Đẩy nhanh tiến độ triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công Quốc gia

Phạm Bằng 18/03/2022 10:30

(Baonghean.vn) - Theo kế hoạch, đến tháng 5/2022, 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên được tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng dịch cụ công Quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, tạo điều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Sáng 18/3, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn triển khai một số nhiệm vụ tại Quyết định 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu lên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì Hội nghị.

 Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng

Tại hội nghị, đồng chí Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) có 6 nhiệm vụ chính theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 18/1/2022.

Đối với địa phương, có 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phải chủ trì thực hiện, 40 nhiệm vụ phối hợp với cơ quan trung ương thực hiện. Trong đó, các địa phương phải xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ và thành lập Tổ công tác để triển khai Đề án...

Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị tham dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: Phạm Bằng
Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị tham dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: Phạm Bằng

Đối với các bộ, ngành, có 14 dịch vụ công thiết yếu phải hoàn thành lên Cổng dịch vụ công Quốc gia trong tháng 3/2022; 11 dịch vụ công thiết yếu phải hoàn thành lên Cổng dịch vụ công Quốc gia trong tháng 5/2022. Các bộ, ngành phải chia sẻ đầy đủ thông tin trên Cổng dịch vụ công Quốc gia để các địa phương quản lý, giám sát, theo dõi.

Tại hội nghị, đại diện Văn phòng Chính phủ đã giới thiệu về hệ thống đánh giá chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu theo thời gian thực hiện của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị tham dự Hội nghị tập huấn. Ảnh: Phạm Bằng

Văn phòng Chính phủ cũng đã hướng dẫn nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh (tích hợp, cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; chuẩn hóa thủ tục hành chính; danh mục tài liệu; kết nối, tích hợp, chia sẻ với CSDL quốc gia về dân cư, Hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư khi thực hiện thủ tục hành chính).

Đại diện Bộ Công an hướng dẫn quy trình và yêu cầu kết nối, tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư (về mô hình, các bước kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, Hệ thống định danh, xác thực điện tử; Yêu cầu và nội dung cần chuẩn bị để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin đáp ứng yêu cầu kết nối với CSDL quốc gia về dân cư).

Trước đó, ngày 6/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 06/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Quang cảnh hội nghị tập huấn. Ảnh: Phạm Bằng
Quang cảnh hội nghị tập huấn tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Đề án được triển khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối với các nền tảng khác để khai thác tối đa hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, công dân số, kinh tế số; giúp công tác quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, thuận lợi, tiết kiệm (chi phí, thời gian, công sức…) và hiệu quả nhiều mặt.

Việc triển khai Đề án góp phần thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng hạ tầng đồng bộ mà hết sức quan trọng là hạ tầng giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số và hạ tầng xã hội. Đồng thời, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp trên tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.

DANH MỤC 25 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THIẾT YẾU ƯU TIÊN TRIỂN KHAI LÊN CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA:

1. Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân;

2. Cấp lại, đổi thẻ Căn cước công dân;

3. Đăng ký thường trú;

4. Đăng ký tạm trú;

5. Khai báo tạm vắng;

6. Thông báo lưu trú;

7. Đăng ký, cấp biển số mô tô, xem gắn máy;

8. Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội);

9. Đăng ký khai sinh;

10. Đăng ký khai tử;

11. Đăng ký kết hôn;

12. Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông;

13. Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu;

14. Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu;

15. Liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi;

16. Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng phí;

17. Tích hợp mức giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình;

18. Đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân;

19. Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ);

20. Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe;

21. Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng;

22. Cấp phiếu lý lịch tư pháp;

23. Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp;

24. Cấp điện mưới từ lưới điện hạ áp (220/380V) (thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện);

25. Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện (thí điểm cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu trong dịch vụ cung cấp điện).

Phạm Bằng