Thủ tướng: Tập trung chỉ đạo, điều hành có trọng tâm để phục hồi nhanh, phát triển bền vững

Phạm Bằng 05/04/2022 12:26

(Baonghean.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 12 nhiệm vụ trọng tâm trong quý II và cả năm 2022 với tinh thần đã quyết tâm thì phải quyết tâm hơn nữa, tập trung chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm trên tất cả các lĩnh vực nhằm phục hồi kinh tế-xã hội nhanh, phát triển bền vững.

Sáng 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế-xã hội, chương trình phục hồi và phát triển; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì.
Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì. Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

NHIỀU LĨNH VỰC KHỞI SẮC

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, so với thời điểm tổ chức Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 5/1, tình hình hiện nay đã có nhiều diễn biến mới khác, phức tạp, khó lường. Tình hình có thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi.

Quý I năm 2022 vừa khép lại với nhiều tín hiệu rất tích cực, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận còn một số hạn chế, bất cập. Dự báo thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng cho rằng cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện trách nhiệm, hiệu quả thì mới đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển KT-XH, triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế-xã hội quý I khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, trong đó nhiều lĩnh vực đạt mức tăng trưởng nhanh nhất tính từ năm 2020 đến nay.

Điểm sáng nổi bật là tăng trưởng GDP quý I tăng 5,03% so với cùng kỳ, trong đó, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021. Lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI bình quân quý I tăng 1,92% so với cùng kỳ. Thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định; Các cân đối lớn, an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm.

Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3, tăng 45,5% so với tháng trước, tính chung quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ. Vốn FDI đăng ký tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần 3 tháng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ; FDI thực hiện tăng 7,8% so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, giá trị tăng thêm 3 tháng toàn ngành tăng 7,07% so với cùng kỳ. Thương mại, dịch vụ cũng tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

Lãnh đạo các sở, ngành tham dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Công tác an sinh xã hội được triển khai nhanh, làm ngày càng tốt hơn. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Lòng tin của người dân và doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền tăng lên; bạn bè, đối tác quốc tế, nhà đầu tư đồng tình, ủng hộ, chia sẻ, đánh giá tích cực về Việt Nam.

Tại cuộc họp, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã dành nhiều thời gian tập trung phân tích, đánh giá tình hình quý I; nêu lên nhiều vướng mắc, khó khăn và đề xuất các biện pháp, giải pháp nhằm đưa nền kinh tế phục hồi nhanh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH TRỌNG TÂM,

PHẤN ĐẤU PHỤC HỒI NHANH, PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn trong thiên tai, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung thời gian qua.

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội quý I, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tác động rất lớn tới việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu đã đề ra. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh, giá nguyên liệu tăng cao, nhiều vấn đề kinh tế-xã hội tồn đọng, kéo dài... đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, thách thức, Chính phủ và các địa phương đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách tích cực, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Nhờ đó, hầu hết các lĩnh vực đạt được những chuyển biến rất tích cực, phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam không lỡ nhịp với xu thế chung của thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự báo trong thời gian tới tình hình sẽ tiếp tục có thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, chúng ta đã quyết tâm thì phải quyết tâm hơn nữa, tập trung có trọng tâm, trọng điểm trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành. Mặt khác, phải tăng cường tính tự lực, tự cường hơn nữa; sắp xếp, rà soát lại nguồn lực.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Trước hết là thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế...

Mặt khác, tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô bằng mọi biện pháp; bám sát tình hình, diễn biến thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm các cân đối lớn, không để bị động, bất ngờ. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử...

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh cơ cấu, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh tốc độ phục hồi các lĩnh vực, đặc biệt là du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tiếp tục hoàn thành Quy hoạch Điện VIII.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng

Thủ tướng cũng yêu cầu, bên cạnh tăng cường phát triển văn hóa thì cần chú trọng công tác an sinh xã hội, chăm lo an sinh cho nhân dân trong bất kỳ hoàn cảnh nào; tổ chức các hình thức dạy học an toàn. Các địa phương phải có giải pháp đảm bảo cung cầu lao động; chủ động đẩy mạnh cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng tiêu cực.

Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng thời giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân để người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sinh sống, làm việc, mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo dõi sát tình hình diễn biến của thế giới để xử lý nhanh. Các cơ quan truyền thông dành nhiều thời lượng hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch; phục hồi kinh tế; phát triển văn hóa.

Đối với các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải giải quyết tốt công tác GPMB, làm sao cho dân yên tâm, đảm bảo nơi ở mới cao hơn nơi ở cũ. Làm tốt công tác quy hoạch, quản lý, khai thác các mỏ nguyên vật liệu. Chủ động lập các dự án đất lúa, đất rừng để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Đẩy mạnh công tác quy hoạch theo tinh thần dài hơi, ổn định, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược.

Phạm Bằng