu mua tiêu thụ gừng chính trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cho rằng, do năm nay ảnh hưởng của Covid-19, thương lái ít về, vận tải tăng cao, xuất khẩu khó... Trong khi đó, gừng từ các địa phương khác có mẫu mã đẹp bán trên thị trường nhiều, nên khó cạnh tranh.

Sản phẩm đặc sản gừng Kỳ Sơn được trồng trên lưng chừng núi, chất lượng tốt, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý từ năm 2019. Gừng Kỳ Sơn có 2 loại: gừng dé và gừng sừng trâu, bà con kết thúc thu hoạch vào cuối tháng 4./.

Xuân Hoàng