Một số góp ý về phát triển du lịch Nghệ An sau đại dịch Covid-19

Đức Hậu 16/03/2022 14:40

(Baonghean.vn) - Du lịch có vị trí, vai trò rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và với các tỉnh nói riêng. Theo dự báo thì nhu cầu du lịch của con người ngày càng tăng.

Du lịch sẽ trở thành ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và đạt khoảng 10% GDP toàn cầu (tức khoảng trên 10.000 tỷ USD). Du lịch là ngành không bị sức ép cạnh tranh như công nghiệp. Du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ khác, giải quyết được rất nhiều việc làm góp phần tăng nguồn thu ngân sách,…Ở Việt Nam, ngành Du lịch đang đóng góp đến 10% GDP cho đất nước.

Toàn cảnh khu vực trung tâm thành phố Vinh, Nghệ An. Ảnh tư liệu: Lê Thắng

Nghệ An là tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch, vì thế sau khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 04/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Luật Du lịch năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 55-CT/TU ngày 04/01/2018 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2030. Chương trình hành động được cả hệ thống chính trị của tỉnh tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả bước đầu. Tuy nhiên, phát triển du lịch của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và bị suy giảm mạnh khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Để tiếp tục phát triển du lịch Nghệ An sau đại dịch Covid-19, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp. Trước hết, xây dựng và sớm trình phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035”. Trong chiến lược đề nghị quan tâm đến Chiến lược về truyền thông, chiến lược về sản phẩm, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực du lịch,… Tiếp tục trao đổi, thảo luận để tạo sự thống nhất cao về thế mạnh sản phẩm du lịch của Nghệ An. Theo nhận thức của chúng tôi thì thế mạnh nhất để tỉnh khai thác phát triển mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước không có lợi thế bằng Nghệ An là du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái.

Du khách về thăm quê Bác. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Du khách trong và ngoài nước sẽ đến với xứ Nghệ rất nhiều nếu tỉnh khai thác, phát huy có hiệu quả những lợi thế đã có.

Cho đến năm 2021, cả nước được UNESCO tôn vinh 6 danh nhân văn hóa thế giới thì Nghệ Tĩnh có đến 3 danh nhân là: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài được cả thế giới ngưỡng mộ, tôn kính; Đại thi hào Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều; Nữ sỹ, “bà chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương. Năm 2014, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Du khách trong và ngoài nước sẽ đến với xứ Nghệ rất nhiều nếu tỉnh khai thác, phát huy có hiệu quả lợi thế đó.

Trước hết, cần sớm quy hoạch và tạo môi trường thuận lợi để thu hút được doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư tour du lịch đường thủy và tour du lịch đường bộ ven sông Lam. Điểm đến của tour du lịch đường thủy là đảo Ngư, Cửa Hội, đền thờ Quang Trung, đền ông Hoàng Mười, khu di tích Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Phan Bội Châu, Khu di tích Kim Liên, Khu di tích Vua Mai Hắc Đế và Nguyễn Du (Tiên Điền – Nghi Xuân). Các điểm đến của tour du lịch đường bộ ngoài các địa danh trên còn có chùa Đại Tuệ, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan và tượng đài, Quảng trường Hồ Chí Minh... Căn cứ vào quy hoạch của từng điểm đến để doanh nghiệp xây dựng cơ sở vật chất cần thiết phục vụ du khách như cầu cảng, nhà giới thiệu di tích và biểu diễn dân ca ví, giặm, nhà trưng bày và bán sản phẩm lưu niệm,...

Một buổi biểu diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Thành Cường

Theo số liệu của Tổng cục Lâm Nghiệp (Bộ NN&PTNT) năm 2019, diện tích rừng tự nhiên của Nghệ An là lớn nhất cả nước (784.339 ha), có Vườn Quốc gia Pù Mát với phân khu rừng bảo vệ nghiêm ngặt 79.718,4 ha (lớn thứ 2 so với 8 vườn quốc gia khác). Pù Mát có nhiều loài thực vật, động vật phong phú, nhất là những cánh rừng pơ mu, sa mu, săng lẻ… bạt ngàn, có những khe suối, thác nước,… hấp dẫn du khách. Nhiều vùng đất miền Tây được các doanh nghiệp, hộ dân phát triển trồng chè, cam, bưởi, cà phê, quế, hoa hướng dương,... để du khách có thể khám phá, trải nghiệm.

Miền Tây của tỉnh có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống như người Thái, Khơ mú, Mông, Mường, Thổ, Đan Lai, Ơ đu,... Mỗi dân tộc anh em đều có bản sắc văn hóa riêng, đều có những truyền thuyết, giai thoại, chuyện cổ, phong tục, tập quán, đồ ăn, thức uống phong phú, đa dạng. Đối với loại hình du lịch sinh thái gắn với văn hóa các dân tộc thiểu số, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng ở miền Tây cần được quy hoạch, các tour du lịch gắn với các điểm đến hấp dẫn.

Nhảy sạp tại Lễ hội Bươn Xao trên địa bàn xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Ảnh tư liệu: Huy Thư

Theo tuyến Quốc lộ 7, Quốc lộ 16 (nối Kỳ Sơn- Quế Phong) và Quốc lộ 48 có thể xác định các cụm điểm: Vườn Quốc gia Pù Mát (Con Cuông), Nậm Cắn, Mường Lống (Kỳ Sơn), thác 7 tầng, thác Sao Va (Quế Phong), hang Bua (Quỳ Châu), Khu du lịch Diễn Lâm (Diễn Châu). Điểm Vườn Quốc gia Pù Mát doanh nghiệp có thể đầu tư cáp treo lên cánh rừng pơ mu, sa mu,… tổ chức du thuyền thượng nguồn sông Giăng, sông Lam,… Điểm Nậm Cắn có thể phối hợp với tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) để du khách có thể đến nghỉ dưỡng ở suối nước khoáng và thăm cánh đồng Chum.

Điểm Mường Lống có độ cao so với mặt nước biển 1.500m, có vị trí 1.700m, khí hậu quanh năm mát mẻ như Sapa, có thể quy hoạch nơi nghỉ dưỡng tốt. Mường Lống có diện tích 14.156,84ha, có nhiều thung lũng rộng, đất màu mỡ có thể trồng cả rừng đào đá để du khách thưởng thức cảnh đẹp mùa Xuân và mua những chậu đào, giỏ đào về quê đón Tết. Từ nhiều năm nay, các đặc sản của đồng bào Mông được nhiều người tiêu dùng trong tỉnh rất ưa chuộng là chè Shan Tuyết, khoai sọ, măng khô, thịt bò khô, gà đen, nếp cẩm, quả đào, hồng, mơ, mận ở vùng này.

Miền Tây xứ Nghệ có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Ảnh tư liệu
Miền Tây xứ Nghệ có nhiều tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch sinh thái. Ảnh tư liệu

Thác Sao Va và thác 7 tầng nếu được quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ sớm sẽ là điểm đến rất hấp dẫn của du khách.

Từ Mường Lống du khách đến với Thác Sao Va (xã Tiền Phong) và thác 7 tầng (xã Hạnh Dịch) của huyện Quế Phong. Đây là hai thác nước gần nhau (dưới 20km) trên cùng một tuyến đường, một dòng sông Nậm Việc và là hai thác nước đẹp nhất của miền Tây xứ Nghệ. Nếu được quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ sớm sẽ là điểm đến rất hấp dẫn của du khách. Từ hai thác nước đến hang Bua và làng Thái cổ xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu khoảng 15km.

Hang Bua là hang động đẹp nhất của Nghệ An gắn với đền thiêng Chiềng Ngam và huyền thoại của người Thái cổ. Hàng năm, vào dịp tháng Giêng (trước khi bùng phát đại dịch Covid-19) huyện đều tổ chức Lễ hội hang Bua rất đông du khách đến dự lễ và có dịp tham quan làng Thái gốc Hoa Tiến. Theo tuyến Quốc lộ 48, du khách đến với Khu du lịch Diễn Lâm (Diễn Châu) của Tập đoàn Mường Thanh. Khu du lịch này đã được đầu tư, đưa vào khai thác là một tổ hợp khách sạn, hồ nước, sân golf, vườn bách thú,… có phong cảnh nên thơ.

Ngoài khai thác, phát huy lợi thế du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, Nghệ An còn có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển với 82km bờ biển, có các bãi tắm như Cửa Lò, bãi Lữ, Diễn Thành, Quỳnh Phương nhưng khó cạnh tranh được với các tỉnh, thành có biển từ Đà Nẵng trở vào như Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, đảo Phú Quốc,…

Cửa Lò là thị xã du lịch biển nổi tiếng nhất Nghệ An và là một trong những điểm đến quen thuộc với du khách cả nước. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Để phát triển du lịch cần thiết được tỉnh chỉ đạo phân công rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành thực hiện. Công tác quản lý nhà nước về du lịch chủ yếu là xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách (như về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng,..), cải cách thủ tục hành chính, quản lý môi trường, quản lý an ninh trật tự,…

Việc đầu tư cơ sở vật chất, sản phẩm du lịch, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức các tour tuyến, thu hút du khách,... chủ yếu là trách nhiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ gắn với doanh thu, lợi nhuận kinh doanh du lịch của họ. Kinh nghiệm các địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh, hiệu quả là tạo được môi trường thuận lợi, thông thoáng thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm năng, có kinh nghiệm, có thương hiệu đến đầu tư như Tập đoàn Vingroup, Mường Thanh, FLC, Sài Gòn Tourist,..

Nhằm phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19 và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị tỉnh sớm xem xét phê duyệt bổ sung quy hoạch tổng thể, trong đó ưu tiên phát triển 2 tour du lịch: tour du lịch văn hóa lịch sử gắn với tâm linh đảo Ngư, Cửa Hội, núi Quyết, đền ông Hoàng Mười, Khu di tích: Lê Hồng Phong, Phan Bội Châu, Kim Liên, Đền thờ Vua Mai Hắc Đế, chùa Đại Tuệ, mộ bà Hoàng Thị Loan và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng khách du lịch quốc tế họ sẽ quan tâm hơn tour đường thủy theo sông Lam để đến với đảo Ngư, Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) gắn với danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh, Khu di tích đại thi hào, danh nhân văn hóa Nguyễn Du (Tiên Điền- Nghi Xuân) và nghe dân ca ví, giặm.

Mùa hoa mơ, hoa mận ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Hồ Nhật Thanh

Cùng với tour du lịch trên là tour du lịch sinh thái gắn với văn hóa các dân tộc thiểu số, du lịch nông nghiệp và du lịch cộng đồng theo 3 tuyến Quốc lộ 7, Quốc lộ 16, Quốc lộ 48 với các điểm đến Vườn Quốc gia Pù Mát, Nậm Cắn, Mường Lống, thác nước 7 tầng, Sao Va, hang Bua và Khu du lịch Diễn Lâm. Nếu các điểm đến trên được quảng bá, được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, thông tin, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ khác, nhất là sau khi tuyến đường cao tốc Hà Nội – Vinh hoàn thành, các chuyến bay quốc tế của Sân bay Vinh được tăng cường thì tin chắc sẽ là hai tour du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến với Nghệ An thời gian tới.

Mùa Xuân năm 2022 mở ra nhiều triển vọng để phục hồi nhanh kinh tế- xã hội và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra.

Đức Hậu