Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp
(Baonghean.vn) - Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Tỉnh Nghệ An vừa ban hành Chương trình số 02-CTr/BCĐ năm 2022 về công tác cải cách tư pháp.
Theo đó, công tác cải cách tư pháp năm 2012 có 12 nhiệm vụ chung:
- Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, triển khai các nội dung liên quan đến nhiệm vụ cải cách tư pháp. Phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.
- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh và cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo. Kiện toàn tổ chức, hoạt động sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Hội nghị giao ban Khối Nội chính. Ảnh tư liệu: Hoài Thu |
- Tiếp tục tăng cường kiểm tra, rà soát, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thạy thế, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn của địa phương. Phối hợp rà soát các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cải cách tư pháp để đôn đôc, triển khai thực hiện có hiệu quả; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác cải cách tư pháp, kịp thời phát hiện nhưng bất cập, chồng chéo để kiến nghị cơ quan, cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp với hệ thống pháp luật và tình hình thực tiễn.
- Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục làm tốt công tác phối hợp nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm đúng người, đúng tội "không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai”. Tập trung xử lý, giải quyết tốt các vụ án, vụ việc kéo dài; các vụ án, vụ việc dư luận xã hội quan tâm; các vụ việc, vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.
Phòng Tư pháp phối hợp với Công an huyện Diễn Châu tổ chức Hội nghị quán triệt, tập huấn, triển khai quy chế phối hợp tới cấp xã. Ảnh tư liệu P.V. |
- Chỉ đạo nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật kịp thời hướng dẫn, giải thích, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật về hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của các cơ quan, địa phương theo đúng tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 và Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị.
- Tiếp tục chỉ đạo các ngành thực hiện tốt các đề án liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án dân sự. Xác định rõ cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền tư pháp.
- Nâng cao chất lượng giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát đối với hoạt động tư pháp, qua đó, kiến nghị các cơ quan tư pháp khắc phục những hạn chế trong hoạt động tư pháp.
Cán bộ Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tư vấn, hòa giải các vụ việc. Ảnh tư liệu Đức Cường |
- Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các chế định bổ trợ tư pháp. Tăng cường chỉ đạo công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ luật sư có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm hơn nữa đến công tác định giá tài sản, bán đấu giá tài sản, công tác giám định liên quan đến hoạt động tư pháp. Tiếp tục hoàn thiện, tham mưu giải pháp phát triển hệ thống văn phòng công chứng, văn phòng luật sư tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, tăng cường vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, cung cấp thông tin về hoạt động tư pháp.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp. Chỉ đạo các cơ quan tư pháp tỉnh làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp phải thực sự liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm, hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính - tư pháp trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp.
Cán bộ tư pháp hộ tịch xã Nghi Kim, TP. Vinh giải đáp cho người dân. Ảnh tư liệu Đ.C |
- Chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 26- CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW, ngày 09/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.
Ngoài nhiệm vụ chung, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể đối với các ngành trong Khối Nội chính. Trong đó, yêu cầu phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định phối hợp trong công tác giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an tỉnh, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tỉnh, Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác tư pháp và cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 phù hợp với tình hình thưc tiễn địa phương, đơn vị.
Tăng cường công tác phối hợp trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm đúng người, đúng tội, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng phát hiện, khởi tố điều tra, xét xử, giải quyết và thi hành án hình sự, dân sự. Chú trọng việc phát hiện nguyên nhân và điều kiện phạm tội để yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan áp dụng các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.
Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì các cơ quan trong Khối Nội chính phối hợp tham mưu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác tiếp công dân; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện phức tạp, không để tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp…
Trên cơ sở Chương trình số 02-CTr/BCĐ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ chính trị và điều kiện cụ thể của cơ quan, địa phương mình, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2022.