Lan tỏa giá trị di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Huệ Anh 10/04/2022 07:37

(Baonghean.vn) -Ngàn đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam - những người tự hào mang trong mình dòng máu Tiên Rồng.

Những ngày tháng Ba này, cả nước rộn ràng các hoạt động hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Đã là con dân đất Việt, ai mà không mong được một lần hành hương về miền đất Tổ, lên núi Nghĩa Lĩnh linh thiêng thành kính dâng nén hương thơm, tỏ lòng tri ân công đức các Vua Hùng. Để rồi, ngàn đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam - những người tự hào mang trong mình dòng máu Tiên Rồng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để lớp lớp cháu con hôm nay nghĩ suy về truyền thống lịch sử mấy nghìn năm của dân tộc, lan tỏa giá trị nhân văn của Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhân lên sức mạnh cội nguồn, chung tay dựng xây đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Dù ai đi ngược về xuôi.

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba.

Cứ đến ngày Giỗ Tổ là hàng triệu người con mang trong mình dòng máu Tiên Rồng lại cùng nhau hướng về Đất Tổ.

Ngàn đời nay, câu ca ấy đã in sâu trong tâm thức của mỗi người dân Việt. Dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, cứ đến ngày Giỗ Tổ là hàng triệu người con mang trong mình dòng máu Tiên Rồng lại cùng nhau hướng về Đất Tổ, thắp nén tâm hương nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với tất cả tấm lòng thành kính của mình.

Trong thong thả dấu chân trên từng bậc đá, trong man mác khói mây huyền thoại mấy nghìn năm, mỗi người con đất Việt hành hương về miền Đất Tổ hôm nay như vẫn thấy hình ảnh các Vua Hùng cùng thần dân cày ruộng, đi săn. Trong lớp lớp đàn Chim Lạc sải cánh bay về đậu lên mặt trống đồng, lịch sử đã khắc ghi công lao các Vua Hùng đời nối đời sinh cơ lập nghiệp. Nước Văn Lang của người Việt cổ với nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng rực rỡ đã tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc phong phú và độc đáo, đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ và dài lâu của dân tộc Việt Nam. Trải mấy ngàn năm vật đổi sao dời, mỗi tấc đất, ngọn cây dưới chân Nghĩa Lĩnh, mỗi bậc đá thềm mây trên đền Trung, đền Thượng đã thấm đẫm huyền thoại về đạo lý cội nguồn.

Bốn nghìn năm sức mạnh Việt Nam còn là dấu ấn không thể phai mờ của những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ.

Bốn nghìn năm, từ Phong Châu, đàn con của Mẹ Âu Cơ đã băng qua bao núi đồi, vượt qua sơn lam chướng khí, mở mang đất đai, chí thú gieo trồng, ruộng đồng ngày một thênh thang, đường sá ngày thêm rộng dài; Trên rừng, dưới biển, đâu đâu cũng thấm đẫm mồ hôi, công sức của lớp lớp con Hồng, cháu Lạc, từ cày ruộng, đi săn, đến những chiến công lừng lẫy chinh phục thiên nhiên, đắp đê trị thủy, đánh đuổi ngoại xâm, gìn giữ cõi bờ.

Bốn nghìn năm sức mạnh Việt Nam còn là dấu ấn không thể phai mờ của những giá trị văn hóa truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ. Một trong những giá trị đó là tinh thần cố kết cộng đồng; là hai chữ “đồng bào” gắn với câu chuyện Trăm trứng của Mẹ Âu Cơ. Lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, vì thế mà trở thành một giá trị thiêng liêng.

54 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S này, dù là Kinh hay Thượng, dù ở miền ngược hay miền xuôi, đều là con của Mẹ, là cây một cội, là hoa một cành. Dù ở trong nước hay ngoài nước, người Việt Nam luôn nhớ mình có chung một ngày Giỗ Tổ. Tìm về non thiêng Nghĩa Lĩnh là tìm về giá trị của tinh thần đại đoàn kết toàn dân - yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc trong suốt cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.

Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam là lịch sử chiến thắng của tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, triệu người như một. Từ những triều đại quân chủ lẫy lừng chiến công phá Tống, bình Chiêm, kháng Nguyên, trừ Minh, đạp Thanh… đến thời đại Hồ Chí Minh – thời đại cả dân tộc biết tự “rũ bùn đứng dậy” giải phóng mình khỏi kiếp đời nô lệ, làm dân một nước độc lập tự do. Ở đâu, lúc nào, lịch sử đi vào những khúc quanh cam go nhất cũng được hóa giải thành công bằng trí tuệ và sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân.

Hơn 700 năm trước, sau 2 lần chiến thắng Nguyên Mông, Vua Trần Nhân Tông phải nén căm hờn mà viết rằng:“Tịch hiệp thiên hà tẩy chiến trần”. nghĩa là: Kéo cả dải Ngân hà xuống để rửa sạch mọi oán hờn, khổ đau và mâu thuẫn chiến tranh để muôn dân được sống hòa bình, để "Giang sơn nghìn thuở vững âu vàng".

Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần nhắc đến 2 từ "Đoàn kết". Đó không chỉ là sự đồng cảm của những bậc thiên tài mà còn là sự minh triết về cội nguồn, về sự trường tồn của một dân tộc biết lấy đoàn kết làm gốc rễ xây dựng tiềm lực quốc gia. Sức mạnh Việt Nam vì thế, là sức mạnh của truyền thống trung nghĩa, nhân hòa, vị tha từ ngàn đời cha ông truyền lại.

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có chủ đề "Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương" gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 10 năm qua, với sự nỗ lực của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các địa phương và các tổ chức quốc tế, những giá trị của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thấm sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân Việt Nam.

Cả nước có hàng trăm địa điểm thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật lịch sử liên quan đến thời đại Hồng Bàng. Ngoài chốn thiêng Nghĩa Lĩnh, nhiều địa phương cũng xây dựng Đền thờ Hùng Vương, hoặc tổ chức Lễ Giỗ Tổ tại các ngôi đền thiêng, các Trung tâm văn hóa - lịch sử. Các tỉnh, thành phía Bắc vào ngày này thường tổ chức rước kiệu, đưa lễ vật về Việt Trì dâng lên Quốc Tổ. Người dân xứ Nghệ năm nào vào ngày 10//3 âm lịch cũng tụ hội về đền Hồng Sơn(thành phố Vinh) dâng bánh chưng bánh dầy cùng hương hoa, sản vật địa phương lên ngày Giỗ Quốc Tổ, tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân.

Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Đắk Lắk... sôi nổi các hoạt động văn hóa, tâm linh trong ngày Giổ Tổ. Mới đây, Đền thờ Hùng Vương ở thành phố Cần Thơ đã được khánh thành, trở thành một điểm kết nối văn hóa thiêng liêng để nhân dân vùng đất Chín Rồng từ phương Nam xa xôi có dịp bày tỏ lòng tôn kính với các Vua Hùng - những người đã có công dựng nước và giữ nước.

Những hiện vật thời đại Hùng Vương trên đất Nghệ An được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An. Ảnh: Công Kiên

Những ngày này, nhiều gia đình cũng làm cỗ dâng lên các Vua Hùng; Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức tour du lịch Về Thời Hồng Bàng, các buổi ngoại khóa trong trường học giới thiệu tư liệu, đưa lớp trẻ về với lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của cha ông là minh chứng sinh động về sức sống mãnh liệt của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng. “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu” được tổ chức ở nước ngoài mấy năm nay không chỉ để bà con Việt kiều hướng về nguồn cội, mà còn là cách để kết nối với bè bạn năm châu, cùng nhau bảo tồn, lan tỏa những giá trị mang tính toàn cầu của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần định vị văn hóa Việt Nam.

Với tất cả niềm tự hào dân tộc và lòng thành kính vô biên đối với tổ tiên, chúng ta càng thấm thía hơn những lời dạy của Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta hãy cùng nhau giữ lấy nước”, bằng những hành động cụ thể, biến những giá trị văn hóa, tinh thần của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thành sức mạnh vật chất, vun đắp tinh thần đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để đạo lý cội nguồn luôn là nguồn lực vô tận cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam thịnh vượng, trường tồn!

Huệ Anh