Ban Chỉ đạo phong trào thi đua dân vận khéo triển khai nhiệm vụ quý II

Thanh Lê 21/03/2022 17:55

(Baonghean.vn)- Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, việc đánh giá mô hình “Dân vận khéo” cần phải chú trọng các mô hình thành công nhờ công tác dân vận, giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp ở cơ sở; mô hình phải gần dân và sát dân.

Chiều 21/3, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo dân vận khéo tỉnh, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua dân vận khéo tổ chức họp đánh giá kết quả quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2022 và cho ý kiến và Dự thảo Hướng dẫn xây dựng và công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo”.

a
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

XÂY DỰNG 855 MÔ HÌNH TRÊN CÁC LĨNH VỰC

Trong quý I/2022, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tham mưu Quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp tỉnh; ban hành chương trình công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh năm 2022 với 11 nhiệm vụ trọng tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Trong đó, tập trung đẩy mạnh triển khai sâu rộng, thiết thực, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” hướng vào việc giải quyết các yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc sống, gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực.

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Đồng thời phối hợp tuyên truyền phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, gắn với thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Ở cấp huyện, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã chủ động tham mưu cho cấp ủy kiện toàn Ban Chỉ đạo, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động và đẩy mạnh thực hiện việc đăng ký, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” năm 2022.

Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hoàng Đình Tuấn báo cáo kết quả công tác phong trào thi đua
Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Hoàng Đình Tuấn báo cáo kết quả công tác phong trào thi đua "Dân vận khéo" quý I/2022. Ảnh: Thanh Lê

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trong quý I, các địa phương, đơn vị cơ bản tập trung đăng ký triển khai xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, đến nay đang tiếp tục nhận đăng ký từ cấp cơ sở.

Kết quả sơ bộ có 855 mô hình trên các lĩnh vực (trong đó có 515 mô hình đăng ký xây dựng mới, 340 mô hình đăng ký tiếp tục thực hiện; 524 mô hình cấp cơ sở, 324 mô hình cấp huyện).

Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Nam Đàn kiểm tra mô hình vườn mẫu tại xã Nam Cát. Ảnh: Thanh Lê
Cán bộ Ban Dân vận Huyện ủy Nam Đàn kiểm tra mô hình vườn mẫu tại xã Nam Cát. Ảnh: Thanh Lê

VAI TRÒ "DÂN VẬN KHÉO" TRONG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ KHÓ KHĂN

Thảo luận tại hội nghị, cho ý kiến góp ý vào nội dung Hướng dẫn xây dựng và công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tập thể và cá nhân, các đại biểu cho rằng, trên cơ sở tiêu chí của Trung ương tỉnh cần quy định tiêu chí cụ thể tránh tình trạng công nhận mô hình chung chung và chồng chéo; cần có tiêu chí cụ thể phù hợp với vùng, miền, địa phương.

Đồng thời, cần quy định rõ tiêu chí để phân loại mô hình "Dân vận khéo" cấp cơ sở, cấp trên cơ sở; tiêu chí về khen thưởng. Việc đánh giá công nhận cần chú trọng các mô hình có sức lan tỏa và tính bền vững,…

Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo" phải dựa trên chủ trương, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị, dựa trên các phong trào trụ cột ở địa phương, đơn vị.

Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, khi các tình huống khó khăn, phức tạp nảy sinh ở cơ sở thì vai trò của công tác dân vận sẽ được thể hiện rõ nét nhất. Vì vậy, việc đánh giá mô hình “Dân vận khéo” cần phải chú trọng các mô hình thành công nhờ công tác dân vận giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp ở cơ sở.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kết luận hội nghị. Ảnh: Thanh Lê
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kết luận hội nghị. Ảnh: Thanh Lê

Đồng thời, việc khen thưởng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cần phải rõ người, rõ việc, tránh tình trạng cảm tính, chung chung, nhất là phải đặc biệt chú trọng các mô hình “Dân vận khéo” ở cấp cơ sở gần dân và sát dân.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao cho Ban Dân vận Tỉnh ủy - cơ quan chủ trì tham mưu Hướng dẫn xây dựng và công nhận mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo, bổ sung, chỉnh sửa, sắp xếp lại bố cục của nội dung dự thảo một cách khoa học, làm rõ các nội dung tiêu chí từ việc xây dựng, công nhận và khen thưởng các mô hình, điển hình để cơ sở dễ triển khai thực hiện.

Thanh Lê