Nỗ lực nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể

Diệp Thanh 07/04/2022 06:20

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh quan hệ lao động ngày càng phức tạp trong thời gian gần đây, thỏa ước lao động tập thể càng đóng vai trò quan trọng, góp phần cải thiện quan hệ lao động và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Khó khăn và cơ hội

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được xem là một “bộ luật con” được thỏa thuận, thương lượng giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, bao gồm nhiều điều khoản có lợi cho người lao động được đưa ra trong TƯLĐTT. Tuy nhiên, vì TƯLĐTT mang tính tự nguyện, không có chế tài xử phạt nên đây trở thành một nội dung khó đối với tất cả cán bộ công đoàn. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng đến kinh doanh sản xuất, nội dung khó này lại càng thêm khó.

Ảnh: D.T
Người lao động tại một doanh nghiệp FDI trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: D.T

“Tại Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, trong 10 đơn vị không xây dựng được thương lượng lao động tập thể có 8 đơn vị tình hình sản xuất, kinh doanh có khó khăn, 2 đơn vị cho rằng chế độ của họ đối với công nhân đã quá tốt không cần phải bổ sung thêm thỏa ước lao động tập thể. Sau dịch, số đơn vị đã có thỏa ước nhưng đã hết hạn cũng ngần ngại ký mới vì gặp khó khăn về kinh doanh, sản xuất” - bà Trần Thị Nguyệt - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ.

Ở các công đoàn huyện, ngành khác cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn Thục - Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương cho biết: “Ở nhiều đơn vị ngành dịch vụ du lịch, số nhân viên đi làm mỗi ngày chỉ đếm trên đầu ngón tay, việc tổ chức hội nghị đã khó rồi, chuyện thương lượng hay ký kết TƯLĐTT lại càng bất khả thi. Ngoài ra, vẫn tồn tại ở nhiều đơn vị tình trạng cách thức thương lượng và chất lượng thỏa ước còn mang tính hình thức, không ít đơn vị sao chép lại nội dung trong Luật Lao động để đưa vào thỏa ước. Nguyên nhân của điều này một phần vì các chủ doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng, sự cần thiết, tác dụng của TƯLĐTT”.

Ảnh:
Công đoàn KKT Đông Nam giám sát thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp FDI. Ảnh: Hoàng Yến

Bên cạnh những lý do khách quan, không thể không kể đến những lý do chủ quan đến từ phía cán bộ công đoàn. Cụ thể, nhiều cán bộ công đoàn cơ sở chưa chủ động, chưa mạnh dạn đề xuất chủ sử dụng lao động thương lượng, ký kết TƯLĐTT. “Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu, cán bộ công đoàn cơ sở là người công đoàn nhưng lại nhận lương của chủ doanh nghiệp, họ không thể tự tin đứng lên kiến nghị những nội dung có vẻ bất lợi cho chủ sử dụng lao động. Hơn nữa, kỹ năng thương lượng của hầu hết cán bộ cơ sở cũng rất hạn chế, đòi hỏi cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở phải thật sự bám sát, đồng hành” - ông Nguyễn Tất Cường - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đô Lương cho hay.

Ngoài những khó khăn nêu trên, nhiều cán bộ công đoàn cho rằng hạn chế trong phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thương lượng và ký kết TƯLĐTT và chế tài xử phạt chưa có tính răn đe cũng là một nguyên nhân dẫn đến những kết quả chưa như ý về TƯLĐTT.

Thỏa ước lao động tập thể trực tiếp liên quan đến quyền lợi người lao động, vì thế đóng vai trò quan trọng trong ổn định quan hệ lao động, giảm thiểu đình công tại doanh nghiệp. Ảnh: D.T

Tuy là một “bài toán khó” nhưng Công đoàn Nghệ An xác định, TƯLĐTT là một nội dung vô cùng quan trọng trong quan hệ lao động. Bà Hoàng Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách Pháp luật - Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Cuộc đình công tại Diễn Châu thời gian qua là minh chứng rõ nhất cho tầm quan trọng của TƯLĐTT. Một trong những lý do khiến công nhân kiên quyết không nhượng bộ doanh nghiệp là vì họ so sánh lợi ích giữa công ty mình với công ty khác - những điều này được xây dựng trong thỏa ước. Bản chất của TƯLĐTT là sự tự nguyện, chỉ có thể khuyến khích, vận động và không thể ép buộc kèm các chế tài răn đe. Chính yếu tố trên khiến nội dung này trở thành “trận địa” để cán bộ công đoàn thể hiện được vai trò, chức năng, năng lực của mình. Hơn thế, trong bối cảnh các doanh nghiệp cần thu hút lao động, việc đưa những nội dung có lợi cho người lao động vào thỏa ước lao động tập thể sẽ cơ hội thành công cao hơn. Nhất là nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng bữa ăn ca”.

Nhiều cách làm sáng tạo

Từ định hướng của LĐLĐ tỉnh, hiện nay Nghệ An có 454/533 doanh nghiệp có TƯLĐTT. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước là 32/32 đơn vị, doanh nghiệp FDI là 28/35 đơn vị và doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 394/466 đơn vị.

LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thỏa ước lao động tập thể năm 2021. Ảnh: D.T

Về chất lượng, một số công đoàn cấp trên cơ sở đã đầu tư thời gian chỉ đạo, giúp đỡ công đoàn cơ sở thương lượng sửa đổi, bổ sung nhiều lần trước khi ký kết, từ đó chất lượng các bản Thỏa ước lao động tập thể năm 2021 đã có nhiều tiến bộ. Một số đơn vị có các bản TƯLĐTT có chất lượng khá tốt. Điển hình, TƯLĐTT của Công ty CP Đầu tư và phát triển Hà Tiến (Diễn Châu) có các điều khoản có lợi như lương thử việc 3 tháng tối thiểu là 4,5 triệu đồng/tháng, lương sau thử việc tối thiểu 5,5 triệu đồng/tháng. TƯLĐTT của Quỹ tín dụng xã Diễn Kỷ (Diễn Châu) có các điều khoản có lợi cho người lao động như hỗ trợ 100% học phí, xăng xe, chi phí ăn ở cho NLĐ tham gia các khóa học nâng cao nghiệp vụ, bản thân kết hôn nghỉ 5 ngày, con kết hôn nghỉ 3 ngày, cha mẹ, con cái, vợ chồng chết nghỉ 7 ngày, giỗ chạp nghỉ 1/2 ngày có hưởng lương, chi hỗ trợ trang phục 5 triệu đồng/năm, ăn giữa ca 130.000 đồng/người/ngày. TƯLĐTT của Công ty TNHH Nhân Độ (Quỳ Hợp) có các điều khoản như nghỉ việc riêng hưởng lương nhiều ngày hơn luật quy định, thưởng lương tháng thứ 13, thưởng chuyên cần, Tết, sáng kiến từ 2-10 triệu đồng/năm, phụ cấp trang phục 5 triệu đồng/năm, các chế độ phúc lợi tốt, chế độ riêng cho lao động nữ, tổ chức tham quan 1 năm/lần… TƯLĐTT của Công ty TNHH MTV Tôn Hoa Sen Nghệ An (Khu kinh tế Đông Nam)có điều khoản mua bảo hiểm tai nạn 24/24 giờ cho người lao động, hỗ trợ tiền ăn ca 25.000 đồng/ngày, hỗ trợ thêm 2.000.000 đồng/ tháng cho lao động nữ nghỉ thai sản trong vòng 6 tháng…

“Để khích lệ, động viên công tác thương lượng, cho các đơn vị, tổ chức công đoàn đã có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các bản thỏa ước có chất lượng, theo đó hỗ trợ, khen thưởng cán bộ cơ sở và cán bộ cấp trên cơ sở. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng sẽ tổ chức khen thưởng theo giai đoạn”.

Bà Hoàng Thị Thu Hương – Trưởng ban Chính sách Pháp luật – Quan hệ lao động – LĐLĐ tỉnh

Để có những kết quả trên không thể thiếu sự đồng hành, vào cuộc trách nhiệm và sáng tạo của công đoàn cấp trên cơ sở. Chia sẻ kinh nghiệm của Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, bà Trần Thị Nguyệt cho biết: “Chúng tôi lập bảng danh sách và phân công cán bộ công đoàn bám sát cơ sở, cập nhật sát sao thời gian có hiệu lực của các bản Thỏa ước. Trước ngày hết hạn 2 tháng, chúng tôi có văn bản nhắc ký mới gửi, lập danh sách nội dung thỏa ước của các đơn vị và gửi xuống cho tất cả các công đoàn cơ sở. Điều này ngầm tạo ra sự cạnh tranh giữa các đơn vị, khiến chất lượng thỏa ước được cải thiện để giữ chân lao động. Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chúng tôi, giúp đưa nội dung thỏa ước vào ngay từ những ngày đầu thành lập công đoàn cơ sở”.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm hỏi, nắm bắt tình hình công nhân lao động tại doanh nghiệp. Ảnh: ĐVCC

Tương tự, để trở thành một trong những đơn vị top đầu của tỉnh về số lượng và chất lượng TƯLĐTT, Liên đoàn Lao động huyện Diễn Châu đã thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, cán bộ chủ chốt công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp, bám sát cơ sở để hỗ trợ, tư vấn khi cần thiết, giao chỉ tiêu ký kết mới hoặc sửa đổi TƯLĐTT cho các đơn vị, phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn để quản lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động…

“Để đề xuất xây dựng, sổ sung, sửa đổi nội dung các bản TƯLĐTT, cán bộ công đoàn cần phải nắm rõ tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp. Trong hầu hết các trường hợp, công đoàn cơ sở cần sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên tư vấn, đồng hành, vậy nên, ngoài các lớp tập huấn kỹ năng thương lượng thì còn phải cầm tay, chỉ việc cho cơ sở - ông Nguyễn Tất Cường - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đô Lương chia sẻ.

Diệp Thanh