Xây dựng đề án kiện toàn tổ chức lực lượng TNXP tại Nghệ An trong thời kỳ mới

Thanh Quỳnh 14/04/2022 12:01

(Baonghean.vn) - Sáng 14/4, tại Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của lực lượng thanh niên xung phong - xây dựng kinh tế tỉnh Nghệ An” giai đoạn 2015 - 2021, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh đồng ý với quyết định cần thiết xây dựng đề án tổ chức lại lực lượng TNXP Nghệ An và quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng TNXP Nghệ An trong giai đoạn mới.

Dự hội nghị có đồng chí: Lê Hồng Chuyên – Phó Chỉ huy Trưởng Lực lượng TNXP Trung ương; đại diện UB MTTQ tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy và các sở, ngành và đơn vị liên quan. Ảnh: Thanh Quỳnh
Dự hội nghị có đại diện Chỉ huy lực lượng TNXP Trung ương; đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, lực lượng TNXP tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan. Ảnh: Thanh Quỳnh

Sáng mãi tinh thần thanh niên xung phong

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 9 đơn vị TNXP hoạt động, trong đó có 8 đơn vị TNXP do Tỉnh đoàn quản lý, gồm có: Ban Chỉ huy lực lượng TNXP, Tổng đội TNXP 2 - XDKT, Tổng đội TNXP 3 - XDKT, Tổng đội TNXP 5, Tổng đội TNXP 8, Tổng đội TNXP 9, Tổng đội TNXP 10 và Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện Phúc Sơn; 1 đơn vị TNXP là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện Quỳnh Lưu.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, các Tổng đội TNXP đã góp phần hình thành được 12 điểm dân cư, tạo việc làm ổn định từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo vệ, phát triển rừng cho 568 hộ với 1.107 lao động; sắp xếp và tạo việc làm ổn định từ tham gia dự án trồng chè Tuyết Shan, chăn nuôi và bảo vệ rừng cho 429 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập của các hộ đạt từ 80 - 200 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, thông qua việc liên kết chế biến, dịch vụ và giao khoán bảo vệ, trồng rừng, các đơn vị TNXP còn giải quyết việc làm ổn định cho 373 lao động, thu nhập bình quân đạt 6.500.000 đồng/tháng.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Lực lượng TNXP đã tiên phong xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả tại những vùng đất khó của tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Lực lượng thanh niên xung phong đã tham gia thực hiện thành công các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới như: Dự án xây dựng Làng thanh niên lập nghiệp sông Rộ (Thanh Thủy - Thanh Chương); Dự án phát triển kinh tế nông - lâm kết hợp vùng Thung Voi (Châu Đình - Quỳ Hợp); Dự án xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Na Ngoi (Na Ngoi – Kỳ Sơn); Dự án xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Tam Hợp (Tam Hợp - Tương Dương); Dự án xây dựng vùng kinh tế mới Bàu Đung (Long Sơn - Anh Sơn); Dự án xây dựng vùng kinh tế mới thanh niên Sông Giăng (Thanh Đức - Thanh Chương)...

Ảnh: Thanh Quỳnh
Đồng chí Lê Hồng Chuyên - Phó Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Quỳnh

Từ các dự án đó, lực lượng TNXP Nghệ An đã tổ chức di dân, khai hoang đất đồi hoang hóa sản xuất thành các vùng trồng chè, dứa, mía cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, đường giao thông, hồ đập thủy lợi, nước sạch sinh hoạt, nhà văn hóa... phục vụ sản xuất, đời sống, văn hóa và giáo dục cho người dân; tạo lập thành các điểm dân cư tập trung ở vùng miền núi, biên giới, góp phần vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa giữ gìn an ninh - quốc phòng tại địa phương.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Đồng chí Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ trình bày một số ý kiến liên quan đến vấn đề kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng TNXP tỉnh. Ảnh: Thanh Quỳnh

Hiệu quả từ một đề án

Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của lực lượng TNXP, trên cơ sở Nghị định số 12/2011/NĐ-CP của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tham mưu trình UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3051/QĐ-UBND ngày 1/7/2014 phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức và hoạt động của lực lượng TNXP - XDKT tỉnh Nghệ An” (gọi tắt là Đề án 3051).

Sau khi triển khai thực hiện Đề án 3051 gắn với thực hiện các phương án giải thể, chuyển giao các Tổng đội TNXP, từ năm 2015 đến nay biến động về biên chế Nhà nước khá lớn. Tổng số biên chế Nhà nước được UBND tỉnh giao cho các đơn vị TNXP năm 2022 là 45 người, giảm 26 người (36,6%) so với số biên chế được giao năm 2015 là 71 người.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Đồng chí Hoàng Văn Đông - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP 5 (huyện Thanh Chương) trình bày những kiến nghị quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đội trong thời gian tới. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đề án 3051 đã góp phần khắc phục những tồn tại thực tiễn trong tổ chức, hoạt động của mô hình Tổng đội TNXP - XDKT, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng TNXP cũng như giải thể một số Tổng đội TNXP - XDKT đã hoàn thành vai trò, có mô hình hoạt động không còn hiệu quả.

Đồng thời, đề án giúp lực lượng TNXP trên địa bàn tỉnh Nghệ An sắp xếp lại tổ chức và hoạt động phù hợp với các Nghị định, các văn bản hướng dẫn về tổ chức và chính sách cho TNXP, điều kiện thực tiễn của Nghệ An; từng bước tháo gỡ những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai và tài sản công tại các đơn vị TNXP; phối hợp tốt với cơ quan quản lý các cấp và chính quyền địa phương nơi trú đóng trong việc chỉ đạo sản xuất, quản lý bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, công tác dân vận, cai nghiện và quản lý đối tượng cai nghiện ma túy ...

Từ đó, đã phát huy được vai trò của TNXP trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng ở những địa bàn miền núi đặc biệt khó khăn và kịp thời tham gia giải quyết một số vấn đề bức xúc của xã hội trên địa bàn trú đóng và trên địa bàn của tỉnh.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Lực lượng TNXP tỉnh đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh

Những kiến nghị chính đáng

Bước vào giai đoạn mới, từ yêu cầu của thực tiễn, đại diện lực lượng TNXP tỉnh đã có nhiều kiến nghị quan trọng tại hội nghị. Trong đó, nổi bật một số vấn đề như: Đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho chủ trương để Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiến hành xây dựng Đề án tổ chức lại lực lượng TNXP Nghệ An và Quy định chức năng, nhiệm vụ của lực lượng TNXP Nghệ An giai đoạn mới phù hợp với quy định tại các Nghị định của Chính phủ.

Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành phối hợp Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Nghệ An và các đơn vị liên quan thực hiện hoàn thành giải thể Tổng đội TNXP 2 -XDKT Nghệ An, Tổng đội TNXP 3 - XDKT Nghệ An; Quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách cho lực lượng TNXP Nghệ An thực hiện hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ảnh: Thanh Quỳnh
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Thanh Quỳnh

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, thành quả toàn diện trên các lĩnh vực của lực lượng TNXP trong thời gian qua. Thành công đó không chỉ dừng lại ở các mô hình kinh tế mang tính thời điểm, mà còn tạo dựng nên những sinh kế bền vững cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vươn lên ổn định cuộc sống.

Về phương hướng, nhiệm vụ, Tỉnh đoàn cần chỉ đạo lực lượng TNXP tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan để hoàn thành tốt các mục tiêu đã đặt ra.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng ý với kiến nghị xây dựng Đề án mới, phù hợp với tình hình mới và những yêu cầu của thực tiễn đang đặt ra. Trong đó, cần nghiên cứu việc xây dựng các mô hình kinh tế để tính đến sức cạnh tranh của sản phẩm, liên kết đầu ra, cước phí vận chuyển...

Đối với các sở, ngành và đơn vị, địa phương cần quan tâm, hỗ trợ để các tổng đội TNXP tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được. Từ đó, nâng cao vị thế, vai trò của lực lượng này đối với mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình xây dựng cuộc sống mới.

Dịp này, lực lượng TNXP tỉnh đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An./.

Thanh Quỳnh