Chủ đầu tư và doanh nghiệp xây dựng tìm cách đối phó với giá thép tăng
(Baonghean.vn) - Sau một thời gian có dấu hiệu chững lại, đến thời điểm hiện nay, giá thép lại tiếp tục tăng cao khiến cho không chỉ các chủ đầu tư mà các nhà thầu xây dựng nhận cũng rơi vào tình cảnh khốn đốn.
Giá thép tăng vọt
Thời gian gần đây giá thép xây dựng tại các đại lý trên địa bàn Nghệ An liên tục báo tăng, khiến cho chi phí xây dựng bị đội lên rất lớn. Theo báo giá của một đại lý thép trên đại lộ Lê Nin (TP.Vinh), hiện giá thép giao động từ 18 triệu đồng đến xấp xỉ 20 triệu đồng/tấn tùy loại. Vì giá thép tăng cao nên việc điều chỉnh và báo giá cho khách hàng không còn được thực hiện theo từng tháng, từng quý như trước đây mà được cập nhật theo từng ngày.
Cụ thể giá thép cuộn CB240 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên được báo giá 21,200 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn CB300 D10 là 133.500 đồng/cây. Còn thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát có giá 20,950 triệu đồng/tấn và thép thanh vằn CB300 D10 có giá 131.500 đồng/cây… Các mức giá này chưa bao gồm thuế VAT và chi phí vận chuyển đến chân công trình và tùy thời điểm thanh toán nhanh hay chậm còn có sự chênh lệch giá khác nhau.
Bảng giá thép được một đại lý công bố cho khách hàng. Ảnh: TĐ |
Lý giải việc giá thép tăng cao trong thời gian gần đây, các đại lý cho biết, giá thép được niêm yết theo giá bán của nhà máy. Thực tế, các nhà máy thép đều phụ thuộc vào nguồn cung phôi thép từ nước ngoài, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, cộng với xung đột Nga - Ukraine đã khiến cho việc nhập phôi thép gặp khó khăn, đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Đối tượng bị tác động lớn nhất khi giá thép tăng cao không ai khác chính là chủ đầu tư, các hộ gia đình khi xây dựng nhà cửa. Anh Nguyễn Đình Tuấn, trú tại phường Trung Đô, vừa mới khởi công xây dựng nhà vào đầu năm nay cho biết: năm ngoái khi giá thép tăng nhanh, gia đình anh đã đắn đo lùi thời gian xây dựng nhà lại 1 năm để hy vọng giá thép sẽ giảm xuống, thế nhưng chờ mãi giá thép cứ tiếp tục tăng, khiến anh phải quyết định khởi công xây dựng nhà.
Giá thép liên tục tăng cao trong thời gian qua. Ảnh: TĐ |
Theo anh Tuấn, vì đã thuê thiết kế bản vẽ, và đã tính toán chi phí một cách sát giá nhất, nên không thể cắt giảm thêm được nữa, nếu giá thép cứ giữ ở mức cao như hiện nay thì chi phí xây dựng nhà của anh sẽ tăng hơn 15% so với dự toán ban đầu.
Loay hoay tìm cách đối phó
Anh Võ Quang Tới - Giám đốc một đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cho biết: Việc giá thép tăng khiến các doanh nghiệp xây dựng lo lắng. Trước đây, giá thép nói riêng và giá vật liệu xây dựng thường tăng giảm theo chu kỳ, tùy thuộc vào thời điểm hoạt động xây dựng tấp nập nhất, nay thì tăng hằng ngày, ngay cả khi hoạt động xây dựng bị hạn chế do dịch thì giá thép cũng tăng.
Theo anh Tới, mỗi dự án xây dựng, chi phí thép thường chiếm 10-30% tổng giá trị dự án, và khoảng 40-50% nếu là công trình xây dựng cầu đường, nhà xưởng và những tòa nhà lớn. Do đó, việc giá thép leo thang sẽ tác động rất mạnh tới các nhà thầu. Bởi trên thực tế, hiện nay các nhà thầu đang cạnh tranh nhau quyết liệt bằng giá chào thầu, nếu chào giá cao thì khó trúng thầu, chào giá thấp mà phải gánh thêm chi phí trượt giá do vật liệu tăng thì sẽ bị lỗ. Cứ mỗi đợt tăng giá thép nếu nhà thầu không thi công thì bị phạt tiến độ, không được thanh toán phần khối lượng đã hoàn thành, mà thi công thì càng khó khăn thêm.
Theo tính toán, giá thép tăng cao khiến cho mỗi công trình xây dựng nhà ở bị đội vốn từ 15-20%. Ảnh: TĐ |
Cũng theo anh Tới, cơ bản tại các hợp đồng xây dựng đều nêu rõ việc chủ đầu tư sẽ phải chịu thêm chi phí phát sinh nếu giá trị vượt quá 5%, tuy nhiên việc nhà thầu được chủ đầu tư thanh toán cho phần chi phí phát sinh cũng không hề đơn giản. Trước đây chi phí phát sinh gần như chỉ ghi cho có, nhưng nay đã trở thành sự thật. Có khi mới ký hợp đồng hôm nay thì ngày hôm sau giá thép đã nhảy vọt lên cao, khiến cho các nhà thầu đành phải đàm phán lại với chủ đầu tư. Nếu đàm phán không xong thì đành bấm bụng mà xử lý cho xong phần chi phí tăng thêm này. Chưa kể, có những công trình kéo dài từ 3 đến 5 năm, chi phí đội lên sẽ rất lớn.
Theo các nhà thầu, nếu như trước đây, chi phí cho mỗi m2 xây dựng khoảng 5 triệu đồng, thì nay đã đội lên đến 6 triệu đồng/m2. Trong khi đối với ngành xây dựng, nhất là những nhà thầu quy mô nhỏ, chỉ trông chờ vào lợi nhuận để trả tiền công cho thợ, thì việc bị tác động do giá thép tăng cao là điều không tránh khỏi.
Theo nhiều đại lý do giá phôi thép nhập về cao nên đã đẩy giá thép tăng lên. Ảnh: TĐ |
Ngoài ra, giá thép tăng cao còn ảnh hưởng rất lớn đến chi phí đầu tư một số dự án do nhà nước làm chủ đầu tư. Nhất là các công trình xây dựng cầu cống, các công trình trụ sở, trường học, nhà cao tầng… Đối với những công trình này thường có thời gian xây dựng dài, việc lên kế hoạch, dự toán kèo dài hàng năm trời, trong khi giá thép, giá vật liệu tăng lên từng ngày khiến cho các nhà thầu vô cùng ngán ngẩm.
Ông Ngô Quang Trung - Giám đốc một công ty tư vấn xây dựng trên địa bàn TP.Vinh cho biết: nhiều công trình do nhà nước đầu tư hiện nay không thể hoàn thành vì giá vật liệu leo thang quá nhanh. So với thời điểm ký hợp đồng cách đây 2-3 năm thì nay chi phí đã đội lên khoảng 40-50%, điều này nếu không được chủ đầu tư điều chỉnh kịp thời thì sẽ không có nhà thầu nào chịu nổi.
Ông Trung cũng nêu bất cập, hiện nay giá vật liệu thì thay đổi từng ngày, trong khi đối với các công trình do nhà nước làm chủ đầu tư, việc điều chỉnh giá tốn rất nhiều thời gian, thậm chí việc xây dựng giá còn được tiến hành theo từng quý, sẽ không theo kịp với tình hình biến động giá trên thực tế, điều này sẽ gây ra khó khăn lớn cho bản thân các chủ đầu tư và nhà thầu, khiến cho công trình rất dễ chậm tiến độ.
Giá thép tăng cao khiến cho nhiều công trình xây dựng bị đội vốn, nhất là các công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Ảnh: TĐ |
Để đối phó với việc tăng cao của giá thép nói riêng và giá vật liệu xây dựng nói chung, hiện nay giải pháp được các nhà thầu nêu ra đó chính là tăng cường nhân lực, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành phần khối lượng đã đăng ký hoặc ký kết từ trước, tránh để kéo dài sẽ bị chịu thiệt hại lớn.
Theo ý kiến của Sở Tài chính Nghệ An, ảnh hưởng của việc biến động giá vật liệu xây dựng đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công là điều rất rõ ràng. Tùy vào mức độ biến động mà các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án sẽ có những kiến nghị đề xuất để điều chỉnh. Theo quy định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, định kỳ từng quý, Sở Tài chính và Sở Xây dựng sẽ căn cứ biến động giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh để công bố giá vật liệu xây dựng. Đây sẽ là căn cứ để các chủ đầu tư tham khảo, quyết định việc lập, điều chỉnh dự toán xây dựng của công trình.