Nhạc sỹ Hồng Đăng và 'câu hát gợi lên những khát khao đại dương'
(Baonghean.vn) - Vào lúc 5h57 phút ngày 21/3, tức ngày 19 tháng Hai âm lịch, một ngôi sao trên bầu trời âm nhạc Việt Nam, một người con ưu tú của quê hương Nghệ An đã trút hơi thở cuối cùng. Ông là nhạc sỹ Hồng Đăng - người viết câu hát để gợi lên khát khao đại dương.
Nhạc sĩ Hồng Đăng. Ảnh GĐCC |
Gia đình trí thức tiêu biểu
Nhạc sỹ Hồng Đăng tên thật là Phan Đăng Hồng, ông sinh năm 1936, trong một gia đình yêu nước và trí thức tiêu biểu ở xã Hoa Thành, huyện yên Thành, tỉnh Nghệ An. Nhạc sỹ Hồng Đăng là con trai nhà cách mạng Phan Đăng Tài - nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Trưởng phòng Tư liệu Báo Nhân Dân. Ông gọi nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu là bác ruột. Các anh, em ruột của nhạc sỹ Hồng Đăng đều là những nhà cách mạng, trí thức, văn hóa nổi tiếng, trong đó, ông có anh con bác là Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Phan Đăng Nhật (mất ngày 24/6/2020) - một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên bác, nhà nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam về văn học và sử thi.
Nhạc sỹ Hồng Đăng sinh ra và gắn bó tuổi thơ với quê hương Làng Đông, nay thuộc xã Hoa Thành (Yên Thành). Từ nhỏ ông đã mày mò tự học tiếng Pháp. Lên 12 tuổi ông đã có sáng tác đầu tay mang tên: “Đời học sinh”, ca khúc ngay sau khi sáng tác được bạn bè cùng trang lứa rất yêu thích. Năm 1956, Trường Âm nhạc Việt Nam mở khóa đầu tiên, ông là một trong những học viên đầu tiên của ngôi trường âm nhạc danh giá này. Là người con quê lúa xứ Nghệ, yêu âm nhạc từ nhỏ nhưng ông lại thành danh ở Hà Nội, trở thành “công dân ưu tú của Thủ đô” trên lĩnh vực hoạt động văn hóa, âm nhạc. Nhạc sỹ Hồng Đăng giữ cương vị là Phó Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc (Cơ quan của hội).
Một tài năng âm nhạc, người sống ấm áp, nghĩa tình
Nhạc sỹ Hồng Đăng và người thân. Ảnh: GĐCC |
Nhạc sỹ Hồng Đăng là một tài năng âm nhạc, sáng tạo của ông rất phong phú. Ông sở hữu hơn 700 tác phẩm, bao gồm nhiều thể loại như: ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc, nhạc phim, nhạc sân khấu... Đặc biệt, ông đã sáng tác nhạc cho hơn 70 bộ phim, trong đó có những ca khúc nhạc phim nổi tiếng như: Hoa sữa (phim Hà Nội mùa chim làm tổ), Lênh đênh (phim Đời hát rong), Biển hát chiều nay, Biển và cô gái tôi chưa quen (phim Những ngôi sao nhỏ), Không gian xanh (phim Vùng trời)...
Với nhiều người, ca khúc Biển hát chiều nay (nhiều phim tài liệu sử dụng làm nhạc nền) của ông in vào tâm trí nhiều thế hệ nhất. Ca khúc mang hơi thở thời đại với những ca từ sâu lắng và giai điệu hào hùng nhưng lại trầm tư chảy vào lòng người như lời ru của mẹ. Những năm thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi đã từng chứng kiến cảnh một nhóm thanh niên im lặng đến nín thở để lắng nghe giai điệu của ca khúc này.
Tôi cũng từng nghe một bác nông dân là thương binh ngân nga giai điệu: “Chìm sâu dưới đáy những gì đau thương, biển vẫn hát tình ta, biển kể chuyện quê hương”, rồi ông nói: Từ một nỗi đau cá nhân mà Hồng Đăng khái quát lên cả nỗi đau của dân tộc… Nỗi mất mát, nỗi đau bởi chiến tranh là không thể thoái thác hay trốn tránh.
Có lẽ, do tâm đắc với ca khúc này mà trang Facebook cá nhân của người vợ hiện nay (vợ thứ ba) của ông đã lấy nick name là "Biển hát chiều nay". Cũng xin nói thêm, trong cuộc đời sôi nổi của mình, đã có nhiều bóng hồng đi qua đời ông.
Một ca khúc khác rất nổi tiếng của nhạc sỹ Hồng Đăng là "Hoa sữa”. Ca khúc này được ông viết cho nhạc phim "Hà Nội mùa chim làm tổ". Tác phẩm viết về Thủ đô Hà Nội đã lay động trái tim triệu người dân. "Hoa sữa" đã bước ra khỏi khung hình điện ảnh và trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Hà Nội, tuy không có một chữ Hà Nội hay Thủ đô nào trong ca từ.
Còn với bài hát: "Kỷ niệm thành phố tuổi thơ", Hồng Đăng đã làm thổn thức biết bao thế hệ người Việt với ca từ rộn rã, trong sáng: "Trưa nay qua đường phố quen, gặp những tiếng ve đầu tiên, chợt nghe tâm hồn xao xuyến. Điệp khúc tiếng ve triền miên"…
Năm 2001, nhạc sĩ Hồng Đăng cũng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các ca khúc: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy...
**
Một lần, trò chuyện với cụ Phan Đăng Thành, đại tá về hưu, người nhiều năm trông coi Khu Lưu niệm Phan Đăng Lưu tại huyện Yên Thành, ông Thành cho biết: Nhạc sỹ Hồng Đăng là người tình nghĩa, gặp người nghèo khó thì ông sẵn lòng giúp đỡ, có tiền thì biếu tiền, có quà biếu quà. Có khi sẵn cái áo đang mặc, ông cũng cởi ra biếu tặng. Tấm lòng thương người, nhân nghĩa của ông có lẽ ảnh hưởng từ người cha - ông Phan Đăng Tài, một người tài năng đức độ mà đến bây giờ nhiều người cùng công tác ở Báo Nhân Dân với ông vẫn còn nhắc.
Có một lần, tôi nhắn tin cho ông qua điện thoại, ông gọi lại và chúng tôi trò chuyện khá lâu. Mặc dù, ông chỉ biết tôi là một người làng như hàng trăm người khác, ông vẫn nhiệt tình, cởi mở chia sẻ nhiều tâm sự.
Nhạc sỹ Hồng Đăng có nhiều bạn bè, nhiều người nổi tiếng trong giới âm nhạc. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn xem Hồng Đăng như người nhà, còn nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha thì coi ông là bậc đàn anh rất đỗi kính trọng. Trong một bài viết về nhạc sỹ Hồng Đăng đăng báo Nhân Dân cuối tuần, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha viết: Hồng Đăng là nhạc sỹ tài đức tiếp nối xứng đáng truyền thống gia đình, đặc biệt là người bác Phan Đăng Lưu - người có công rất lớn đối với cách mạng dân tộc Việt Nam.