Chuyện buồn ở bản Đỉnh Sơn

Tiến Hùng 09/04/2022 07:01

(Baonghean.vn) - Là điểm nóng về mua bán bào thai, 2 bản Đỉnh Sơn được chính quyền các cấp quan tâm một cách đặc biệt nhằm xóa bỏ vấn nạn này. Tuy nhiên, đến nay cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn, lạc hậu.

Bản thưa người

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi theo chân Thiếu úy Chích Văn Phươn - cán bộ Công an xã Hữu Kiệm vào 2 bản Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2. Đây là 2 bản của người Khơ Mú, nằm sâu trong rừng, trong đó bản Đỉnh Sơn 1 đến nay vẫn là bản đặc biệt khó khăn. Được giao phụ trách địa bàn 2 bản này, Thiếu úy Phươn nắm rõ mọi chuyện ở đây. Từ việc nhà nào hôm nay làm vía, nhà nào có con mới đi làm ăn xa về, nhà nào có người đang ở tù vì tội mua bán người… “Ở đây còn nghèo lắm anh ạ. Vì thế mà họ phải đi làm ăn xa hết, ở bản giờ vắng vẻ lắm, chỉ còn người già với trẻ nhỏ thôi”, Thiếu úy Phươn nói.

Quả đúng với lời Phươn nói, 9h sáng, mọi con đường ở 2 bản Đỉnh Sơn vắng hoe. Thi thoảng chúng tôi mới bắt gặp một vài em nhỏ cùng với các cụ già. Cạnh đó, nhiều ngôi nhà sàn đóng cửa im lìm, với những dấu hiệu cho thấy đã lâu không có người ở. Cầm trên tay cuốn sổ ghi chép tỉ mỉ về dân số, Thiếu úy Phươn cho biết, 2 bản này chỉ hơn 200 hộ với khoảng 900 nhân khẩu. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 500 người đến xã làm thủ tục để đi làm ăn xa. Những người ở lại, phần lớn cũng ở trên rẫy xa, ít khi về nhà, nên ở bản lúc nào cũng đìu hiu.

Cảnh đìu hiu ở trung tâm bản Đỉnh Sơn 1. Ảnh: Tiến Hùng
Cảnh đìu hiu ở trung tâm bản Đỉnh Sơn 1. Ảnh: Tiến Hùng

Bản Đỉnh Sơn 1 và 2 nằm lọt thỏm giữa rừng phòng hộ. Bên cạnh dòng khe Bà quanh năm chảy xiết. Cũng vì bị rừng phòng hộ bao bọc mà người dân chỉ có một diện tích đất canh tác ít ỏi cạnh dòng khe để chia nhau trồng trọt. Để có nơi trồng trọt, họ phải băng rừng từ 2 đến 5 tiếng để phát rẫy. Đường lên rẫy xa, xe máy cũng không thể vào được, vì thế họ đành phải dựng lán, sống luôn trong rẫy. “Trồng trọt xong, mỗi lần vận chuyển ra ngoài này khó khăn lắm, vì chỉ có thể vác trên vai, cho nên chúng tôi phải dựng lán để luôn nông sản trong đó. Mỗi lần ra đây cũng chỉ để mua sắm một vài thứ cần thiết và mang ít lúa ra xay xát”, anh Moong Văn Tiến - một trong những người trẻ hiếm hoi còn bám trụ ở Đỉnh Sơn 2 nói.

Cũng vì ở trên rẫy xa, mà mỗi lần đến năm học mới, việc vận động con em Đỉnh Sơn đến trường là cả một bài toán khó đối với những người làm công tác giáo dục. Bởi với người dân nơi đây, việc học của con em chỉ là phụ, việc kiếm cái ăn mới là chính.

Những ngôi nhà đóng cửa im lìm vì gia chủ đi làm ăn xa. Ảnh: Tiến Hùng
Những ngôi nhà đóng cửa im lìm vì gia chủ đi làm ăn xa. Ảnh: Tiến Hùng

Tìm giải pháp thoát nghèo

Cũng như nhiều bản Khơ Mú vùng cao khác, bà con ở bản Đỉnh Sơn nghèo. Theo ông La Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm thì nguyên nhân không chỉ do thiếu sinh kế, mà còn vì những hủ tục, lối sống lạc hậu đến nay vẫn còn đeo bám dai dẳng lấy người dân nơi đây. “Những năm gần đây, bà con đi làm ăn xa, có thu nhập ổn định. Nhưng rồi nghèo vẫn hoàn nghèo, đó là vì lối sống lạc hậu quá, không biết tiết kiệm”, ông Hà nói.

Cứ dịp đầu năm, người dân ở các bản Đỉnh Sơn đổ xô vào các tỉnh Tây Nguyên làm thuê. Họ được xe của công ty đến tận xã đến đón. Vào trong đó, họ chủ yếu làm việc trong những nông trường cao su, có chỗ ở ổn định. Vì thế mà không ít gia đình mang cả con nhỏ cùng đi. Mỗi tháng, trung bình mỗi lao động cũng kiếm được 7 triệu đồng. Tuy nhiên, quần quật làm thuê quanh năm, nhưng số tiền đó được tiêu sạch trong những ngày về quê ăn Tết.

Thiếu úy Phươn dường như nắm rõ mọi hoạt động trong bản. Ảnh: Tiến Hùng
Thiếu úy Phươn dường như nắm rõ mọi hoạt động trong bản. Ảnh: Tiến Hùng

“Bà con ở đây tiêu tiền dữ lắm. Đầu năm đi làm thuê, cuối năm có tiền về tiêu hết sạch rồi lại kéo nhau đi làm thuê tiếp”, anh Vi Văn Châu (32 tuổi, trú bản Đỉnh Sơn 2) nói. Anh Châu hiện đang làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hữu Kiệm, nên vẫn bám trụ ở bản, không đi làm ăn xa như những người trẻ khác. Ở đây, anh mở quán tạp hóa bán cho người dân kiếm sống qua ngày. Châu kể rằng, những ngày Tết, khi lao động ở xa về, quán tạp hóa của anh không còn bia để mà bán. Những xe tải chở bia ở ngoài vào chưa đi hết bản đã bán hết sạch bia. Không chỉ tụ tập, ăn uống linh đình ở nhà, nhiều nhóm thanh niên còn kéo nhau lên các nhà hàng ở thị trấn Mường Xén để ăn nhậu. Có những khi, họ còn ở lại thị trấn nhiều ngày liền để tiêu xài.

Ở Đỉnh Sơn giờ phần lớn là người già và trẻ nhỏ. Ảnh: Tiến Hùng
Ở Đỉnh Sơn giờ phần lớn là người già và trẻ nhỏ. Ảnh: Tiến Hùng

Còn theo Thiếu úy Chích Văn Phươn, không chỉ ăn uống tốn kém, mỗi lần đi làm thuê về, để chơi Tết, những lao động này đều mua sắm xe máy đắt tiền. Khi đã tiêu hết tiền dành dụm, ra Tết họ lại phải bán rẻ xe máy, lấy tiền tiêu pha tiếp. Khi đã tiêu hết sạch tiền làm thuê suốt 1 năm, họ mới bắt đầu nghĩ đến việc đi làm. Cứ như vậy, vòng xoay đói nghèo vẫn cứ quanh quẩn bám lấy họ.

Cũng vì trình độ dân trí thấp, mà cách đây không lâu, ở bản Đỉnh Sơn đã xảy ra một trào lưu đau lòng. Đó những người phụ nữ đua nhau sang Trung Quốc bán bào thai. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có gần 30 phụ nữ ở 2 bản Đỉnh Sơn vượt biên qua Trung Quốc đẻ rồi bán con. Sau khi Báo Nghệ An có loạt bài phản án, vụ việc đã gây chấn động cả nước, buộc cơ quan chức năng các cấp phải ráo riết vào cuộc.

2 bản Đỉnh Sơn là điểm nóng về mua bán bào thai . Ảnh: Tiến Hùng
2 bản Đỉnh Sơn là điểm nóng về mua bán bào thai. Ảnh: Tiến Hùng

Đau xót hơn, có tiền từ việc bán con, những người này trở về quê mua sắm xe máy, tiêu xài phung phí. Chỉ trong ít ngày, số tiền ấy cũng ra đi. “Có lần vào thấy một gia đình bán con trở về, đang ăn uống linh đình vì có tiền. Họ dường như chẳng có một chút ân hận, một chút day dứt nào về đứa con. Chứng kiến cảnh đó tôi đau lòng lắm, phải lớn tiếng với họ”, Thiếu tá Nguyễn Văn Trường - Trưởng Công an xã Hữu Kiệm kể.

Cũng theo Thiếu tá Trường, sau khi Báo Nghệ An có loạt bài phản ánh, lực lượng Công an đã phải thành lập các tổ để giám sát chặt chẽ 2 bản này. Theo đó, cán bộ Công an không chỉ thường xuyên vận động, tuyên truyền mà còn lập danh sách những người đang mang thai, rồi cứ vài ngày lại phải tới nhà để theo dõi, tránh trường hợp họ trốn đi Trung Quốc đẻ rồi bán con. Đồng thời, ngăn chặn những kẻ trong đường dây mua bán người tiếp cận họ. Cũng vì sự vào cuộc rốt ráo ấy, mà từ đó đến nay vấn nạn này đã được kiềm chế. Trong vài năm, ở 2 bản Đỉnh Sơn không xảy ra trường hợp nào đi bán bào thai.

Rẫy của bà con nơi đây ở rất xa khu dân cư, phải đi bộ suốt nhiều tiếng. Vì thế người dân phải dựng chòi, ở luôn trong rẫy. Ảnh: Tiến Hùng
Rẫy của bà con nơi đây ở rất xa khu dân cư, phải đi bộ suốt nhiều tiếng. Vì thế người dân phải dựng chòi, ở luôn trong rẫy. Ảnh: Tiến Hùng

Tuy vậy, để 2 bản người Khơ mú này thoát nghèo vẫn là một bài toán khó đối với chính quyền sở tại. “Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định sinh kế chính để người dân thoát nghèo vẫn là đi làm thuê ở các tỉnh Tây Nguyên. Làm trong đó, thu nhập cũng rất khá và ổn định. Tuy nhiên, vì lối sống tiêu xài hoang phí mà bà con vẫn nghèo. Chính vì thế, giải pháp sắp tới vẫn là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giúp bà con dần thay đổi suy nghĩ, nhận thức để họ biết tiết kiệm hơn”, ông La Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm nói.

Tiến Hùng